Sau soát xét, lỗ ròng bán niên 2022 của TCK ghi nhận hơn 700 triệu đồng, trong khi báo cáo tự lập chỉ lỗ gần 400 triệu đồng. Theo giải trình từ Công ty, sự chênh lệch này do trong quá trình kiểm toán phát hiện nhầm lẫn, sai sót một số bút toán về doanh thu và chi phí.
Theo đó, Công ty điều chỉnh doanh thu hoạt động tài chính giảm 9% so với báo cáo tự lập, còn gần 300 triệu đồng. Lợi nhuận thuần giảm 33%, xuống 700 triệu đồng.
So với cùng kỳ năm trước, doanh thu thuần tăng 17%, đạt gần 151 tỷ đồng và lỗ ròng hơn 700 triệu đồng, cùng kỳ lỗ hơn 3 tỷ đồng. Qua đó, tổng lỗ lũy kế tính đến ngày 30/06/2022 lên hơn 336 tỷ đồng.
Nhận ý kiến ngoại trừ
Báo cáo soát xét của TCK nhận hàng loạt ý kiến ngoại trừ từ kiểm toán. Cụ thể:
Tại thời điểm 30/06/2022, Công ty chưa trích lập đủ dự phòng nợ phải thu khó đòi. Theo ước tính của kiểm toán, số dự phòng phải thu khó đòi trích bổ sung khoảng 16.7 tỷ đồng (tại ngày 31/12/2021 là 15.7 tỷ đồng).
Tại thời điểm ngày 31/12/2021 và 30/06/2022, các Công ty trong TCK chưa thực hiện xử lý tài sản thiếu với giá trị hơn 2 tỷ đồng.
Đơn vị kiểm toán cũng đưa ý kiến ngoại trừ với nhiều khoản mục trên báo cáo của các công ty con gồm CTCP Cơ khí Xây dựng số 2 Hà Bắc, Công ty TNHH MTV Sản xuất - Xuất nhập khẩu và Dịch vụ Phát triển Nông thôn, CTCP Khóa Minh Khai, CTCP Xây dựng và Lắp máy điện nước.
Ngoài ra, kiểm toán không thể xác định cơ sở điều chỉnh đối với số liệu liên quan tiền sử dụng đất của dự án Khu nhà ở Decoimex. Theo Quyết định của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngày 14/02/2022 về việc phê duyệt đơn giá đất để tính tiền sử dụng đất của dự án Khu nhà ở Decoimex mở rộng và thông báo của Chi Cục thuế khu vực Vũng Tàu - Côn Đảo ngày 03/08/2022 thông báo tiền sử dụng đất và tiền chậm nộp đến ngày 31/07/2022 là gần 227 tỷ đồng, trong đó tiền sử dụng đất còn nợ hơn 137 tỷ đồng và tiền chậm nộp gần 90 tỷ đồng.
Tuy nhiên, TCK chưa chấp nhận nộp khoản tiền sử dụng đất nợ và tiền chậm nộp do Chi Cục thuế khu vực Vũng Tàu - Côn Đảo, tính tiền sử dụng đất trên cả diện tích công cộng.
Kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục
Cùng với đó, đơn vị kiểm toán cũng đưa ra ý kiến nhấn mạnh về việc các khoản nợ ngắn hạn của Tổng Công ty tại ngày 30/06/2022 đã vượt quá tài sản ngắn hạn hơn 273 tỷ đồng. Đồng thời, trong kỳ, TCK chịu lỗ hơn 520 tỷ đồng và lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm hơn 1.3 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Tổng Công ty đang chịu khoản lỗ lũy kế đến ngày 30/06/2022 hơn 336 tỷ đồng, dẫn đến thâm hụt vốn chủ sỡ hữu hơn 336 tỷ đồng. Do đó, khả năng tiếp tục hoạt động của TCK phụ thuộc vào khả năng thu hồi các khoản thu, gia hạn các khoản vay, khoản phải trả từ các ngân hàng thương mại, nhà cung cấp và hiệu quả hoạt động kinh doanh trong tương lai.
Từ những điều kiện trên, kiểm toán cho rằng sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Tổng Công ty.
Đồng thời, báo cáo kiểm toán cũng nhấn mạnh việc Công ty đã nhận được quyết định cưỡng chế của Cục thuế Hà Nội ngày 15/07/2022; quyết định cưỡng chế Công ty TNHH MTV xây lắp và kinh doanh vật tư thiết bị số 27 của Cục thuế Hà Nội ngày 01/07/2022; quyết định cưỡng chế CTCP khóa Minh Khai ngày 28/07/2022; quyết định cưỡng chế Công ty TNHH MTV Sản xuất - Xuất nhập khẩu dịch vụ và phát triển nông thôn của Cục thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngày 16/06/2022; quyết định cưỡng chế CTCP Cơ khí và Xây lắp Sông Chu của Cục thuế Thanh Hóa ngày 22/07/2022 về việc áp dụng cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn. Đến thời điểm này, việc cưỡng chế vẫn đang được thi hành.
Đáng chú ý, cổ phiếu TCK liên tiếp trắng thanh khoản từ đầu năm 2022 đến nay. Thị giá chốt phiên 16/08 tại 3,900 đồng/cp.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/tck-tang-lo-sau-soat-xet-kiem-toan-nghi-ngo-kha-nang-hoat-dong-lien-tuc-a165743.html