Nhiều ngân hàng đang phải tìm cách xử lý nợ xấu. Ảnh: Quang Vinh
Nợ xấu liên tục được rao bán
Thời gian gần đây nhiều ngân hàng tiếp tục rao bán các khoản nợ xấu có giá trị lớn. Chẳng hạn ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) rao bán một dự án lớn để thu hồi nợ. BIDV thông báo đấu giá dự án Nhà máy thủy điện Tân Thượng do Công ty cổ phần Năng Lượng Tân Thượng làm chủ đầu tư, công suất thiết kế 22MW, thuộc địa phận huyện Di Linh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng.
Tài sản được rao bán gồm toàn bộ các hạng mục công trình trên đất thuộc dự án, toàn bộ các tòa nhà, công trình xây dựng, các tài sản khác gắn liền với đất tọa lạc trong phạm vi khu đất thực hiện dự án, hợp đồng thuê đất và các giấy tờ khác liên quan đến việc cấp đất để thực hiện dự án của cơ quan có thẩm quyền, toàn bộ máy móc, thiết bị, nội thất, đồ đạc và các động sản khác liên quan dự án.
Hay Agribank thông báo đấu giá lô đất diện tích hơn 3.000 m2 tại quận Bình Thạnh, TPHCM là tài sản đảm bảo khoản vay của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Xuất nhập khẩu quốc tế Thái Dương với giá khởi điểm lên tới 165 tỷ đồng.
Đáng chú ý, VPBank là ngân hàng có số lượng nợ xấu tuyệt đối lớn nhất, với hơn 20.000 tỷ đồng. Nợ nhóm 4 tăng 20,6% và nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng tới 143%. Phần lớn nợ xấu của VPBank đến từ FE Credit, nợ xấu của ngân hàng mẹ chỉ hơn 8.000 tỷ đồng, trong đó nợ mất vốn của ngân hàng mẹ chỉ 1.000 tỷ đồng. Có thể do cho vay phân khúc rủi ro cao, lại chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, nên FE Credit có tỷ lệ nợ xấu cao, dẫn tới tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng hợp nhất cao.
VietinBank là ngân hàng xếp thứ hai về số nợ xấu tuyệt đối (16.650 tỷ đồng). Mặc dù nợ xấu nhóm 3 và nhóm 4 giảm đáng kể, nhưng nợ nhóm 5 tăng tới 128% khiến VietinBank vẫn giữ nguyên thứ hạng về nợ xấu so với quý I/2022.
Tuy nhiên, việc nợ xấu của các ngân hàng tăng nửa đầu năm nay đã nằm trong dự liệu của giới chuyên gia. Ảnh hưởng của Covid-19 đang thể hiện dần vào báo cáo tài chính của các ngân hàng.
Quan ngại chất lượng tài sản
PGS.TS Tô Trung Thành - Khoa Kinh tế học Trường Đại học Kinh tế quốc dân, nguyên thành viên nhóm tư vấn chính sách cho Bộ Tài chính và nhóm tư vấn chính sách kinh tế vĩ mô cho Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, quy mô hệ thống tài chính Việt Nam đã tăng nhanh trong những năm qua nhưng vẫn còn nhỏ hơn các nước trong khu vực. Hiện nay, cơ cấu tài sản giữa các lĩnh vực trong hệ thống tài chính chưa hợp lý, hệ thống tổ chức tín dụng vẫn chiếm tỷ trọng cao. Cung ứng vốn cho nền kinh tế vẫn phụ thuộc chủ yếu vào hệ thống ngân hàng.
Bên cạnh đó, khu vực này đang xuất hiện một số rủi ro bất ổn. Thứ nhất, mức độ an toàn vốn của hệ thống ngân hàng đang giảm sút bởi sự suy giảm chất lượng tài sản và danh mục tài sản tiềm ẩn nhiều rủi ro từ năm 2020.
Thứ hai, nợ xấu có xu hướng gia tăng, đặc biệt trong giai đoạn Covid-19 hoành hành, có thể gây rủi ro cho hệ thống. Tỷ lệ nợ xấu của hầu hết ngành lớn đều tăng mạnh. Những ngành có khả năng sinh lời thấp cũng như tình hình tài chính xấu đi cũng là những ngành có tỷ lệ nợ xấu cao.
Báo cáo Điểm lại kinh tế Việt Nam tháng 8/2022 của Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá rằng mặc dù ổn định tài chính nhìn chung được đảm bảo, nhưng chất lượng tài sản của các ngân hàng vẫn là một quan ngại và cần phải liên tục theo dõi. Tín dụng tiêu dùng có vẻ xấu đi đáng kể, với tỷ lệ nợ xấu tại các công ty tài chính tiêu dùng phi ngân hàng tăng vọt lên đến 9,6% trong năm 2021 so với 5,5% trong năm 2020. Vốn mỏng ở các ngân hàng và tỷ lệ dự phòng khác nhau (bình quân 142% nợ xấu trong tháng 12/2021 nhưng có thể thấp đến 35% ở một số ngân hàng) tiếp tục là vấn đề quan ngại.
Như vậy, các ngân hàng đã phải duy trì nợ xấu ở mức cao hơn đáng kể, đặc biệt là khi giai đoạn thực hiện các biện pháp giãn thời gian trả nợ kết thúc vào tháng 6/2022.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/no-xau-am-anh-ngan-hang-a166457.html