Cấm người tiêu dùng sử dụng điện thoại
Chị H sinh sống tại Hải Phòng chia sẻ: “ Tôi có đến Co.opmart mua sắm khi đang đi mua sắm, quan sát thấy nhiều hoa quả bày bán trong siêu thị có dấu hiệu thối, hỏng, héo úa, tôi có dùng điện thoại chụp hình lại, mục đích là để góp ý, chia sẻ với siêu thị về tình trạng này. Tuy nhiên, ngay lập tức có nhân viên của siêu thị đến nói cấm không cho quay phim, chụp ảnh tại siêu thị”.
Chị H cho biết thêm, sau cuộc nói chuyện đó, suốt quá trình chi đi mua sắm tại Co.opmart đều có 2 đến 3 nhân viên đi theo, canh chừng mọi hoạt động của chị. Chị chỉ cần nghiêng điện thoại hay giơ điện thoại lên là nhân viên đến cạnh yêu cầu không được dùng điện thoại, thậm chí họ còn cãi nhau tay đôi với chị về thông tin nguồn gốc sản phẩm đang bày bán, hoàn toàn không có việc cho chị H. dùng điện thoại để check mã vạch truy xuất nguồn gốc, so sánh hình ảnh của sản phẩm. Nhân viên siêu thị đi “kè kè” theo bên cạnh chị H, nếu chị thắc mắc về hàng hóa thì yêu cầu cần gì “thì liên hệ phòng khách hàng, họ không có chức năng giải đáp”, chị H cho biết.
Nhiều sản phẩm rau củ quả có dấu hiệu bị thối, hỏng
Quả như lời phản ánh của chị H., phóng viên Thương hiệu và Công luận mục sở thị tại siêu thị Co.opmart Hải Phòng cùng ngày phát hiện khá nhiều loại rau, củ, quả đang bày bán có hiện tượng dập, thối, hỏng và héo. Vị trí bày bán rau củ có chỗ bày “lộn xộn”, chồng chéo khác chủng loại đè lên nhau. Nhiều khay hoa quả được đóng sẵn với tình trạng cắt gọt “hình thù lạ” như khoét ngang, khoét dọc, cắt bỏ không theo hình thái tự nhiên. Biển quảng cáo dán cho các mặt hàng khác như gia vị cũng được gắn ngay trên thanh khu vực bán trái cây nhập khẩu.
Theo quy định tại Luật an toàn thực phẩm (ATTP) số 55/2010/QH12 quy định nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong đảm bảo ATTP đối với thực phẩm sản xuất, kinh doanh, và thực phẩm nhập khẩu phải đảm bảo thực phẩm không gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người (Điều 10). Phải đảm bảo được giá trị dinh dưỡng, độ tươi ngon, giữ đúng thuộc tính vốn có của thực phẩm (Điều 12). Đúng tiêu chuẩn kỹ thuật về nhiệt độ bảo quản, phải sử dụng nguồn nguyên liệu an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng (điều 11). Điều 13, 14, 15 yêu cầu rõ cơ sở kinh doanh tuân thủ các quy định để bảo đảm ATTP. Ngoài ra, luật số 55/2010/QH12 còn nhiều khoản mục, điều, quy định rõ chi tiết như thế nào là thực phẩm an toàn, đảm bảo sức khỏe mà các cơ sở kinh doanh, nhà hàng, khách sạn được phép buôn bán, chế biến.
Điều 55 Luật này cũng quy định các thực phẩm phải thu hồi và xử lý khi đã hết hạn sử dụng, không còn phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, thực phẩm bị hư hỏng trong quá trình bảo quản, vận chuyển, kinh doanh. Các loại thực phẩm bị lỗi của sản phẩm hoặc nhãn mác,..
Tại đây còn nêu rõ, trong trường hợp thực phẩm không còn đảm bảo sức khỏe đối với người sử dụng mà cá nhân, tổ chức kinh doanh không thực hiện thu hồi thì việc thu hồi sẽ bị cưỡng chế theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, các tiêu chuẩn kiểm nghiệm, công bố rau, củ, trái cây tươi còn được quy định tại quyết định số 46/2007/QĐ-BYT và QCVN 8-2:2011/BYT, QCVN 8-3:2012/BYT.
Nghị định số 115/2018/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính ATVSTP đối với cơ sở kinh doanh là cá nhân, tổ chức có thể phạt đến 40 triệu đồng đối với hành vi vi phạm trong kinh doanh thực phẩm đã có dấu hiệu hỏng, hoặc không còn đủ điều kiện đảm bảo theo quy định của Luật ATTP số 55/2010/QH12 và các quy định, quy chuẩn liên quan của Bộ Y tế.
Siêu thị Co.opmart Hải Phòng từ chối cung cấp thông tin cho báo chí
Nhằm xác minh làm rõ thông tin về hàng hóa, về việc cấm quay phim chụp ảnh phóng viên Thương hiệu và Công luận đã liên lạc qua điện thoại với ông Nguyễn Tấn Thanh quản lý truyền thông của hệ thống siêu thị Co.opmart về việc thông tin hàng hóa của siêu thị Co.opmart Hải Phòng. Tuy nhiên, người đại diện truyền thông hệ thống siêu thị Co.opmart rất “kiệm lời”, ông Nguyễn Tấn Thanh không có gì để chia sẻ về việc hàng hóa của siêu thị. Đối với việc xin lịch làm việc trực tiếp để nắm thông tin hàng hóa thời điểm hiện tại thì ông Nguyễn Tấn Thanh cho biết: “Vấn đề về hàng hóa” “em muốn tìm hiểu sâu hơn thì em cứ liên hệ với các Sở, ban, ngành ở địa phương, họ quản lý cái đó” rồi cúp máy.
Điều 8, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng số 59/2010/QH12 quy định, người tiêu dùng được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, được cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về hàng hóa. Được lựa chọn, góp ý, tham gia xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Được yêu cầu bồi thường, khiếu nại, tố cáo hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật,...
Tại Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định về những nơi cấm quay phim, chụp ảnh là nơi có căn cứ quân sự, có các cơ sở thuộc quốc phòng, các cuộc diễn tập hoặc các hoạt động quân sự, viện nghiên cứu khoa học, nơi liên quan đến bí mật quốc gia và những nơi được nhà nước quy định.
Như vậy chưa có một quy định nào nói siêu thị, trung tâm thương mại là nơi cấm quay phim, chụp ảnh. Việc siêu thị tự ý đặt ra quy định “cấm chụp hình, quay phim” là đang hạn chế quyền của người tiêu dùng, chị H. bức xúc nói.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/sieu-thi-coopmart-hai-phong-cam-nguoi-tieu-dung-quay-video-va-chup-anh-a165434.html