Để thực hiện mục tiêu trong 5 năm (2021 - 2025) xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, đầu tháng 4/2022, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. Đà Nẵng đã ký Hợp đồng với Liên danh Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại 126 (Công ty 126) - Công ty CP Tư vấn và Xây dựng Phú Xuân tiến hành nạo vét 350 nghìn tấn bùn và cát dưới đáy Âu thuyền đưa ra ngoài khơi cách bờ 20 km để nhấn chìm.
Ngay sau khi Hợp đồng được ký kết, Nhà thầu tiến hành công việc theo báo cáo đánh giá tác động môi trường được duyệt. Đó là dùng tàu hút bơm bùn sét, cát lẫn rác lên sà lan cho lắng bùn, cát và tách nước trên từng khoang… Tuy nhiên, giải pháp này được đánh giá là kém hiệu quả do lượng bùn và cát chỉ chiếm 10 - 15% trên tổng khối lượng được ống hút lên sà lan (còn lại là nước). Điều này gây lãng phí về thời gian, nhiên liệu. “Nhà thầu thi công đúng theo giải pháp đã được phê duyệt. Tuy nhiên vừa làm vừa đánh giá thì thấy hiệu quả không cao và lãng phí. Chở nước từ đất liền ra đổ xuống biển thì rõ ràng là bất cập, không hiệu quả nên đã báo cáo chủ đầu tư kiến nghị UBND Thành phố điều chỉnh báo cáo đánh giá tác động môi trường theo hướng áp dụng cả 2 phương pháp hút và cạp xúc để đưa được nhiều bùn lên sà lan, bảo đảm hiệu quả về kinh tế và môi trường” - Đại diện Công ty 126 cho hay.
Theo ông Nguyễn Minh Huy, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng (chủ đầu tư), từ khi tạm dừng thi công, Ban đã đề nghị UBND Thành phố chỉ đạo thay đổi phương pháp nạo vét cho phù hợp. Hiện nay, giải pháp thi công mới được đề xuất là dùng tàu ngoạm cạp, xúc bùn đáy đang được các sở ngành tham mưu UBND Thành phố để điều chỉnh, sau đó đưa ra hội đồng thống nhất để triển khai.
“Phương án gàu ngoạm và xúc bùn đáy theo quy trình thu gom lớp bùn bên trên khoảng 0,5 - 0,7m, tiếp đó là các lớp bùn pha sét, lớp sét và sét pha cát với độ dày 3 lớp này từ 1,3 - 1,5m. Khi đổ vào sà lan dung tích 600 m3 sẽ có màng lưới sắt giữ lại các loại rác để phân loại và xử lý riêng, bùn sẽ lắng xuống để chở đến vị trí nhấn chìm. Tại đây, các cửa xả ở dưới đáy sà lan được mở để xả chất nạo vét xuống biển ở độ sâu khoảng 30m và gần như không có dòng chảy trên biển” - ông Huy cho biết thêm.
Cũng theo ông Huy, hiện Sở Xây dựng đã có văn bản tham mưu UBND Thành phố xem xét điều chỉnh phương án theo giải pháp này để thi công hiệu quả hơn trên thực tế. “Văn bản Sở yêu cầu các sở liên quan có ý kiến phản hồi trước 20/8/2022 để báo cáo UBND TP. Đà Nẵng. Nếu thuận lợi thì đầu tháng 9/2022 có thể thi công trở lại”, ông Huy cho biết.
Cùng với thay đổi giải pháp thi công, theo ông Huy, một số đầu mục công việc cũng sẽ có thay đổi.
Về việc thay đổi phương án thi công có làm chậm tiến độ theo Hợp đồng ký kết với Chủ đầu tư hay không, đại diện Liên danh nhà thầu cho biết, nếu phương án thi công tốt, phía Nhà thầu đã hoàn thành công việc. Tuy nhiên, do thay đổi phương án thi công và phụ thuộc vào thời tiết mùa mưa bão nên kế hoạch đưa ra là hoàn thành vào tháng 10/2022 sẽ khó đảm bảo, nên có thể sẽ phải kéo dài đến cuối năm.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/goi-thau-nao-vet-au-thuyen-tho-quang-da-nang-doi-phuong-an-thi-cong-nha-thau-lo-cham-tien-do-a164709.html