2 tuần giao dịch đầu tiên của tháng 8 kết thúc với những tín hiệu tích cực đầy bất ngờ, VN-Index đóng cửa phiên 12/8 trên 1.260 điểm, đánh dấu mức cao nhất trong vòng 2 tháng qua. Tuy nhiên, chỉ số này vẫn cách khá lớn so với mức đỉnh 1.500 điểm thiết lập thời điểm hồi cuối tháng 3.
Vậy là, trải qua một khoảng thời gian điều chỉnh khá mạnh từ đầu tháng 4 trở lại đây, P/E trailing của VN-Index hiện đang dừng ở mức 13,5 lần, cao hơn so với con số 12,2 lần tại thời điểm chạm đáy, nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình 10 năm (14,5 lần). Chính mức định giá hấp dẫn này phần nào đã kích thích dòng tiền bắt đáy nhập cuộc, khiến thanh khoản được cải thiện đáng kể sau khi xuống đáy trong tháng 7.
Theo thống kê, giá trị khớp lệnh bình quân phiên trên HoSE trong 2 tuần đầu tháng 8 đạt 14.500 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với tháng trước.
Đồng pha với nhóm cổ phiếu cơ bản, nhóm cổ phiếu đầu cơ cũng không nằm ngoài vòng bán tháo dẫn đến thị giá hầu hết các cổ phiếu đều giảm sâu sau giai đoạn “gây bão” thời điểm cuối năm 2021, đầu năm 2022.
Hiện tại trên cả 3 sàn (HoSE, HNX và UPCoM) có 511 cổ phiếu đang giao dịch dưới mệnh giá (10.000 đồng/cp). Trong đó có 208 mã đang giao dịch dưới mức giá 5.000 đồng/cp và 96 mã giao dịch dưới mức 3.000 đồng/cp.
Đáng nói hơn, trên sàn UPCoM hiện còn có hàng chục mã đang giao dịch ở mức giá “rác” (dưới 1.000 đồng/cp) như: BCB (CTCP 397), CPH (Dịch vụ mai táng Hải Phòng), DNN (Cấp nước Đà Nẵng), FBA (Tạp đoàn quốc tế FBA), HHR (Đường sắt Hà Hải), PTG (May xuất khẩu Phan Thiết), PTX (Petrolimex Nghệ Tĩnh), PXC (Phát triển đô thị dầu khí), VDB (Chế biến than Đông Bắc), VKP (Nhựa Tân Hóa).
Trong đó, 2 mã cổ phiếu có giá thấp nhất thị trường chứng khoán là DNN và PTG đang giao dịch ở mức giá 200 đồng/cp - mức giá không thể xuống thấp hơn vì bước giá thấp nhất trong phiên là 100 đồng/cp.
Và, mặc dù thị giá cổ phiếu đã về mức cực thấp, dòng tiền có dấu hiệu tích cực trở lại, song nhóm cổ phiếu đầu cơ dường như đang bị “thất sủng”, trái ngược với thời điểm nhà đầu tư bất chấp mua bằng mọi giá vì sợ mất cơ hội, cho dù kết quả kinh doanh của những doanh nghiệp này bi đát.
Chẳng hạn, DNN và PTG đang rơi vào tình trạng không có bất cứ giao dịch nào. Một số mã “đắt” hơn như BCB, CPH, FBA, HHR, PTR, PTX, PXC, VDB cũng vẫn trong tình trạng không khả quan hơn là mấy.
Có thể thấy, bắt đầu từ thời điểm cuối tháng 3 và đầu tháng 4, sau khi cơ quan chức năng ra quyết định bắt tạm giam lãnh đạo của một số Công ty đang được niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã khiến tâm lý nhà đầu tư cũng như diễn biến trên thị trường có sự xáo trộn.
Đặc điểm chung của nhóm cổ phiếu đầu cơ thường là tăng nhanh, giảm sốc do dòng tiền có yếu tố đầu cơ. Vì vậy, khi có những tin tức tiêu cực xảy ra, dòng tiền này đã rút ra, một phần do các “đội lái” chùn tay, khiến cho nhiều mã mất thanh khoản. Điều đó đồng nghĩa với việc nhiều nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư F0 không thể bán cắt lỗ cổ phiếu trót đu đỉnh, khiến tâm lý của họ trở nên dè chừng hơn với nhóm cổ phiếu nhạy cảm này.
Trong khi đó, hầu hết doanh nghiệp thuộc nhóm này đều có kết quả kinh doanh bết bát cũng là yếu tố khiến cho nhà đầu tư phải cân nhắc trước khi “xuống tiền” trong giai đoạn thị trường vẫn khó lường, nhiều yếu tố tiêu cực vẫn đang tiềm ẩn.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/can-trong-voi-nhung-co-phieu-tra-da-tren-thi-truong-chung-khoan-a165736.html