Những ngày qua, người dân thôn Bàn Nam, xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên, phát hiện hàng loạt ghe thuyền tập trung hút cát ở khu vực sông Thu Bồn đoạn qua địa phận thôn. Nghi ngờ đây là hoạt động khai thác cát lậu, người dân đã cấp báo đến chính quyền địa phương. Sau đó, tất cả “ngỡ ngàng” khi hay tin hoạt động hút cát này thuộc dự án nạo vét bồi lấp kênh dẫn trạm bơm Cù Bàn.
“Người dân vui mừng, hồ hởi lắm bởi việc nạo vét kênh Cù Bàn sẽ đảm bảo nguồn nước tưới tiêu cho hàng chục héc ta ruộng lúa, đất màu. Nhưng rồi, khi đơn vị thi công rầm rộ triển khai nạo vét, hút cát, chúng tôi nhận ra nhiều vấn đề”, ông Hồ Cước, trú thôn Bàn Nam mở đầu câu chuyện.
Cái “vấn đề” mà người dân Bàn Nam nói ở đây chính là câu chuyện phản biện, giám sát cộng đồng.
Với vai trò trách nhiệm của nhân dân, hàng chục người dân địa phương bày tỏ bất bình khi dự án nạo vét thủy lợi nhưng khi vừa triển khai đã có đến hàng chục tàu thuyền chăm chăm hút cát. Rồi nữa, hỏi người dân Bàn Nam, ai ai cũng đồng tình, ủng hộ dự án nạo vét bồi lấp kênh dẫn trạm bơm Cù Bàn nhưng cũng ngần ấy người phản đối khi nắm được thực hư câu chuyện.
“Lúc họp dân, địa phương nói đây là dự án nạo vét khơi thông dòng chảy để có nước tưới tiêu. Đơn vị thi công sẽ múc, hút cát rồi tập kết lên bãi ở ngay bờ rồi chở đi bằng ô tô. Điều này nhằm để kiểm soát khối lượng cát hút được, tránh thất thoát. Nhưng khi thi công thì ngược lại hoàn toàn, chúng tôi phát hiện hàng chục tàu ghe rầm rộ hút cát với ý định chở đi bằng đường thủy. Vậy xin hỏi đây là dự án nạo vét hay dự án để hút cát, bán cát, trục lợi từ cát và vì sao nói với dân một đường giờ làm một nẻo”, người dân địa phương băn khoăn.
Mang những tâm tư của hàng chục người dân thôn Bàn Nam, chúng tôi vào cuộc tìm hiểu. Và quả thực, những thắc mắc, những phản đối của người dân là hoàn toàn có cơ sở.
Đầu tiên, vì sao lòng dân Bàn Nam không đồng thuận?
Xin giải thích rõ ràng một lần nữa là, tập thể người dân Bàn Nam hoàn toàn đồng tình với dự án nạo vét bồi lấp kênh dẫn trạm bơn Cù Bàn để mang lại nguồn nước tưới tiêu cho hàng chục héc ta đất lúa, đất màu trên địa bàn. Cái người dân chưa đồng thuận ở đây chính là cách làm của đơn vị thi công - Công ty An Long và chủ đầu tư UBND huyện Duy Xuyên. Đặc biệt chính là chuyện họp dân.
Trước khi dự án triển khai, UBND huyện Duy Xuyên, UBND xã Duy Châu phải tiến hành họp dân. Công văn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu UBND huyện Duy Xuyên phải tổ chức họp dân, lấy ý kiến nhân dân, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Vậy UBND huyện Duy Xuyên đã họp dân kiểu gì để rồi tạo nên những bất bình dư luận như hiện tại?
Ông Nguyễn Thế Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho biết, ngoài vai trò của tư vấn giám sát dự án thì người dân, các tổ chức đoàn thể thôn, xã có quyền giám sát cộng đồng. Người dân muốn giám sát có thể đăng ký ở UBND xã để từ đó trình lên huyện lập danh sách.
Nói là vậy, nhưng khi người dân chưa đồng thuận chứ chưa nói đến chuyện giám sát, cũng chính ông Đức đã ký văn bản yêu cầu Công an huyện chủ trì, phối hợp với đơn vị có liên quan “đảm bảo an ninh trật tự” khu vực thi công nạo dự án!
Như vậy, phải chăng UBND huyện Duy Xuyên nhận định những kiến nghị, phản ánh của người dân là gây rối an ninh trật tự, ảnh hưởng tới an ninh chính trị địa phương nên phải cử công an đi bảo vệ doanh nghiệp để triển khai dự án?
Một mặt thì cho rằng việc phản biện, giám sát và góp ý là quyền của người dân, chính quyền địa phương không ngăn cản điều này. Mặt khác, UBND huyện Duy Xuyên lại yêu cầu công an “đảm bảo an ninh trật tự” để thi công dự án. Chưa nói đến chuyện đúng sai, việc cơ quan hành chính Nhà nước hành xử như vậy cũng khiến người dân ngao ngán.
Theo đó, thay vì áp đặt mệnh lệnh hành chính, thay vì đưa lực lượng công an ra “dương oai” với nhân dân, UBND huyện Duy Xuyên cần nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu và tường trình lại với nhân dân về dự án Nạo vét bồi lấp kênh dẫn trạm bơm Cù Bàn. Điều gì nhân dân góp ý chưa đúng thì phân tích lại cho họ hiểu, điều gì đúng thì tiếp thu, điều chỉnh. Đó mới là cách làm văn minh, tránh hơi hướng áp đặt làm lòng dân hoang mang.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/bai-1-vi-sao-long-dan-khong-dong-thuan-a166107.html