'Đói' tín dụng nội, công ty chứng khoán tìm đến vốn ngoại

Giai đoạn 2006 - 2008, thị trường chứng khoán cũng tăng "nóng" và giảm sâu, thậm chí với cường độ còn mạnh hơn giai đoạn hiện tại. Đây là nguồn cơn hình thành những chính sách mang tính chất kiểm soát tín dụng chảy vào chứng khoán.

nhin-chung-nguon-von-ngan-hang-chay-vao-cac-cong-ty-chung-khoan-van-kha-binh-thuong-1660539157.jpegNhìn chung, nguồn vốn ngân hàng chảy vào các công ty chứng khoán vẫn khá bình thường.

Nguồn cơn kiểm soát tín dụng vào chứng khoán

2 năm trở lại đây, trong bối cảnh thị trường chứng khoán tăng “nóng” và giảm sâu, các lãnh đạo của Ngân hàng Nhà nước thường xuyên tái khẳng định thông điệp kiểm soát chặt chẽ tín dụng chảy vào lĩnh vực chứng khoán. Trên thực tế, “chứng khoán” là ngành được Ngân hàng Nhà nước liệt kê vào nhóm tiềm ẩn rủi ro cao từ khá lâu.

Giai đoạn 2006 - 2008, thị trường chứng khoán cũng tăng “nóng” và giảm sâu, thậm chí với cường độ còn mạnh hơn giai đoạn hiện tại. Đây là nguồn cơn hình thành những chính sách mang tính chất kiểm soát tín dụng chảy vào chứng khoán.

Nhận ra rủi ro từ hiện tượng tăng “nóng” của giá chứng khoán, ngày 25/8/2006, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Công văn số 7318/NHNN-CSTT về việc cho vay mua cổ phiếu có bảo đảm bằng cầm cố cổ phiếu.

Theo đó, các ngân hàng phải rà soát, đánh giá chất lượng các khoản cho vay mua cổ phiếu để thực hiện biện pháp thích hợp thu hồi nợ vay đúng hạn cả gốc và lãi. Cùng với đó, tổ chức bộ phận chuyên trách về cho vay mua cổ phiếu tại Hội sở chính; theo dõi hàng ngày diễn biến giá cổ phiếu tại Trung tâm giao dịch chứng khoán và thị trường không chính thức để dự báo, đánh giá rủi ro thị trường, trên cơ sở đó có biện pháp thu hồi đúng hạn các khoản cho vay; thống kê, theo dõi, kiểm soát chặt chẽ chất lượng vốn cho vay mua cổ phiếu.

Đặc biệt, các ngân hàng phải ban hành quy trình nghiệp vụ cho vay mua cổ phiếu và các biện pháp kiểm tra, giám sát, phòng ngừa rủi ro vốn cho vay, trong đó có các quy định cụ thể: Giới hạn mức cho vay đối với một khách hàng; giới hạn khối lượng vốn cho vay mua cổ phiếu ở mức độ thấp so với vốn điều lệ và tổng dư nợ cho vay; áp dụng loại cho vay ngắn hạn; có thoả thuận trong hợp đồng tín dụng về việc chuyển nhượng quyền sở hữu cổ phiếu và các thoả thuận khác có liên quan đảm bảo xử lý kịp thời cổ phiếu cầm cố để thu hồi nợ khi giá cổ phiếu giảm thấp dưới mức giới hạn an toàn.

Ngày 18/1/2007, Thường trực Chính phủ đã họp với Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và lãnh đạo Văn phòng Chính phủ để nghe báo cáo tình hình và bàn các biện pháp tăng cường quản lý và giám sát hoạt động của thị trường chứng khoán.

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng nhấn mạnh sự phát triển của thị trường chứng khoán đặt ra một số vấn đề phải quan tâm xử lý như: giá một số cổ phiếu tăng liên tục ở mức cao; chất lượng dịch vụ của các tổ chức tài chính trung gian, hoạt động tư vấn, giám sát, định giá cổ phẩn để niêm yết, chất lượng và quản lý thông tin còn hạn chế; các quy định về quản lý, kiểm soát thị trường đảm bảo phát triển bền vững còn thiếu và chưa đồng bộ; sự chủ động của các Bộ, ngành chức năng cũng như sự phối hợp liên ngành để thực hiện quản lý, kiểm soát thị trường chứng khoán chưa thật tốt; năng lực quản lý giám sát thị trường của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước còn yếu.

