Đền Kim Liên thường được người dân gọi là Đình Kim Liên, trước đây thuộc địa phận phường Kim Hoa, sau thuộc phường Đông Tác, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức nay là phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội.
Đền thờ thần Cao Sơn, là dấu mốc giới phía Nam thành Thăng Long. Cùng với thần Long Đỗ (đền Bạch Mã), thần Trấn Vũ (đền Quán Thánh), thần Linh Lang (đền Voi Phục) hợp thành "Thăng Long tứ trấn" canh giữ, bảo vệ cho Kinh thành xưa và Thủ đô Hà Nội nay.
Đền Kim Liên là địa danh cuối cùng chúng tôi tìm đến để hoàn thiện hành trình tìm hiểu về "Thăng Long tứ trấn". Cuộc sống của chúng ta nhộn nhịp hơn, vội vàng hơn do quá trình đô thị hóa nhanh chóng.
Thế nhưng, nếu bước chân vào đền Kim Liên, chúng ta sẽ được trở về với lịch sử, tận hưởng và chứng kiến một nếp sống chậm rãi.
Trò chuyện với phóng viên Dân Việt, ông Phạm Gia Ngọc - Trưởng Ban văn hóa xã hội phường Phương Liên, cũng là Phó ban quản lý di tích Đình Kim Liên (đền Kim Liên) tự hào khẳng định: "Người dân Kim Liên coi đền là mái nhà lớn của cả làng, người già người trẻ cùng nhau tụ tập trong sân đền chơi cờ tướng hay cùng ngồi trò chuyện...
Sự yên ấm của làng có được là nhờ sự che chở của vị thần Cao Sơn. Ngôi đền được biết đến là một ngôi đền thiêng, trấn giữ phía Nam trong hệ thống Thăng Long tứ trấn".
Thần tích Thượng đẳng thần Cao Sơn … hễ cầu tất ứng
Theo sử sách tại đền, đền Kim Liên được xây dựng từ khi vua Lý Thái Tổ rời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long để bảo vệ phía Nam kinh thành mới. Xưa vùng Kim Hoa (tên Nôm là Đồng Lầm) là vùng đầm lầy lội, chủ yếu là vùng trũng, đền được xây dựng trên một gò đất cao nhất vùng và thờ thần Cao Sơn Đại Vương cầu thần phù trợ cho việc canh tác, giảm bớt thiên tai cho người dân.
Tương truyền, Cao Sơn Đại Vương tức Lạc tướng Vũ Lâm – con trai thứ 17 của Lạc Long Quân và Âu Cơ. Ngài theo cha lên núi và trở thành bộ tướng của Thánh Tản Viên (Sơn Tinh). Cao Sơn Đại Vương đã cùng Sơn Tinh đánh bại Thủy Tinh cứu giúp muôn dân mang lại sự bình yên, an lạc cho muôn dân trăm họ.
Ông Ngọc cho hay, có một câu chuyện ly kỳ về việc thần Cao Sơn hiển linh phù trợ cho vua Lê Tương Dực mà đến nay vẫn được kể lại.
"Năm 1509, khi Lê Uy Mục muốn lật đổ vua Lê Tương Dực, cướp ngôi, khiến đất nước lâm vào cảnh loạn lạc. Vua Lê Tương Dực cầm quân dẹp loạn, khôi phục cơ nghiệp vua Lý Thái Tổ, đến địa phận huyện Phụng Hóa (nay là xã Văn Phương, Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) thì thấy có ngôi đền cổ, trong đền có tảng đá ghi bốn chữ "Cao Sơn đại vương".
Vua Lê Tương Dực thấy lạ, cúi hành lễ, chỉ sau 1 tuần chiến thắng trở về, giành lại ngôi báu, củng cố triều đình nhà Lê. Đồng thời nhớ đến ơn Thần nên vua đã cho người xây đền, khắc bia tại phường Kim Hoa bấy giờ và giao cho người dân ở đây báo đáp ơn thần giúp vua giành lại ngai vàng.
Di vật cổ nhất đình - đền Kim Liên
Tấm bia đá do sử thần Lê Tung soạn năm Canh Ngọ - Hồng Thuận thứ ba (tức năm 1510) có nội dung: "Cao Sơn lừng danh/ Vòi vòi oai linh/ Hễ cầu tất ứng/ Ban khắp ơn lành/ Ban thời vận rủi/ Trời sinh Thánh Minh".
