Dự án cải tạo, mở rộng, nâng công suất Nhà máy Sản xuất đạm Hà Bắc của Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam - Vinachem) khởi công cuối năm 2010, đi vào vận hành từ năm 2015, chậm 36 tháng so với kế hoạch.
Sau khi mở rộng, Nhà máy Sản xuất đạm Hà Bắc luôn vận hành ổn định, nhưng lại chuyển từ có lãi sang thua lỗ. Nguyên nhân cơ bản là do giá nguyên vật liệu đầu vào tăng và chi phí tài chính rất lớn, với các khoản vay ngân hàng có lãi suất cao và phải chịu lãi phạt (do không trả đúng hạn) dẫn đến lãi chồng lãi. Bên cạnh đó, tranh chấp hợp đồng tổng thầu EPC với nhà thầu chưa được giải quyết dứt điểm.
Đến cuối năm 2021, Công ty đã trả nợ 2.323 tỷ đồng và hơn 104 triệu USD, nhưng vẫn còn nợ hơn 6.400 tỷ đồng (vay gốc hơn 3.000 tỷ đồng, nợ lãi hơn 3.300 tỷ đồng) và hơn 112 triệu USD.
Gần đây, nhờ diễn biến thị trường thuận lợi, giá ure thế giới và trong nước đều trong xu thế tăng cao so với cùng kỳ, thời gian qua, kết quả sản xuất kinh doanh của Công ty đang có dấu hiệu tích cực hơn.
Năm 2021, Công ty đạt 92% công suất với 473.000 tấn ure, doanh thu 4.558 tỷ đồng, lần đầu tiên lãi 6,25 tỷ đồng sau nhiều năm thua lỗ.
Nửa đầu năm 2022, Đạm Hà Bắc đạt sản lượng 236.000 tấn ure, tăng 110% so với cùng kỳ, doanh thu đạt 3.585 tỷ đồng, tăng 94% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế 1.346 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước lỗ 409 tỷ đồng).
Tuy nhiên, khoản lỗ lũy kế trong 5 năm 2015-2020 của Công ty vẫn còn rất lớn, lên tới 4.760 tỷ đồng. Nếu không có biện pháp tái cơ cấu tài chính cho doanh nghiệp thì Công ty khó có thể lãi bền vững.
Chỉ ra những nguyên nhân khiến Đạm Hà Bắc hoạt động không hiệu quả, "nợ chồng nợ" trong buổi khảo sát tại nhà máy này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay: "những hạn chế của dự án do những nguyên nhân chủ quan, như vi phạm trong quá trình phê duyệt, thẩm định, quyết định đầu tư khiến tổng mức đầu tư, suất đầu tư, chi phí đầu vào cao, giá thành cao, khả năng cạnh tranh thấp khi thị trường biến động...
Những vấn đề nổi lên cần giải quyết tại dự án gồm: Tranh chấp hợp đồng EPC; vướng mắc, khó khăn về tài chính, chi phí đầu vào cao kéo giảm sức cạnh tranh thấp, sản phẩm khó tiêu thụ; vấn đề môi trường phức tạp, nghiêm trọng cả về chất thải rắn, nước thải, khí thải; nhiều thiết bị hỏng hóc, xuống cấp, rỉ sét; quan điểm xử lý và sự phối hợp của các bộ, ngành, cơ quan liên quan chưa chặt chẽ, thiếu hiệu quả.
"Các bộ, ngành phải nâng cao trách nhiệm, 'tính chiến đấu' trong xử lý tồn tại, vướng mắc của Đạm Hà Bắc", Thủ tướng giao Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trong tháng 8 phải hoàn thiện Đề án xử lý dự án này, bảo đảm phù hợp, khả thi, hiệu quả; theo hướng tái cơ cấu các khoản vay; đưa các phương án cụ thể và đánh giá tác động của từng phương án; hoàn thành đề án trong tháng 8/2022.
Tỉnh Bắc Giang và các bộ, ngành phối hợp, giải quyết các vướng mắc theo thẩm quyền của tỉnh; việc tranh tra, kiểm tra, xử lý các vấn đề theo tinh thần "rõ tới đâu làm tới đó".
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu giữ lại nhà máy nhưng quyết tâm tái cơ cấu lại với các giải pháp như cải tiến quy trình sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, đa dạng hoá sản phẩm…, đưa nhà máy cạnh tranh tốt hơn, phát triển ổn định, bền vững, xanh, sạch. Cơ sở của phương án này là dự án đã quyết toán một phần lớn, nhà máy đã vận hành và có thị trường tiêu thụ cả trong và ngoài nước.
Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường và tỉnh Bắc Giang vào cuộc để nhà máy khẩn trương nhanh chóng khắc phục các vấn đề về môi trường để bảo đảm an toàn cho công nhân trong nhà máy và người dân trong khu vực.
Trước đó, đầu tháng 4, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã làm việc với Đạm Hà Bắc về tái cơ cấu, xử lý tình trạng thua lỗ của doanh nghiệp này.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/dam-ha-bac-hoat-dong-tu-lai-sang-lo-no-chong-no-6400-ty-dong-a165515.html