Người Việt chi gần 8.500 tỷ đồng mua trà sữa

Theo báo cáo mới, người dân Việt Nam đã chi 362 triệu USD (khoảng 8.472 tỷ đồng) để mua trà sữa và các sản phẩm tương tự trong năm 2021, bất kể khó khăn vì đại dịch.

nguoi-dan-viet-nam-chi-gan-11660741405-1660747633.jpg
Trong khu vực Đông Nam Á, người dân Indonesia uống trà sữa nhiều nhất, còn người dân Singapore uống trà sữa sang nhất

 

Nghiên cứu được công bố hôm 16/8 cho thấy sự yêu thích đối với những loại trà sủi bọt. Ngành công nghiệp này tại Đông Nam Á phát triển lên mức 3,7 tỷ USD vào năm 2021, bao gồm trà sữa trân châu và đồ uống từ trà.

Báo cáo do tổ chức liên doanh Momentum Works và start-up thanh toán qlub đồng thực hiện cũng cho thấy ngành công nghiệp trà sữa của Indonesia đứng đầu về quy mô thị trường trong số tất cả các quốc gia Đông Nam Á, với doanh thu năm là 1,6 tỷ USD.

Tiếp theo là Thái Lan với doanh thu 749 triệu USD nhờ hoạt động của hơn 31.000 cửa hàng trà sữa và các kênh bán lẻ khác.

Singapore, quốc gia nhỏ nhất trong khu vực, đứng thứ tư với doanh thu hàng năm là 342 triệu USD, chỉ sau Việt Nam với 362 triệu USD.

Bất chấp quy mô của đất nước, người tiêu dùng Singapore được cho là chịu chi nhất, vì giá trung bình của một đơn hàng trà sữa tại đảo quốc sư tử cao gần gấp đôi so với các nước khác trong khu vực. Từ đó, Singapore trở thành thị trường tuyệt vời cho các thương hiệu cao cấp.

Hiện tại, có hơn 60 thương hiệu trà trân châu đang hoạt động với nhiều thị hiếu và mức giá khác nhau tại Singapore. Đây là điểm gia nhập Đông Nam Á đầu tiên của các thương hiệu trà sữa "cao cấp" như Heytea.

nguoi-dan-viet-nam-chi-gan-61660741478-1660747723.jpg
Tổng thị trường trà sữa trân châu năm 2021 của Đông Nam Á là 3,68 tỷ USD

Mặc dù ngành công nghiệp trà sữa trân châu của khu vực vốn từ lâu đã bị thống trị bởi các thương hiệu từ Đài Loan (Trung Quốc) và sản xuất trong nước, điều đó dường như sắp thay đổi khi một loạt các thương hiệu Trung Quốc tìm đường vào các thị trường Đông Nam Á.

Thị trường trà sữa trân châu ở Trung Quốc, ước tính có doanh thu hàng năm 20 tỷ USD, đã chứng kiến ​​một số thương hiệu nổi tiếng như Mixue, Chagee và Heytea bén rễ vào khu vực Đông Nam Á, cạnh tranh cùng Gong Cha và Koi.

Tuy nhiên, theo Momentum Works, mặc dù tỷ suất lợi nhuận gộp trên sản phẩm trong toàn ngành khá tốt - ước tính vào khoảng 60% đến 70%, rất ít công ty có thể quản lý lợi nhuận liên tục ở quy mô lớn.

Ví dụ như Nayuki, thương hiệu trà sữa ra mắt công chúng đầu tiên tại Singapore, đã chứng kiến ​​mức vốn hóa thị trường giảm hơn 70%. Ông Sik Hoe Yong, giám đốc điều hành qclub cho biết: “Nhiều người trẻ ở Đông Nam Á muốn mở một cửa hàng trà sữa. Nhưng dù có tỷ suất lợi nhuận cao, đây là một mặt hàng có ít sự khác biệt, với các sản phẩm dễ sao chép và chuỗi cung ứng đầy thách thức”.

Tuy nhiên, ông tin rằng tình yêu của người tiêu dùng đối với trà sữa trân châu là điều khó có thể thay đổi sớm, và họ có nhiều khả năng tiếp tục ủng hộ cho thương hiệu yêu thích bằng ví tiền của mình.

Nghiên cứu cũng nhấn mạnh giá cả không phải là yếu tố duy nhất ảnh hưởng đến quyết định mua trà sữa của khách hàng. Thay vào đó, quyết định chọn thương hiệu nào tùy thuộc vào các loại sản phẩm tại cửa hàng, cũng như số lượng cửa hàng mà thương hiệu đó có.

Người sáng lập và giám đốc điều hành của Momentum Works có trụ sở tại Singapore, ông Jianggan Li cũng nhận thấy sự cạnh tranh ngày càng tăng đối với các công ty địa phương hiện có bởi một nhóm các công ty Trung Quốc mới nổi, những người giỏi về thương hiệu, sản phẩm, chuỗi cung ứng và quản lý chi phí.

Ông Li nói thêm: "Không khó để quan sát, tìm hiểu cách chơi và chiến lược của các đối thủ từ Trung Quốc, nhưng điều quan trọng hơn là đảm bảo tính kinh tế trên mỗi sản phẩm và lợi tức đầu tư tốt".

Linh La (theo Straits Times)

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/nguoi-viet-chi-gan-8500-ty-dong-mua-tra-sua-a165999.html