Trong nhiều yêu cầu mà Thủ tướng đặt ra, có nội dung giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, chủ động ban hành hoặc trình các cấp có thẩm quyền ban hành các quy định và chỉ đạo, giám sát hoạt động của các ngân hàng thương mại trong hoạt động repo, huy động, cho vay, cầm cố để đầu tư chứng khoán.

Chỉ một ngày sau, tức ngày 19/1/2007, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 03/2007/QĐ-NHNN sửa đổi, bổ sung Quyết định số 457/2005/QĐ-NHNN ngày 19/4/2005 quy định các ngân hàng không được cấp tín dụng cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh chứng khoán mà ngân hàng nắm quyền kiểm soát; không được cho vay không có bảo đảm đối với các khoản vay nhằm đầu tư, kinh doanh chứng khoán.

Đáng chú ý, các ngân hàng phải áp hệ số rủi ro 150% (mức cao nhất theo quy định) đối với các khoản cho vay để đầu tư chứng khoán, các khoản cho vay các công ty chứng khoán với mục đích kinh doanh, mua bán chứng khoán.

Ngày 10/3/2007, tại cơ quan Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục làm việc với lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về tình hình hoạt động của thị trường chứng khoán và một số giải pháp để phát triển thị trường bền vững, cùng tham dự có lãnh đạo Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Văn phòng Chính phủ.

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm kiểm soát cho được các hoạt động của các ngân hàng thương mại có ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán, đặc biệt là kiểm soát đối với việc sử dụng nguồn vốn ngân hàng để đầu tư chứng khoán cũng như hoạt động cho vay cầm cố cổ phiếu.

Ngày 28/5/2007, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành một chỉ thị riêng về kiểm soát quy mô, chất lượng tín dụng và cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán, đó là Chỉ thị số 03/2007/CT-NHNN.

Theo đó, khống chế dư nợ vốn cho vay, chiết khấu giấy tờ có giá để đầu tư, kinh doanh chứng khoán ở mức dưới 3% tổng dư nợ tín dụng của tổ chức tín dụng. Dư nợ vốn cho vay, chiết khấu giấy tờ có giá để đầu tư, kinh doanh chứng khoán bao gồm: Cho vay, chiết khấu giấy tờ có giá đối với các công ty chứng khoán; cho vay cầm cố bằng chứng khoán và/hoặc bảo đảm bằng tài sản khác để đầu tư, kinh doanh chứng khoán đối với các tổ chức khác và cá nhân; chiết khấu giấy tờ có giá đối với tổ chức và cá nhân để đầu tư, kinh doanh chứng khoán.

Cùng với đó, tăng cường kiểm soát và kiểm toán nội bộ đối với các khoản cho vay tiêu dùng, cho vay vốn để sản xuất, kinh doanh có bảo đảm bằng tài sản để phát hiện và xử lý kịp thời các khoản cho vay sử dụng vốn sai mục đích sang đầu tư, kinh doanh chứng khoán.

Ngoài ra, thực hiện việc hạch toán, thống kê chi tiết, chính xác các khoản cho vay, chiết khấu giấy tờ có giá để đầu tư, kinh doanh chứng khoán, cho vay có bảo đảm bằng cầm cố chứng khoán, đáp ứng yêu cầu quản trị kinh doanh và rủi ro của tổ chức tín dụng, báo cáo Ngân hàng Nhà nước theo đúng quy định.

Điểm đáng lưu ý là các quy định trên đều diễn ra trước khi cú sập “kinh hoàng” bắt đầu từ khoảng tháng 10/2007 xảy ra, khiến VN-Index mất gần 4/5 giá trị chỉ sau khoảng một năm rưỡi. Có thể thấy, bên cạnh nhiều yếu tố, nhất là lạm phát và lãi suất, việc thị trường chứng khoán lao dốc cũng ít nhiều có liên quan đến việc chủ động “bóp” dòng tiền từ kênh ngân hàng chảy vào kênh chứng khoán.

