Cty LQ Korea Shopping bị “tố” bán hàng không hóa đơn, tem nhãn phụ: Có dấu hiệu trốn thuế?
“Không lập hóa đơn khi bán hàng người nộp thuế có hành vi trốn thuế, gian lận thuế” - Luật sư Lê Hằng – TAT Lawfirm nhận định.
Như đã thông tin trong bài viết “Công ty LQ Korea Shopping bị “tố” bán hàng không hóa đơn, không tem nhãn phụ” về những bất thường trong hoạt động tổ chức hội thảo, giới thiệu, bán sản phẩm Cao hắc sâm Hàn Quốc cho người cao tuổi tại xã Vạn Điểm, Thường Tín, Hà Nội. Thông tin quảng cáo của công ty LQ Korea Shopping có dấu hiệu gian dối, sai sự thật khi “nổ” rằng: “Công ty đến từ Hàn Quốc.”
Có thể xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự
Phân tích sự việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Lê Hằng – TAT Lawfirm cho biết: Dựa trên thông tin Báo Tri thức và Cuộc sống phản ánh, theo quy định pháp luật hiện hành tại luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, luật quảng cáo thì đối với hàng hoá dịch vụ cần đảm bảo các điều kiện về sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, uy tín.
Với việc quảng cáo và đánh tráo các khái niệm để người mua hiểu nhầm, nhầm lẫn về sản phẩm với những từ ngữ “nhập khẩu từ Hàn quốc” nhưng không có tài liệu chứng minh nguồn gốc xuất xứ như hoá đơn nhập khẩu, tem nhãn phụ… là có dấu hiệu vi phạm khoản 2 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định về hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo có dùng từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định. Bên cạnh đó, nếu sản phẩm không có tài liệu hợp pháp chứng minh về xuất xứ mà tổ chức, cá nhân vi phạm cố tình quảng cáo gian dối để lừa gạt người tiêu dùng có thể xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể, tại Điều 197 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 05 - 50 triệu đồng, cấm làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm.
Việc quảng cáo này cũng khiến nhiều người tiêu dùng cảm thấy khó hiểu, hoài nghi về nguồn gốc cũng như chất lượng thực sự của những sản phẩm không có niêm yết giá rõ ràng và dán tem nhãn phụ trên sản phẩm. Trường hợp này cơ quan chức năng cần làm rõ nếu việc niêm yết giá phụ thuộc vào từng thời điểm khác nhau theo chính sách giảm giá, khuyến mại của công ty thì phải kiểm tra đơn vị có đăng ký khuyến mại ở cơ quan có thẩm quyền không. Nếu công ty không thực hiện điều này thì việc không niêm yết giá có dấu hiệu vi phạm tại khoản 1, điểm a khoản 2 Điều 12 Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 49/2016/NĐ-CP ngày 27/5/2016 của Chính phủ) quy định: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật; Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần; tái phạm.
“Có dấu hiệu trốn thuế”
Hiện nay, theo quy định hiện hành của Luật quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn có liên quan thì việc không xuất hoá đơn và ghi hoá đơn thấp hơn thực tế là có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Theo quy định tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hoá đơn, chứng từ mới có hiệu lực từ 1/7/2022 quy định về hoá đơn hàng hoá cung ứng dịch vụ như sau: “Khi bán hàng hoá dịch vụ người bán phải lập hoá đơn. Khi lập hoá đơn phải ghi đầy đủ nội dung theo qui định”. Trường hợp xuất hoá đơn nhưng giá trị trong hoá đơn nhỏ hơn giá trị của sản phẩm thực tế theo giá thị trường, thì bên bán sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định về hành vi trốn thuế, gian lận thuế theo quy định của Điều 17 Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ qui định chi tiết về xử phạt vi phạm hành chính về thuế và hoá đơn.
Theo đó,“Không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp người nộp thuế đã khai thuế đối với giá trị hàng hóa, dịch vụ đã bán, đã cung ứng vào kỳ tính thuế tương ứng; lập hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ sai về số lượng, giá trị hàng hóa, dịch vụ để khai thuế thấp hơn thực tế và bị phát hiện sau thời hạn nộp hồ sơ khai thuế;Người nộp thuế có hành vi trốn thuế, gian lận thuế theo qui định của pháp luật bị xử phạt theo số lần tính trên số tiền thuế trốn, số tiền thuế gian lận như sau:…Lập hoá đơn sai về số lượng, giá trị hàng hoá, dịch vụ bán ra làm căn cứ kê khai thấp hơn thực tế”.
Như vậy, việc trốn thuế chủ yếu xử lý tập trung bên bán vì đây là chủ thể chủ động thực hiện hành vi vi phạm để trục lợi gây thất thu thuế của nhà nước. Còn đối với người mua thì khó xử lý vì trường hợp họ không biết và không thể kiểm tra được hoạt động nội bộ của bên bán, người mua dưới góc độ người tiêu dùng chỉ là bên phối hợp thực hiện để hoàn thất thủ tục xuất hoá đơn của bên bán theo qui định của pháp luật. Có thể thấy rằng việc trốn thuế là một hiện tượng diễn ra phổ biến ở nhiều nơi gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế, gây bất bình đẳng xã hội và làm thất thu ngân sách nhà nước. Do đó, các đơn vị chức năng cần nhanh chóng phát hiện hành vi vi phạm và thực hiện các biện pháp tích cực triệt để nhằm phòng chống các hành vi gian lận thuế, bảo vệ người tiêu dùng.
Cục Quản lý thị trường, Công an kinh tế cần vào cuộc làm rõ
Việc không có tem nhãn rõ ràng của sản phẩm cũng có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 31 Nghị định 119/2017/NĐ-CP thì hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam sẽ bị xử phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị trên 100.000.000 đồng với một trong các hành vi như sau: Hàng hóa có nhãn (kể cả tem hoặc nhãn phụ) hoặc tài liệu kèm theo không ghi đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa; Hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam.
Do đó, để xảy ra tình trạng nói trên cần có sự xác minh làm rõ và sát sao của Cục Quản lý thị trường, Công an kinh tế và các lực lượng chức năng có liên quan vào cuộc thanh kiểm tra làm rõ và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm (nếu có) để khách hàng tin tưởng, lựa chọn những sản phẩm chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và loại bỏ những sản phẩm có dấu hiệu hàng giả, hàng nhái kém chất lượng. Trường hợp vẫn còn tình trạng vi phạm là thể hiện sự buông lỏng quản lý của các đơn vị chức năng vì các quy định pháp luật đã rõ và cần khắc phục hoạt động kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng xử lý cá nhân, tổ chức vi phạm để bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng và thiệt hại kinh tế cho nhà nước.