Khi nói về “thế lực mới” ở Bamboo Airways, cái tên được dư luận bàn tán nhiều nhất chính là ông Dương Công Minh (Chủ tịch HĐQT Sacombank) - người vừa được công bố trở thành Cố vấn cho HĐQT của hãng bay này.
Từ chủ nợ đến vai trò cố vấn và “chân rết” ở HĐQT
Thực ra, từ hồi tháng 5/2022, bức ảnh ông Minh ngồi tại trụ sở của CTCP Tập đoàn FLC (công ty chủ quản của Bamboo Airways), bên cạnh là Chủ tịch và Phó chủ tịch HĐQT Bamboo Airways đã gây sự chú ý của dư luận, cũng như lời đồn về “ông chủ” mới của hãng.
Thời điểm trên, phía Sacombank phải lên tiếng giải thích rằng họ là nhà băng “thân thiết” của nhóm doanh nghiệp "họ FLC" và là chủ nợ ngân hàng lớn nhất của Tập đoàn FLC.
Nhất là hồi năm ngoái, ngân hàng này đã tham gia tài trợ vốn cho FLC Group, bao gồm hãng hàng không Bamboo Airways để đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động kinh doanh.
Trước đó, hồi tháng 4/2022, tại đại hội cổ đông thường niên 2022 của Sacombank, trong phần thảo luận với cổ đông, Tổng giám đốc ngân hàng này là Nguyễn Đức Thạch Diễm cho biết, phía Sacombank đã cho Bamboo Airways và FLC vay trên 5.000 tỷ đồng, khoản vay đã đảm bảo bằng cổ phiếu và nhiều dự án bất động sản ở Quảng Ninh, Hà Nội, "đã xử lý 2.600 tỷ và đã thu nợ rồi".
Còn với với vai trò Chủ tịch HĐQT Sacombank, chia sẻ với cổ đông, ông Dương Công Minh cho biết, riêng khoản nợ của FLC là 3.200 tỷ đồng, đã thu hồi được 2.600 tỷ và trong vòng 1 tháng nữa, FLC sẽ trả khoản vay. Thực ra khoản nợ tốt nhưng do sức ép dư luận nên Sacombank phải thu hồi sớm.
Ngoài ra, nên biết thêm, một trong những nhân sự mới tham gia HĐQT Bamboo Airways được bầu tại phiên họp bất thường đầu tháng 7 cũng được cho là người có liên quan tới ông Dương Công Minh.
Người này chính là ông Lê Thái Sâm, sinh năm 1964, sở hữu tới 125.000 cổ phần. Ông là người đại diện theo pháp luật của một loạt doanh nghiệp như CTCP Sắt thép Cửu Long, CTCP Thép Thăng Long, Công ty TNHH Sun hay Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Huỳnh Nguyên.
Ông Sâm từng là Ủy viên HĐQT của CTCP Đầu tư và Thương mại DIC (DIC) - công ty liên kết của DIC Corp (DIG) - giai đoạn 2009-2012. Trong đó, Him Lam của ông Dương Công Minh cũng từng hiện diện tại DIG với vai trò cổ đông lớn giai đoạn 2020-2022.
Ông Sâm cũng từng là thành viên HĐQT của CTCP Khu công nghiệp Suối Dầu (Sudazi) giai đoạn 2016-2020. Trong đó, Sudazi là doanh nghiệp phát triển dự án Khu công nghiệp Suối Dầu quy mô 133,95 ha tại tỉnh Khánh Hoà.
Dự án này do Công ty Thương mại và Đầu tư Khánh Hoà (TIC) - doanh nghiệp có nhiều giao dịch tài chính với Công ty Chứng khoán Liên Việt và LienVietPostBank - làm chủ đầu tư. Trong khi đó, trên thị trường, bên cạnh Him Lam, Chứng khoán Liên Việt cùng LienVietPostBank đều là những doanh nghiệp gắn liền với tên tuổi của "đại gia" Dương Công Minh.