Có phần tương tự như thời kỳ 2006 - 2008, thông điệp kiểm soát chặt chẽ tín dụng chảy vào lĩnh vực chứng khoán được khẳng định nhiều lần trong thời kỳ thị trường chứng khoán tăng “nóng” kể từ đáy tháng 3/2020. Tuy nhiên, về cơ bản, các quy định hiện hành đã khá chặt chẽ nên chưa có sự thay đổi nào đáng kể. Hơn nữa, do “tiền có chân” nên việc kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực chứng khoán thông qua các quy định pháp luật cũng chỉ đạt được hiệu quả ở một chừng mực nào đó.

Cơ hội cho vốn ngoại?

Trên thực tế, nguồn vốn tín dụng không hoàn toàn “đóng cửa” với lĩnh vực chứng khoán. Khảo sát ở các công ty chứng khoán quy mô hàng đầu cho thấy, dư nợ vay ngân hàng không phải là nhỏ.

Chẳng hạn như ở Công ty Chứng khoán VNDIRECT, tính đến cuối năm 2021, doanh nghiệp này ghi nhận hơn 15.200 tỷ đồng dư nợ vay từ các ngân hàng trong nước; con số này gấp 1,55 lần vốn chủ sở hữu. Với Công ty Chứng khoán TP. HCM (HSC), cùng thời điểm, dư nợ vay từ các ngân hàng trong nước là 9.229 tỷ đồng, gấp 1,21 lần vốn chủ sở hữu.

Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán của Công ty Chứng khoán SSI không thuyết minh rõ các khoản vay từ ngân hàng trong nước và tổ chức nước ngoài, nhưng chỉ tính riêng dư nợ từ 3 ngân hàng Vietcombank, BIDV và VietinBank đã lên tới 11.540 tỷ đồng trong tổng số 21.805 tỷ đồng dư nợ vay từ ngân hàng (chưa tính đến 6.011 tỷ đồng dư nợ vay thấu chi), trong khi vốn chủ sở hữu ở mức 14.220 tỷ đồng.

Nhìn chung, nguồn vốn ngân hàng chảy vào các công ty chứng khoán vẫn khá bình thường, phản ánh qua tỷ lệ dư nợ cho vay trên vốn chủ sở hữu không phải là thấp. Thêm vào đó, lượng vốn ngân hàng lưu chuyển qua công ty chứng khoán là rất lớn, cho thấy thêm dẫn chứng về sự phụ thuộc của công ty chứng khoán vào vốn tín dụng trong nước.

Chẳng hạn như với HSC, mặc dù xét theo thời điểm, số dư vay ngân hàng trong nước đầu năm 2021 là 5.396 tỷ đồng, cuối năm 2021 là 9.229 tỷ đồng nhưng xét trong cả quá trình một năm, tổng lượng vay trong năm lên tới 83.215 tỷ đồng trong khi tổng lượng trả là 79.383 tỷ đồng. Xét thêm cả vay thấu chi, dư nợ vay thấu chi thời điểm đầu năm 2021 của HSC chỉ là 160 tỷ đồng và cuối năm 2021 là 741 tỷ đồng nhưng xét trong cả quá trình một năm, tổng lượng vay lên đến 37.449 tỷ đồng và tổng lượng trả là 36.868 tỷ đồng. Tình trạng ở HSC cũng tương tự như ở nhiều công ty chứng khoán lớn khác.

Do những giới hạn an toàn từ cả phía công ty chứng khoán, ngân hàng trong nước cũng như định hướng điều hành của Ngân hàng Nhà nước mà các công ty chứng khoán dù nhận được vốn tín dụng không nhỏ từ các ngân hàng trong nước nhưng vẫn “đói” vốn, do vậy những năm qua, nhiều công ty chứng khoán đã tìm đến nguồn tín dụng ngoại, đặc biệt là từ cuối năm 2020 khi thị trường chứng khoán tăng “nóng” kéo theo sự “bùng nổ” về nhu cầu cho vay ký quỹ (margin).

