Để xây dựng môi trường du lịch xanh bền vững, từ 1/9, UBND huyện Cô Tô (Quảng Ninh) sẽ triển khai thí điểm quy định du khách không mang chai nhựa, túi nylon và các vật liệu có nguy cơ ô nhiễm môi trường khi đi du lịch đến huyện đảo này.
Việc thí điểm được triển khai trong khoảng vài tháng, sau đó sẽ tổng kết để tiến tới áp dụng chính thức quy định này, bởi hiện nay tại huyện đảo Cô Tô các nhu yếu phẩm cơ bản đã được chuẩn bị đầy đủ để có thể đáp ứng nhu cầu của du khách.
Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường, ông Đỗ Huy Thông - Phó Chủ tịch UBND huyện Cô Tô cho biết, từ khi được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ về huyện đảo công tác, bản thân ông rất trăn trở với vùng đất này. Do đặc điểm địa lý cách xa đất liền nên Cô Tô khó khăn về mọi thứ.
"Hai vấn đề khó khăn nhất đối với Cô Tô hiện nay là giao thông và rác thải. Những vấn đề này đã tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế của huyện đảo khi mà du lịch chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu. Vấn đề rác thải, rác thải đại dương không chỉ là vấn nạn đối với riêng Cô Tô, nhiều địa phương khác như Phú Quốc, Nha Trang... cũng đang phải chịu ảnh hưởng không nhỏ.
Nhận thức được điều đó, chính quyền và người dân Cô Tô luôn cố gắng hạn chế tối đa rác thải nhựa, túi nylon và các vật liệu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Vào mỗi thứ 5 hàng tuần, chúng tôi đều thực hiện chiến dịch dọn rác trên đảo. Hoạt động này thu hút đông đảo thành phần tham dự , từ lực lượng vũ trang, đoàn thanh niên, cán bộ địa phương cho đến người dân và cả các cháu thiếu nhi. Tuy nhiên, do lượng rác thải đại dương quá lớn, một tuần dọn hai lần cũng không xuể", ông Thông trăn trở.
Theo lãnh đạo huyện Cô Tô, từ chủ trương chung của Nhà nước liên quan đến vấn đề rác thải và biến đổi khí hậu, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, UBND huyện đã ra Thông báo số 58, trong đó có đề cập đề việc áp dụng thí điểm quy định du khách không mang chai nhựa, túi nylon, các vật liệu có nguy cơ ô nhiễm môi trường khi đi du lịch tới địa phương.
Quy định trên được đưa ra sau buổi làm việc với các doanh nghiệp và hiệp hội du lịch, trên cơ sở tham gia ý kiến của các hộ kinh doanh, các ban ngành liên quan. Sự đồng thuận của người dân, du khách và doanh nghiệp là điều kiện tiên quyết làm nên thành công cho việc triển khai thí điểm quy định tại huyện đảo Cô Tô.
"Cô Tô không phải là huyện đầu tiên áp dụng thí điểm quy định này, trước đó thì một xã của huyện đảo Lý Sơn đã áp dụng. Mục tiêu khi triển khai thí điểm quy định là tuyên truyền cộng đồng doanh nghiệp tích cực nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, chú trọng công tác vệ sinh môi trường, hình thành thói quen trong nhân dân và du khách về việc sử dụng vật liệu tái chế, thân thiệt với môi trường trong hoạt động du lịch.
Để triển khai hiệu quả quy định này, huyện Cô Tô yêu cầu các hãng vận chuyển và công ty lữ hành hướng dẫn cho du khách ngay từ khi bán vé, và khi đến cầu cảng Vân Đồn để ra đảo Cô Tô thì sẽ yêu cầu mọi người để lại chai nhựa, túi nylon cùng những vật liệu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, huyện cũng kêu gọi mỗi người dân trên đảo cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia, tổ chức các hoạt động chống rác thải nhựa bằng các hành động cụ thể, thiết thực.
Trong đó, thay đổi thói quen, nói không với các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi nylon thông qua việc mua sắm, trong sinh hoạt, làm việc, lao động thường ngày; sử dụng thay thế bằng các loại sản phẩm thân thiện với môi trường. Tham gia tích cực các hoạt động bảo vệ môi trường tại nơi sinh sống", ông Đỗ Huy Thông chia sẻ thêm.
Một vấn đề nan giải khác khiến vị lãnh đạo huyện Cô Tô lo lắng đó là lượng rác thải từ các tàu đánh bắt cá của các địa phương trên cả nước đổ về. Do đặc điểm sinh hoạt, ăn uống tại chỗ nên hầu hết rác thải trên tàu đều được đưa thẳng xuống biển, việc quản lý ngư dân trên tàu là rất khó. Vì vậy, ngoài việc tuyên truyền kêu gọi, chúng ta cần phải có những phương án hỗ trợ thiết thực hơn như cung cấp thùng rác, túi rác cho ngư dân nhằm hạn chế tối đa việc xả rác ra môi trường biển.
"Để xây dựng Cô Tô thành huyện đảo không rác thải nhựa là hoạt động dài hơi, nhiều khó khăn nhưng chúng tôi vẫn đang nỗ lực tìm kiếm các phương án hợp lý, triển khai đồng bộ và quyết liệt. Chúng tôi hy vọng người dân, du khách và doanh nghiệp đều ủng hộ và đồng lòng hỗ trợ, bảo vệ Cô Tô khỏi rác thải nhựa", ông Thông nhấn mạnh.
Cô Tô là huyện đảo ở phía đông tỉnh Quảng Ninh, cách đất liền khoảng 80km. Cô Tô có gần 50 đảo nhỏ, trong đó khách du lịch đặc biệt yêu thích cụm đảo Cô Tô, Cô Tô Con và Thanh Lân. Trong 7 tháng đầu năm 2022, huyện đảo này đón trên 162.000 lượt khách. Tuy vậy, cùng với sự phát triển nhanh chóng của du lịch, môi trường trên đảo bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi lượng rác từ sinh hoạt và hoạt động du lịch, đặc biệt là rác thải nhựa.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/co-to-noi-khong-voi-chai-nhua-tui-nylon-chap-nhan-kho-khan-de-bao-ve-moi-truong-a163911.html