Sản lượng bán hàng của Hòa Phát tháng 7 giảm hơn 12% so với cùng kỳ

Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) vừa công bố sản lượng bán hàng các sản phẩm phôi thép, thép xây dựng, thép cuộn cán nóng đạt 526.000 tấn, giảm 12,3% so với cùng kỳ năm trước và giảm 6% so với tháng trước.

Trong đó, các sản phẩm thép xây dựng đóng góp 372.000 tấn, tăng 2% so với tháng 7/2021. Sản lượng thép cuộn cán nóng (HRC) bán ra đạt 150.000 tấn trong tháng vừa qua, giảm 5% so với tháng 7/2021. Các sản phẩm hạ nguồn HRC như ống thép, tôn mạ đạt 78.000 tấn, riêng ống thép là 60.000 tấn, tăng 38% so với cùng kỳ.

hpg-1659931677.png Đơn vị: Nghìn tấn.

Hòa Phát cho biết trong tháng tháng 7, thị trường thép trong nước tiếp tục gặp khó khăn do nhu cầu yếu, thời tiết bắt đầu bước vào mùa mưa. Tuy nhiên sản lượng xuất khẩu thép xây dựng là 147.000 tấn, tăng 81% so với cùng kỳ năm trước. Đây là yếu tố chính giúp thép Hòa Phát duy trì đà tăng sản lượng bán hàng so với năm trước.

Lũy kế 7 tháng, Hòa Phát đã sản xuất 4,9 triệu tấn thép thô, tăng 5% so với cùng kỳ 2021. Sản lượng bán hàng thép xây dựng, phôi thép và HRC đạt trên 4,5 triệu tấn thép các loại, tăng 5%. Trong đó, thép xây dựng là 2,7 triệu tấn, tăng 25%; sản lượng HRC đóng góp gần 1,6 triệu tấn, tăng 6% so với 7 tháng 2021. Ngoài ra, đơn vị đã cung cấp 437.000 tấn ống thép, 198.000 tấn tôn mạ các loại sau 7 tháng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước.

Về kết quả kinh doanh quý II, Hòa Phát ghi nhận doanh thu tăng 7% lên 37.422 tỷ đồng. Giá vốn tăng 31% khiến biên lợi nhuận gộp giảm từ 32,68% xuống 17,48%. Theo đó, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ giảm 59% còn 4.032 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, doanh thu tăng 23% đạt 81.480 tỷ đồng và lợi nhuận ròng giảm 27% xuống 12.249 tỷ đồng.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc lợi nhuận của "vua thép" giảm trong quý II và nửa đầu năm 2022. Đầu tiên, doanh nghiệp cho biết chiến sự Nga - Ukraine từ tháng 2 đã khởi nguồn cho cuộc khủng hoảng giá nhiên liệu toàn cầu, đặc biệt là biến động giá than - một trong những nguyên liệu chính cho sản xuất gang thép bằng công nghệ lò cao. Giá than HCC liên tục lập đỉnh trong 6 tháng đầu, đạt 670 USD/tấn, tăng 96% so với tháng 12/2021 là nguyên nhân chính dẫn đến giá thành sản xuất của Hòa Phát tăng mạnh.

Trong khi đó, giá thép toàn cầu trải qua nhiều nhịp điều chỉnh giảm từ giữa quý II. Lạm phát tại Mỹ và châu Âu gây xói mòn sức mua của người tiêu dùng cùng với chính sách "Zero Covid" của Trung Quốc khiến cho nhu cầu thép tại các thị trường xuất khẩu chủ lực này của Hòa Phát bị thu hẹp lại. Cầu thép trong nước cũng giảm do ảnh hưởng bởi xu hướng chung, đặc biệt là HRC.

Ngoài ra, việc chính sách tiền tệ thắt chặt với 3 lần liên tiếp tăng lãi suất kể từ tháng 3 của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nhằm kiềm chế lạm phát khiến giá USD tăng mạnh. Với nguồn nguyên liệu chủ yếu là nhập khẩu và dư nợ vay USD lớn, lỗ chênh lệch tỷ giá đã thực hiện cũng như lỗ từ đánh giá lại các khoản mục nợ gốc ngoại tệ kỳ này của doanh nghiệp tăng 6,5 lần so với quý II/2021. Do vậy, công ty đã chịu khoản lỗ ròng từ chênh lệch tỷ giá là 1.090 tỷ đồng.

Cuối cùng, các lệnh trừng phạt của châu Âu và Mỹ áp đặt lên Nga gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu cùng giá xăng dầu cao làm tăng chi phí vận chuyển. Cước vận chuyển và xuất khẩu của tập đoàn quý này ở mức 542 tỷ đồng, tăng 61% so với quý II/2021 khiến chi phí bán hàng tăng 79% lên 737 tỷ đồng

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/san-luong-ban-hang-cua-hoa-phat-thang-7-giam-hon-12-so-voi-cung-ky-a163200.html