Bất thường bỏ cọc đấu giá đất tại Pleiku

Đặt cọc với giá cao rồi bất ngờ 'buông tay', UBND tỉnh Gia Lai và TP Pleiku đã nhanh chóng chỉ đạo các đơn vị liên quan giám sát đấu giá đất.

Ngày 12-8, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Thành Vinh, Phó Phòng tái định cư phát triển quỹ đất, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Pleiku (Gia Lai), cho biết: “UBND TP Pleiku đã có văn bản hủy kết quả trúng đấu giá đối với 29 lô đất trong đợt đấu giá 104 lô đất tại khu quy hoạch chi tiết khu dân cư phường Chi Lăng do không thực hiện nghĩa vụ tài chính đúng thời hạn. Do chưa có quy định xử lý về việc bỏ cọc nên những cá nhân này chỉ mất tiền cọc”.

p9-bai-lekien-bat-thuong-1h-9864-1660351933.jpg
Khu đất đấu giá phường Chi Lăng có giá tăng bất thường. Ảnh: LÊ KIẾN

 

 

Đấu giá cao, bỏ cọc bất thường

Theo ông Vinh, 29 lô đất bị hủy kết quả này có giá trị hơn 30 tỉ đồng, do 11 người tham gia đấu giá. Trong đó có năm người ngụ tại TP Pleiku, sáu người còn lại là người ngoài tỉnh gồm Đắk Lắk, Đắk Nông, Đà Nẵng, Nghệ An, Kon Tum.

Trong danh sách hủy kết quả có ba trường hợp, mỗi người trúng tận năm lô đất, với giá trúng gần 5 tỉ đồng. Với mức tiền cọc 20% giá khởi điểm, người trúng đấu giá bỏ cọc mất tiền tương đương hơn 250 triệu đồng. Có trường hợp bà ĐTTL (ngụ TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) trúng lô 14-LK 19 với giá hơn 3,1 tỉ đồng, trong khi giá khởi điểm khu đất này chỉ có 301 triệu đồng. Bà ĐTTL bỏ cọc và chịu mất trắng hơn 60 triệu đồng.

Ông Vinh cho hay đây là lần đầu tiên tại TP Pleiku chứng kiến cuộc đấu giá cao bất thường như vậy. Giá khởi điểm 104 lô là hơn 21 tỉ đồng và số tiền trúng sau đấu giá tăng lên hơn 101 tỉ đồng, chênh lệch hơn 79 tỉ đồng.

Anh HN (ngụ phường Thắng Lợi, TP Pleiku), người trực tiếp tham gia buổi đấu giá đất, khẳng định buổi đấu giá hôm đó có nhiều dấu hiệu bất thường, 104 lô mà có đến hơn 10.000 hồ sơ tham gia đấu giá. “Tôi tham gia 10 hồ sơ, hy vọng mua được một lô giá vừa phải nhưng buổi đấu giá vừa bắt đầu, lô thấp nhất khoảng 170 triệu đồng bị hét giá lên hơn 800 triệu đồng, những lô đẹp giá cũng vài tỉ đồng. Nếu giá như vậy, với người có thu nhập bình thường không thể nào mua nổi lô đất để ở” - anh HN nói.

Giá khởi điểm 104 lô là hơn 21 tỉ đồng và số tiền trúng sau đấu giá tăng lên hơn 101 tỉ đồng, chênh lệch hơn 79 tỉ đồng.

Giao công an điều tra “thổi giá đất”

Sau phiên đấu giá bất thường tại phường Chi Lăng, UBND tỉnh Gia Lai đã nhanh chóng ra văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, chấn chỉnh việc đấu giá đất trên địa bàn để tránh tình trạng thao túng trong quá trình đấu giá. Đồng thời yêu cầu xử lý nghiêm nếu phát hiện hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến đất đai.

UBND tỉnh Gia Lai giao công an tỉnh chỉ đạo, tăng cường nắm tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất; điều tra làm rõ các hành vi đẩy giá, thổi giá đất để thu lợi bất chính, gây nhiễu loạn thị trường bất động sản.

Đồng thời yêu cầu các sở Tư pháp, TN&MT, Xây dựng, Cục Thuế vào cuộc giám sát các hoạt động đấu giá, các giao dịch bất động sản, chuyển nhượng đất đai, không để xảy ra tình trạng phân lô, tách thửa, bán nền trái quy định.

Bên cạnh đó, UBND TP Pleiku cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc thực hiện các biện pháp tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản; tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình khi đưa tài sản ra đấu giá.

Nói về xử lý trách nhiệm đối với các trường hợp đấu giá bỏ cọc, ông Nguyễn Thành Vinh cho rằng tình trạng này vẫn diễn ra ở nhiều nơi, không chỉ ở Gia Lai. Theo quy định, người nào bỏ cọc thì mất tiền cọc, chứ chưa có chế tài liên quan. Hiện tại mới có một số dự thảo về cấm người vi phạm bỏ cọc tham gia các phiên đấu giá.•

Chưa xác định có “thổi giá” hay không

Trao đổi với PV về diễn biến liên quan đến đợt đấu giá đất cao kỷ lục này, ông Nguyễn Trọng Hoàng, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Pleiku, cho biết chưa xác định có “thổi giá” hay không. Theo ông Hoàng, sau đợt đấu giá này, trung tâm có đi kiểm tra đất xung quanh khu đất đấu giá và không thấy có dấu hiệu gom đất, “thổi giá” để đầu cơ đất.

Ông Hoàng cho rằng nguyên nhân khiến giá đất cao là do thời điểm đấu giá rơi vào thời kỳ cao điểm đất “sốt giá”, vị trí đất ở đó cũng đẹp, cách quốc lộ 14 không xa. “Hiện tại tình hình sốt đất trên địa bàn đã hạ nhiệt” - ông Hoàng nói.

Trao đổi thêm, ông Lê Giang Sơn, Chủ tịch UBND phường Chi Lăng, cho biết từ tháng 7-2022 đến nay, tuy không còn sốt giá đất nhưng giá đất vẫn còn rất cao.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/bat-thuong-bo-coc-dau-gia-dat-tai-pleiku-a164681.html