Tổng dư nợ 6 tháng đầu năm của các công ty tài chính tiêu dùng đạt 207.135 tỷ đồng, tăng 7,9% so với cuối năm 2021

Theo thông tin từ Câu lạc bộ Tài chính tiêu dùng thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, tính đến hết tháng 6/2022, tổng dư nợ của khối công ty tài chính tiêu dùng đạt 207.135 tỷ đồng, tăng trưởng 7,9% so với tháng 12/2021.

Các công ty tài chính tiêu dùng đã và đang thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về hỗ trợ an sinh - xã hội. Đặc biệt trong giai đoạn năm 2020 và 2021, do tác động tiêu cực của dịch COVID - 19, để hỗ trợ khách hàng khó khăn, nhóm các công ty tài chính tiêu dùng đã triển khai cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi suất khoản vay cho khách hàng với giá trị hàng nghìn tỷ đồng. Từ đó, giúp cho người dân ổn định cuộc sống, vượt qua khó khăn, hạn chế được tín dụng đen.

Từ đầu năm 2022, kinh tế phục hồi, nhu cầu mua sắm tiêu dùng của người dân tăng dần trở lại, các công ty tài chính tiêu dùng tiếp tục đưa ra các chương trình, gói tín dụng ưu đãi, đẩy mạnh triển khai các sản phẩm trên nền tảng số, giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay. Bên cạnh đó, các công ty tài chính tiêu dùng cũng tham gia triển khai gói tín dụng lãi suất ưu đãi dành cho công nhân với lãi suất bằng 50% lãi suất thị trường hiện tại.

Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, sau dịch COVID-19, hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng phải đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc. Chẳng hạn, sau khi dịch COVID-19 bùng phát, hoạt động của các tiệm cầm đồ nở rộ, “tín dụng đen” có xu hướng phát triển, hoạt động trái pháp luật, thủ tục cho vay nhanh, dễ dàng tiếp cận với khách hàng, trong khi các công ty tài chính tiêu dùng chính thức - là những đơn vị do NHNN cấp phép - phải tuân thủ nghiêm Luật các TCTD.

Bên cạnh đó, công ty tài chính tiêu dùng cũng vướng trong hoạt động quảng bá thương hiệu, treo biển, băng rôn tại các điểm giới thiệu dịch vụ. Những quy định về việc công ty tài chính có được thuê nhà dân ở khu chợ, thương mại để mở điểm giới thiệu dịch vụ không hay công ty tài chính có thể mở một điểm giới thiệu dịch vụ tại một địa bàn sau đó chia đội thành các đội kinh doanh và thực hiện kinh doanh ở các địa điểm xung quanh đó không cũng chưa có hướng dẫn cụ thể.

Hoặc hạn mức tổng dư nợ cho vay đối với một khách hàng (không quá 100 triệu đồng/khách hàng) theo quy định được cho là tương đối thấp so với điều kiện nền kinh tế - xã hội hiện hành.

Mặt khác, hiện nay, nhiều công ty tài chính tiêu dùng “chạm” hạn mức tín dụng trong khi thực tế nhu cầu của khách hàng ngày càng cao, vì vậy rất cần được sớm được phân bổ hạn mức tín dụng còn lại. Việc phân bổ hạn mức tín dụng cũng nên xem xét căn cứ vào số tuyệt đối, không nên tính theo tỷ lệ.

Trên thực tế, nhu cầu vay vốn phục vụ đời sống của khách hàng ngày càng đa dạng, vì vậy, cần mở rộng các mục đích được áp dụng cho vay tiêu dùng.

Đại diện một số công ty tài chính tiêu dùng cho biết, các công ty tài chính cũng mong muốn được sớm tiếp cận với dữ liệu dân cư quốc gia để thuận tiện trong việc KYC khách hàng.

Về lãi suất và tỷ lệ nợ xấu đối với công ty tài chính tiêu dùng do đối tượng khách hàng là dưới chuẩn, có nhiều rủi ro khi thu hồi nợ nên cần nghiên cứu, xem xét để đưa ra mức phù hợp với tình hình thực tế nhằm tạo điều kiện cho các công ty tài chính tiêu dùng tiếp cận khách hàng tốt hơn, góp phần đẩy lùi nạn “tín dụng đen” đang hoành hành hiện nay.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/tong-du-no-6-thang-dau-nam-cua-cac-cong-ty-tai-chinh-tieu-dung-dat-207135-ty-dong-tang-79-so-voi-cuoi-nam-2021-a166142.html