Đến nay, bức bia này vẫn còn và được coi là di vật cổ nhất ở đền Kim Liên. Bức bia cao 2m43, rộng 1m57 và dày 22cm ghi toàn bộ bài minh mà vua đã cảm nhận được sự linh thiêng, phù trợ của thần Cao Sơn Đại Vương. Sau khi bia được dựng lên, nhân dân xây Miếu bao phủ bia.
Là người dân làng Kim Liên, cũng là người nhiều năm trực tiếp trông nom di tích đình, ông Nguyễn Kim Bình (70 tuổi) – Đại diện tiểu ban quản lý đình - đền Kim Liên bộc bạch: "Sở Văn hóa và Du lịch Hà Nội đã giao cho nhân dân bảo tồn cây si và Miếu bia. Chẳng phải tự nhiên, trên Miếu nơi đặt tấm bia được bao quanh bởi rễ cây si cổ thụ. Bảo tồn cây si và Miếu bia để lưu giữ tấm bia ghi công đức to lớn của Cao Sơn Đại Vương được trường tồn mãi mãi cùng thời gian".
Hiếm có nơi nào đình - đền là một. Lý giải về tấm biển "Đền - đình Kim Liên" bên ngoài cổng chính, ông Bính cho hay: "Đền là nơi thờ vị thần Cao Sơn Đại Vương. Sau này, đền trở thành nơi hội họp của làng xã để quyết định những công việc chính trong một năm nên trở thành trung tâm hành chính.
Khi là trung tâm hành chính thì trở thành đình, đình thờ thành hoàng mà Cao Sơn Đại Vương là thần hoàng quản thổ (cao hơn thành hoàng), vừa là thần hoàng, vừa là người cai quản ở đất này nên đã đề nghị ghi: Đền - Đình Kim Liên".
Chịu tác động của thăng trầm lịch sử, đến nay đền Kim Liên không còn nguyên dạng (toàn bộ nhà bái đường đã bị tàn phá), chỉ còn lại nhà hậu đường ba gian, tam quan, cổng gạch và hai giải vũ. Sau 2 đợt trùng tu lớn năm 2000 và 2010 (kỷ niệm 990 và 1000 năm Thăng Long - Hà Nội) đền được tôn tạo, phục chế lại như ngày nay.
Mâm cỗ 7 tầng dâng lên vị thần trấn phương Nam
Đền Kim Liên được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng danh mục Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia ngày 9/1/1990. Hàng năm, vào ngày 16/3 âm lịch, người dân làng Kim Liên lại tổ chức mở hội truyền thống, lễ tế để báo đáp ơn Thần.
Lễ hội có 2 phần chính: phần lễ và phần hội. "Phần hội là phần quan trọng, vì nó tạo ra không khí hân hoan của hội làng. Các trò chơi dân gian và các chương trình văn nghệ được tổ chức từ vài hôm trước. Hội làng là nơi tình làng xóm được gắn bó hơn", ông Bình tâm sự.
Điểm đặc biệt trong hội làng Kim Liên là mâm cỗ 7 tầng (đại diện cho 7 giáp trong làng) – cỗ Trung Đình. Theo ông Ngọc, vào ngày hội, người dân dùng sản vật địa phương kết hợp với tài ẩm thực của người Hà Thành làm mâm cỗ Trung Đình.
Mâm cỗ Trung Đình được yêu cầu kích thước mỗi tầng có chiều cao 0,4m; rộng 0,5m; dài 0,65m và quy định bày cỗ từng tầng rõ ràng.
"Giá trị phần thưởng là chiếc khăn điều, dòng họ nào được chiếc khăn điều thì cả năm đó may mắn, tài lộc. Những cô gái ở tuổi trăng tròn được khiêng mâm cỗ mà có giải là điều tự hào của một năm.
Thế nhưng, hiện nay, tục lệ bị mai một, còn rất ít người biết làm mâm cỗ 7 tầng", ông Ngọc tiếc nuối. Tâm sự với phóng viên, ông Ngọc luôn nung nấu ý tưởng sẽ khôi phục lại mâm cỗ 7 tầng để dâng lên thần Cao Sơn Đại Vương.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/dieu-it-biet-ve-dinh-kim-lien-mot-trong-thang-long-tu-tran-a163471.html