Cổ phiếu thép hồi phục mạnh mẽ: "Hoa nở, xuân về"?

Nhận xét chung về đà tăng của nhóm thép, giới phân tích cho rằng, đà phục hồi của thị trường chứng khoán đang khá đồng pha với sự phục hồi ngắn hạn của thế giới. Khi thị trường vào sóng tăng, sự lan tỏa diễn ra khá tốt, các ngách chưa được lan tỏa đến cuối cùng cũng tăng giá...

Họ nhà thép hồi phục mạnh mẽ

Theo quan sát từ phiên giao dịch ngày 27/7 đến nay, nhóm cổ phiếu thép đang có dấu hiệu trở lại và ghi nhận đà hồi phục mạnh mẽ.

Đơn cử, cổ phiếu HSG (Tập đoàn Hoa Sen) tăng từ 16.500 đồng/cp lên 21.700 đồng/cp; cổ phiếu NKG (Thép Nam Kim) tăng từ 17.300 đồng/cp lên 21.750 đồng/cp; cổ phiếu TLH (Thép Tiến Lên) tăng từ 8.800 đồng/cp lên 10.500 đồng/cp; cổ phiếu TVN (Thép Việt Nam) tăng từ 8.000 đồng/cp lên 9.100 đồng/cp; cổ phiếu POM (Thép Pomina) tăng từ 6.990 đồng/cp lên 7.850 đồng/cp.

Đáng chú ý, cổ phiếu HPG (Tập đoàn Hòa Phát) tăng từ 21.300 đồng/cp lên 23.800 đồng/cp sau khoảng 30 phiên loanh quanh vùng đáy. Không chỉ vậy, với đặc tính siêu thanh khoản, cùng với ảnh hưởng vốn hóa lớn, cổ phiếu này còn liên tục thể hiện sức mạnh khi không ngừng hỗ trợ cho chỉ số chung của thị trường trong những phiên gần đây.

Điển hình như trong phiên 9/8 vừa qua, cổ phiếu HPG đã trở thành tâm điểm của thị trường khi giao dịch với cường độ mạnh. Mã chứng khoán này sang tay hơn 48,2 triệu cổ phiếu với tổng giá trị hơn 1.160 tỷ đồng, ghi nhận khối lượng và giá trị giao dịch này là cao nhất thị trường, chiếm gần 7,8% lượng khớp lệnh trên sàn HoSE. Con số này cũng vượt xa 80% so với mức bình quân dưới 27 triệu cổ phiếu/phiên trong một tháng gần nhất.

Nhờ đó, cổ phiếu đầu ngành thép này cũng tăng mạnh 2,1% lên 24.100 đồng/cp, trở thành một trong 2 mã có tác động tốt nhất lên chỉ số chung. Giá trị vốn hóa hiện đạt hơn 140.000 tỷ đồng, quay lại top 10 công ty được định giá cao nhất thị trường.

Tuy nhiên, điểm trừ là khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng mạnh nhất mã HPG trong phiên 9/8 với giá trị 99 tỷ đồng.

Trước đó, do sức bán mạnh mẽ và dứt khoát của các nhà đầu tư bởi lo ngại tình hình kinh doanh kém khả quan của nhóm ngành này, đồng thời ảnh hưởng của thị trường chung, cổ phiếu thép không ngừng “lao dốc”. Đặc biệt cổ phiếu HPG còn khiến không chỉ những nhà đầu tư nhỏ lẻ mà ngay cả những quỹ đầu tư chuyên nghiệp cũng lao đao không kém.

Cụ thể, nếu vẫn giữ nguyên số lượng cổ phiếu HPG đang nắm giữ, CTCP Tập đoàn Quản lý tài sản Trí Việt đang tạm lỗ khoảng 270 tỷ đồng; Chứng khoán Trí Việt tạm lỗ khoảng 80 tỷ đồng; Chứng khoán SSI may mắn hơn do cầm số lượng ít, cũng lỗ khoảng 7 tỷ đồng… Còn Chứng khoán Rồng Việt, sau cắt lỗ một phần vẫn ghi nhận lỗ hơn 20 tỷ đồng.

Ngoài ra, nhiều quỹ đầu tư cũng lỗ nặng với cổ phiếu HPG, như Ballad Fund thuộc SGI Capital, VEIL Dragon Capital, VinaCapital VOF,... khi ghi nhận hiệu suất âm trong tháng 6 và cả 6 tháng đầu năm.

Khó khăn vẫn bủa vây

Nhận xét chung về đà tăng của nhóm thép, giới phân tích cho rằng, đà phục hồi của thị trường chứng khoán đang khá đồng pha với sự phục hồi ngắn hạn của thế giới. Khi thị trường vào sóng tăng, sự lan tỏa diễn ra khá tốt, các ngách chưa được lan tỏa đến cuối cùng cũng tăng giá.

Trong khi đó, cổ phiếu thép đã có mức điều chỉnh khá sâu nên dòng tiền dễ dàng tìm đến, khiến cổ phiếu có sự hồi phục mạnh là điều đương nhiên. Bên cạnh đó, giá thép thế giới tăng nhẹ cũng là chất xúc tác khiến cổ phiếu thép có cầu bắt đáy mạnh.