Tháng 5/2022, VCSC cho biết đã ký thành công hợp đồng vay vốn với hạn mức 100 triệu USD (tương đương 2.300 tỷ đồng). Khoản vay hợp vốn từ nhóm các ngân hàng nước ngoài được đứng đầu thu xếp bởi Mega International Commercial Bank (Megabank) thông qua chi nhánh Offshore Banking.

Trước khi thu xếp thành công khoản vay hạn mức 100 triệu USD lần này, VCSC cũng đã thu xếp thành công hai khoản vay hợp vốn tín chấp khác vào tháng 11/2021 và vào tháng 5/2020. Cụ thể, khoản vay hợp vốn tín chấp 40 triệu USD vào tháng 5/2020 đến từ nhóm các ngân hàng dẫn đầu bởi Ngân hàng Sinopac, còn khoản vay hợp vốn tín chấp tháng 11/2021 có hạn mức 100 triệu USD và quyền được mở rộng lên 150 triệu USD từ nhóm các ngân hàng hàng nước ngoài được đứng đầu thu xếp bởi Maybank Kim Eng Securities cùng với Malayan Banking Berhad (chi nhánh Singapore) là một trong các bên cho vay.

Trong khi đó, tháng 4/2022, SSI phát đi thông báo ký thành công và hoàn tất giải ngân hợp đồng vay vốn tín chấp từ nhóm các định chế tài chính nước ngoài trị giá 148 triệu USD. Đây cũng là hợp đồng tín chấp nước ngoài lớn nhất mà một công ty chứng khoán Việt Nam tiếp cận được đến thời điểm đó. Đứng đầu thu xếp và đầu mối khoản vay là Ngân hàng Union Bank of Taiwan (UBOT) và Taishin International Bank.

Trước đó, trong năm 2021, SSI đã tiếp cận được nguồn vốn tín chấp nước ngoài với quy mô lên tới 267,5 triệu USD, bao gồm khoản vay 118 triệu USD - đứng đầu là Fubon và UBOT. Hồi cuối năm 2020, Khối IB SSI cũng kết nối thành công hợp đồng hợp vốn tín nước ngoài chấp trị giá 85 triệu USD.

Trong khi đó, tháng 12/2021, HSC cũng ký hợp đồng vay hợp vốn tín chấp trị giá 104 triệu USD với nhóm 12 định chế tài chính Đài Loan, đứng đầu là Ngân hàng Cathay United Bank (CUB). Đây là khoản vay có giá trị lớn nhất của HSC đến thời điểm hiện tại với các định chế tài chính Đài Loan. Trước đó, HSC đã có 2 lần ký kết khoản vay lần lượt là 50 triệu USD và 44 triệu USD với nhóm này.

Hiện vốn tín dụng nước ngoài đã chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng dư nợ tín dụng của nhiều công ty chứng khoán. Chưa kể các thương vụ huy động mới với quy mô rất lớn trong năm 2022, tính đến cuối năm 2021, dư nợ vay ngân hàng nước ngoài của VNDIRECT đạt 5.194 tỷ đồng, bằng khoảng 1/3 dư nợ vay ngân hàng trong nước; con số này ở HSC là 4.174 tỷ đồng, bằng gần 1/2 dư nợ vay ngân hàng trong nước; với VCSC, dư nợ vay ngân hàng nước ngoài là 3.432 tỷ đồng, thậm chí còn lớn hơn dư nợ vay ngân hàng trong nước.

Mặc dù nguồn vốn tín dụng nước ngoài ngày càng trở nên quan trọng với các công ty chứng khoán nhưng nguồn vốn này vẫn lép vế hoàn toàn so với vốn tín dụng trong nước ở mức độ lưu động, bởi thông thường các khoản tín dụng này có kỳ hạn cố định và trong nhiều trường hợp là tất toán 1 lần trong năm. Do vậy, nguồn vốn tín dụng trong nước vẫn có vai trò rất quan trọng với các công ty chứng khoán.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/doi-tin-dung-noi-cong-ty-chung-khoan-tim-den-von-ngoai-a165128.html