Ngày 18/8, Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đã có buổi làm việc với Sở Xây dựng Đồng Nai về công tác quản lý đất đai, tình hình xây dựng trái phép trên địa bàn giai đoạn 2018 - 2021.
Tại buổi làm việc, theo báo cáo từ Sở Xây dựng, từ năm 2018 - 2021, đơn vị đã tham mưu, hỗ trợ các địa phương trong xây dựng quy hoạch. Giai đoạn này, công tác lập và phê duyệt quy hoạch xây dựng đã được thực hiện phủ kín quy hoạch chung xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn mới các xã trên địa bàn. Ngành xây dựng cũng đã cấp mới hơn 21.000 giấy phép xây dựng.
Qua công tác thanh kiểm tra, ngành đã phát hiện 681 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, góp phần lập lại trật tự, giảm thiểu các vi phạm trong lĩnh vực xây dựng. Thực tế tại các huyện thành phố, khu vực đô thị còn thiếu quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị, thiếu quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc… gây khó khăn trong công tác cấp giấy phép xây dựng, quản lý trật tự xây dựng.
Tại buổi làm việc ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai nói rằng trên thực tế đang tồn tại một số quy hoạch chồng chéo nhau. Nhiều quy hoạch tỉnh đã làm được nhưng không có nguồn lực triển khai thực hiện, không triển khai được nhưng lại không quản lý được nên cuối cùng quy hoạch bị phá vỡ.
Trước đó trong ngày đoàn giám sát cũng có buổi làm việc với UBND huyện Trảng Bom về quản lý đất đai, xây dựng trên địa bàn.
Theo báo cáo, trong 4 năm qua, huyện Trảng Bom đã xử lý chuyển mục đích sử dụng đất khoảng trên 1.000 hồ sơ. Ngoài ra còn kiểm tra, phát hiện xử lý 882 vụ việc vi phạm về đất đai, xây dựng.
Trước báo cáo từ huyện, ông Quản Minh Cường, Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh, Trảng Bom là địa phương có tốc độ gia tăng dân số cơ học nhanh nên áp lực trong công tác quản lý đất đai, xây dựng càng lớn. Nhiều năm qua, Trảng Bom đã thực hiện các biện pháp ngăn chặn tích cực. Nhưng việc để xảy ra sai phạm xây dựng 500 căn hộ trái phép như ở Trảng Bom là rất hiếm và rất lớn.
"Vì vậy, huyện Trảng Bom tăng cường hơn nữa công tác quản lý Nhà nước về đất đai. Với một số dự án sai phạm cần xem xét lại tổng thể quy hoạch, mục đích sử dụng, nhu cầu sử dụng. Nếu như hợp lý, dựa trên những quy định chặt chẽ của pháp luật thì cố gắng không cưỡng chế, phá dỡ để tránh lãng phí tài sản xã hội. Trường hợp bắt buộc phải tháo dỡ thì phải thực hiện", ông Cường nói.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/dong-nai-van-nong-ve-xay-dung-trai-phep-lien-tuc-xu-ly-cac-truong-hop-xay-nha-chui-a166417.html