Sân golf Hòa Bình - Geleximco kinh doanh trên đất lâm nghiệp trái quy định: Xử lý ra sao?

Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều sai phạm tại dự án sân golf Hòa Bình – Geleximco trái quyết định của Thủ tướng. Vậy dự án này sẽ được xử lý ra sao?

Đầu tháng 2 vừa qua, Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý và sử dụng đất đai tại Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam và c.

Trong đó, Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm trong hoạt động kinh doanh sản xuất quản lý đất đai tài sản nhà nước của các doanh nghiệp này. Trong quá trình sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp này đã mang đất cho thuê, chuyển nhượng, hợp tác liên doanh với các doanh nghiệp tổ chức khác trái pháp luật, trái với chủ trương của Nhà nước và quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Dự án sân golf Hòa Bình – Geleximco bị kết luận vi phạm khi tỉnh Hòa Bình phê duyệt trên đất rừng của Công ty Lâm nghiệp

Một trong số đó điển hỉnh là sai phạm trong việc sử dụng đất đai để cho Tập đoàn Geleximco xây dựng sân golf hàng trăm ha tại Hòa Bình. Cụ thể, UBND tỉnh Hòa Bình duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 dự án sân golf Hòa Bình – Geleximco trên diện tích 140,13ha đất trồng rừng của Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình (đã có quyết định thu hồi 61,58ha) là chưa đúng quyết định (tháng 11/2019) của Thủ tướng phê duyệt quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020.

Dự án sân golf Hòa Bình – Geleximco do Công ty CP Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Tập đoàn Geleximco) làm chủ đầu tư. Dự án được UBND tỉnh cấp Giấy CNĐT vào tháng 12/2014, diện tích được phê duyệt 393 ha tại địa bàn xã Dân Hạ và xã Trung Minh (TP Hòa Bình). Trong đó, 263,9 ha đất quy hoạch sân golf; 59,99 ha quy hoạch nhà ở và đô thị sinh thái; 68,99 ha đất dự trữ phát triển trồng rừng và đất khác. Tổng mức đầu tư của dự án là khoảng 700 tỷ đồng. Tháng 9/2019 sân golf được khai trương với tên gọi Hilltop Valley Golf Club. Từ lâu, sân golf này đã được quảng cáo rầm rộ, đưa vào hoạt động kinh doanh phục vụ giới thượng lưu. Thực chất dự án được phê duyệt trên đất trái pháp luật.

Kết luận thanh tra cũng truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đồng ý kiến nghị của Thanh tra yêu cầu UBND tỉnh Hòa Bình rà soát xử lý đối với việc thu hồi đất lâm nghiệp để thực hiện các dự án chồng lên đất của Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình trái với Quyết định của Thủ tướng. Yêu cầu báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến xử lý đối với đất thực hiện dự án sân golf Hòa Bình - Geleximco.

Tập đoàn Geleximco cũng từng nhiều lần được dư luận nhắc đến vì những lùm xùm trong hoạt động kinh doanh bán hàng, thậm chí bị khách hàng tố lừa dối.

Năm 2018, rất nhiều cư dân dự án An Bình City đồng loạt tố cáo chủ đầu tư là Tập đoàn Geleximco khi phát hiện có hơn 2.732 căn hộ bị thiếu diện tích thực tế so với hợp đồng từ 1,5 – 4,5 m2. Theo đó, diện tích căn B5, B6 trong Bản vẽ được Cục Hoạt động Xây dựng thẩm định năm 2015 có diện tích 84,3 m2 (BV1); Bản vẽ thi công được chủ đầu tư sửa đổi phê duyệt năm 2016 có diện tích 85,10 m2 (BV2); Tại hợp đồng mua bán (HĐMB) với khách hàng có diện tích 86,50m2; Tại Thông báo 23/2017/ABCT chủ đầu tư đo lại có diện tích 82,76 (TB23).

Gần đây nhất, giữa năm 2020, hàng trăm căn hộ tại dự án chung cư Geleximco 885 Tam Trinh - Gelexia riverside (Hà Nội) căng băng rôn phản đối tập đoàn này. Những tấm băng rôn đỏ chót với nhiều khẩu hiệu như “chủ đầu tư lừa đảo”, “treo đầu dê bán thịt chó”, “chủ đầu tư trả cửa lim, sồi cho cư dân”… được quây kín ban công các căn hộ.

 

phoi-canh-du-an-gelexia-riverside-41-1615538916.jpg
Gelexia riverside, dự án thuộc Công ty CP đầu tư xây dựng và kinh doanh BĐS HTL Việt Nam là công ty con của Tập đoàn Geleximco.

Tập đoàn Geleximco do doanh nhân Vũ Văn Tiền đứng đầu. Ngoài vị trí Chủ tịch HĐQT/Tổng giám đốc Geleximco, ông Tiền còn nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng khác tại đơn vị thành viên như Cty CP chứng khoán An Bình, Cty giấy An Hòa hay xi măng Thăng Long. 

Tập đoàn Geleximco tiền thân là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội – Geleximco, với vốn điều lệ ban đầu 2,5 tỉ đồng. Năm 2007, công ty chuyển đổi từ loại hình TNHH sang Công ty cổ phần và tăng số vốn điều lệ lên 1.230 tỉ đồng. Sau nhiều lần điều chỉnh, tính đến cuối tháng 7/2019, vốn điều lệ của tập đoàn này đã tăng lên mức 9.600 tỉ đồng.

Hiện nay, Tập đoàn Geleximco có gần 30 công ty thành viên và công ty liên kết với nhiều lĩnh vực như: sản xuất công nghiệp, bất động sản, tài chính - ngân hàng, thương mại - dịch vụ, đào tạo và công nghệ thông tin, nông nghiệp công nghệ cao.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/san-golf-hoa-binh-geleximco-kinh-doanh-tren-dat-lam-nghiep-trai-quy-dinh-xu-ly-ra-sao-a16618.html