Đó là lý do mà nhiều ý kiến trước đây cho rằng Bamboo Airways sẽ bị thâu tóm sớm muộn, đó là điều không thể tránh được, trừ khi có một thế lực ẩn nào đó giải cứu. Và bản chất của việc giải cứu thì vẫn là thâu tóm mà thôi, vì không ai cho không ai bao giờ, nhất là với một chủ nợ như Sacombank và ông Dương Công Minh - một "đại gia" khá thành công trong nhiều thương vụ thâu tóm lớn.
Khắc nghiệt “cuộc đua” chiếm thị phần
Bamboo Airways hiện đang khai thác khoảng gần 60 đường bay nội địa và 12 đường bay quốc tế. Cần nhắc lại, hồi tháng 3/2022 sau khi cựu Chủ tịch Bamboo Airways Trịnh Văn Quyết bị bắt tạm giam, Cục Hàng không Việt Nam có cuộc họp khẩn với lãnh đạo chủ chốt của hãng hàng không này nhằm đảm bảo an ninh, an toàn hàng không và quyền lợi hành khách.
Còn tại cuộc họp của Tập đoàn FLC hồi tháng 7/2022, lãnh đạo Bamboo Airways từng cho biết, doanh thu quý 2/2022 của Bamboo Airways tăng 50% so với quý 1 và vượt 30% so với kế hoạch đầu năm.
Tuy nhiên, do chi phí cao khiến Bamboo Airways ghi nhận khoản lỗ khoảng 1.400 tỷ đồng trong quý 2. Trong báo cáo tài chính của FLC cho thấy nửa đầu năm 2022, Bamboo Airways ước tính lỗ khoảng 2.100 tỷ đồng - tức gần bằng mức lỗ của cả năm 2021.
Còn hồi năm 2021, do ảnh hưởng Covid-19, Bamboo Airways không thể đứng ngoài vòng xoáy của các hãng hàng không, ghi nhận lỗ hơn 2.200 tỷ đồng trong khi các năm trước lãi khoảng 240-300 tỷ/năm.
Cách đây vài tháng, khi đánh giá về ngành hàng không Việt Nam, chuyên viên phân tích của CTCP chứng khoán CSI có cho rằng Bamboo Airway khả năng sẽ chưa thể gia tăng công suất trong năm nay, thị phần sụt giảm do cạnh tranh mạnh mẽ khi toàn ngành phục hồi. Bắt đầu gia nhập thị trường từ giai đoạn năm 2019, Bamboo đã nhanh chóng mở rộng đội bay và chiếm đến 20% thị phần tại Việt Nam. Nhưng đại dịch bùng phát đã ảnh hưởng đến khả năng mở rộng của hãng hàng không mới này.
Theo đó, các cơ quan chức năng đã từ chối đề xuất tăng đội bay từ 22 lên 100 máy bay trong giai đoạn 2023-2028 của Bamboo, và sẽ chỉ xem xét lại kế hoạch này khi thị trường vận tải hàng không quay trở về mức trước dịch. Do đó, CSI cho rằng cạnh tranh có thể sẽ mạnh mẽ hơn trong giai đoạn đầu của quá trình hồi phục. Do vậy, thị phần của Bamboo Airways theo dự phóng suy giảm xuống khoảng 15% trong năm nay.
Với thị trường hàng không ở Việt Nam, giới phân tích cho rằng thời gian tới sẽ có những phục hồi mạnh mẽ, song song đó các hãng hàng không Việt cũng đang quay lại đường đua thị phần. Tuy nhiên, khó khăn sẽ vẫn hiển hiện do dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và chưa được kiểm soát trên thế giới, các hãng bay sẽ “trầy trật” giảm lỗ, lợi nhuận không tương ứng với doanh thu.
Chính vì vậy, nếu nhìn vào tình hình hiện tại của Bamboo Airway cùng với “thế lực mới” thì việc củng cố “sức khỏe tài chính" và nâng cao năng lực cạnh tranh là rất cần thiết giữa “cuộc chơi” đầy khắc nghiệt trong ngành hàng không.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/thay-gi-tu-the-luc-moi-o-bamboo-airways-a166174.html