Tuy nhiên, “triển vọng thị trường hàng hóa nói chung trong nửa cuối năm 2022 là khó đoán trước trong bối cảnh FED vẫn đang tăng nhanh lãi suất và viễn cảnh rủi ro suy thoái”, ông Bùi Văn Huy, Giám đốc môi giới Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) lưu ý.

Nhiều ý kiến cho rằng, tỷ giá có thể tiếp tục chịu nhiều biến động và sẽ tác động tới thị trường chứng khoán cũng như các nhóm ngành, cổ phiếu có liên quan, trong đó có sắt thép. Bởi đây là ngành có giá trị nhập siêu lớn nguồn nguyên liệu sản xuất đầu vào từ EU và Nhật Bản, nên giá thành sản phẩm sẽ phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thị trường nước ngoài.

Lý giải về đà giảm của giá thép, các chuyên gia cho rằng, do lượng tồn đạt mức cao kỷ lục, buộc các doanh nghiệp phải hạ giá sản phẩm nhằm kích cầu, đẩy hàng tồn. Và nếu tiếp tục kéo dài, lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành thép chắc chắn còn bị ảnh hưởng lớn.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), triển vọng thị trường thép nửa cuối năm khá u ám, trong bối cảnh các nước trên thế giới vẫn đang tìm thêm thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu như Campuchia, Hong Kong (Trung Quốc), Canada, Hoa Kỳ...

“Đa phần các nhà máy đều ở trong tình trạng khó khăn do hàng tồn kho giá cao. Mức độ cạnh tranh giữa các nhà máy ngày càng khốc liệt về giá bán và xâm lấn thị phần của nhau” VSA nhận định.

Cơ hội nào cho cổ phiếu thép

Đánh giá triển vọng 6 tháng cuối năm 2022, Mirae Asset đã hạ nhận định ngành thép từ tích cực xuống trung tính dựa trên các luận điểm: Áp lực từ nguồn cung than cốc lẫn giá than tăng cao, bào mòn từ 3-6% biên lợi nhuận gộp các công ty thép, lạm phát chưa có dấu hiệu dừng lại và ngành bất động sản chững lại trong năm 2022.

“Dự phóng sản lượng thép toàn ngành năm 2022 hạ 15% về 27,76 triệu tấn (-10%), riêng sản lượng xuất khẩu đạt mức 7.6 triệu tấn (+1%)”, báo cáo nêu.

Về triển vọng xuất khẩu thép, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, mức xuất khẩu cao của năm 2021 sẽ khó lặp lại. Lý do là bởi đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, kết hợp với nhu cầu hàng không thiết yếu suy giảm do lạm phát kỷ lục tại châu Âu; cạnh tranh tại Mỹ gia tăng do nước này đã nới lỏng chính sách thuế quan với thép Nhật; châu Âu và Nga đặt mục tiêu xuất khẩu nhiều hơn sang Đông Nam Á.

Trước đó, SSI Research từng cho rằng, sản lượng thép xuất khẩu vẫn ổn định trong quý II, nhưng nhiều khả năng sẽ giảm tốc trong các quý tới do nhu cầu chậm lại trước lo ngại giá thép giảm và các biện pháp bảo hộ từ các thị trường xuất khẩu.

“Lợi nhuận năm 2022 của Hoà Phát có thể đạt 26.500 tỷ đồng, giảm hơn 23% so với cùng kỳ chủ yếu do giả định giá thép giảm. Lợi nhuận dự phóng năm 2022 của Hoa Sen cũng giảm 67% so với cùng kỳ, dự kiến ở mức 1.400 tỷ đồng chủ yếu do sản lượng tiêu thụ và xuất khẩu giảm. Với Nam Kim, lợi nhuận năm 2022 cũng được dự báo sẽ giảm 39% so với cùng kỳ xuống 1.350 tỷ đồng”, SSI Research dự báo.

Tuy nhiên, xét về trung và dài hạn, ngành thép vẫn “sáng cửa”. Các yếu tố hỗ trợ ngành thép trong thời gian tới có thể đến từ sự phục hồi của giá thép trong khu vực sau khi Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phong tỏa, và giá than cốc hạ nhiệt trong trung hạn từ mức cao bất thường hiện tại.

Đáng chú ý, thông tin mới đây cho thấy, Trung Quốc đã thành lập Tập đoàn tài nguyên khoáng sản khổng lồ, mang tới kỳ vọng nước này sẽ có tiếng nói hơn trong việc định giá quặng sắt để có thể chống lại việc thao túng giá trên thị trường quốc tế. Điều đó sẽ mang tới yếu tố tích cực cho việc nhập khẩu của thị trường trong nước, bởi sắt thép các loại nhập khẩu vào Việt Nam nhiều nhất có xuất xứ từ Trung Quốc, chiếm 43,5% tổng lượng và chiếm 40,9% tổng kim ngạch nhập khẩu sắt thép của cả nước.

Ngoài ra, với quyết tâm của Chính phủ, việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các gói hỗ trợ, các dự án đầu tư công trong thời gian tới có thể giúp nhóm ngành này được chú ý trở lại.

 

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/co-phieu-thep-hoi-phuc-manh-me-hoa-no-xuan-ve-a164926.html