Như Dân Việt đã đưa tin, ngày 5/8 vừa qua, Công ty CP Đầu tư và công nghiệp Tân Tạo - Itaco (ITA) của Chủ tịch HĐQT Đặng Thị Hoàng Yến đã công bố thông tin đính chính về số liệu đã được công bố trong báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022 do doanh nghiệp này công bố trước đó.
Khoản tiền 633 tỷ đồng phải thu từ bà Đặng Thị Hoàng Yến liên quan đến dự án nhiệt điện tỷ USD
Theo đó, tại khoản mục nghiệp vụ với các bên liên quan ghi nhận khoản thu khác từ Chủ tịch HĐQT Maya Danglas (tên mới của bà Đặng Thị Hoàng Yến) với số tiền trên 633 tỷ đồng. Trước đính chính, ITA ghi nhận khoản phải thu từ việc Chi tạm ứng cho bà Đặng Thị Hoàng Yến để thực hiện dự án tại nước ngoài.
Số tiền hơn 633 tỷ đồng nêu trên được thực hiện với mục đích "hợp đồng chuyển nhượng cổ phần" theo Nghị quyết đại hội đồng cổ đông thường niên đã thông qua vào ngày 29/4/2022.
Theo tìm hiểu của Dân Việt, tại Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên đã thông qua vào ngày 29/4 của Tân Tạo, ĐHĐCĐ đã thống nhất về việc để bảo vệ lợi ích của cổ đông từ rủi ro của các dự án điện do Công ty cổ phần Phát triển Năng lượng Tân Tạo (TEDC) đầu tư, TS. Maya Dangelas (tức là Chủ tịch Đặng Thị Hoàng Yến) đồng ý nhận trách nhiệm chuyển nhượng 20,69% cổ phần ITACO nắm giữ tại TEDC, tương đương số tiền 1.655 tỷ đồng. Như vậy, đây chính là "hợp đồng chuyển nhượng cổ phần" được đề cập trong báo cáo tài chính hợp nhất của ITA sau đính chính.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022 của ITA cho thấy, tại thời điểm đầu năm khoản đầu tư này có giá trị từ 1.753 tỷ đồng (tỷ lệ sở hữu 19%). Đến cuối tháng 6/2022, giá trị gốc của khoản đầu tư vào TEDC đã giảm xuống chỉ còn 98 tỷ đồng.
Ngoài khoản tiền phải thu từ bà Đặng Thị Hoàng Yến là hơn 633 tỷ đồng, trong kỳ ITA ghi nhận hơn 1.020 tỷ đồng thu hồi đầu tư, góp vốn vào đơn vị khác. Như vậy, số tiền này chính là số tiền ITA đã thu từ khoản đầu tư vào TEDC.
Được biết, TEDC là chủ đầu tư dự án nhiệt điện tỷ USD Kiên Lương (Kiên Giang). Dự án được phê duyệt đầu tư từ 2008 và bị "đắp chiếu" nhiều năm nay. Năm 2017, UBND tỉnh Kiên Giang đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ: Thu hồi chủ trương đầu tư dự án Trung tâm nhiệt điện Kiên Lương của Tập đoàn Tân Tạo và đã được Thủ tướng đồng ý.
Năm 2018, Tập đoàn Tân Tạo đã có văn bản gửi các đơn vị chức năng phản ánh một số thông tin liên quan tới Nhiệt điện Kiên Long 1 và cho rằng chính việc loại dự án ra khỏi quy hoạch là nguyên nhân chính dẫn đến việc dự án không thể triển khai được.
Tập đoàn Tân Tạo cũng cho biết, khi ngừng dự án Kiên Lương 1, doanh nghiệp đã chịu rất nhiều sức ép từ đối tác là các nhà đầu tư nước ngoài. Do vậy, nếu muốn thu hồi dự án, Tập đoàn đề nghị được Chính phủ, Bộ Công Thương, UBND tỉnh Kiên Giang đền bù thỏa đáng cho cả tập đoàn Tân Tạo và cho các nhà đầu tư nước ngoài vì đã đầu tư rất nhiều vào dự án.
Theo BCTC kiểm toán năm 2021, ban giám đốc ITA vẫn có chủ trương tiếp tục triển khai dự án do có các văn bản gửi Chính phủ và cơ quan ban ngành để xin các phê duyệt cần thiết đưa dự án vào quy hoạch điện 8.
Cũng tại báo cáo này, kiểm toán viên lưu ý, tại ngày 31/12/2021 ITA ghi nhận khoản đầu tư vào TEDC và Công ty cổ phần Năng lượng Tân Tạo 2 với tổng giá trị 2.170 tỷ đồng và các khoản phải thu từ TEDC, TEC2 và Công ty Cổ phần Năng lượng Tân Tạo (TEC) với tổng giá trị là 1.429 tỷ đồng. Các khoản này đều liên quan đến quá trình phát triển dự án Nhiệt điện Kiên Lương.
Đến cuối tháng 6/2022, ngoài giá trị khoản đầu tư gốc 98 tỷ đồng, ITA vẫn ghi nhận khoản phải thu của Công ty Cổ phần Phát triển Năng lượng Tân Tạo từ tiền cho thuê đất là 1.287 tỷ đồng. Bên cạnh đó, phải thu khác là khoản chi tạm ứng gần 63 tỷ cho Công ty Cổ phần Phát triển Năng lượng Tân Tạo. Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang dài hạn tại dự án Kiên Lương gần 543 tỷ đồng. ITA đã sử dụng một số quyền sử dụng đất của dự án này làm tài sản thế chấp ngân hàng vay dài hạn.
Dự án đầu tư tại nước ngoài của Tân Tạo giờ ra sao?
Liên quan đến dự án đầu tư dự án tại Mỹ của ITA, theo Nghị quyết ĐHĐCĐ năm 2022 của tập đoàn này, ĐHĐCĐ sẽ tiếp tục thực hiện Nghị quyết ĐHĐCĐ năm 2021 đã thông qua và Ủy quyền cho HĐQT ra các quyết định thực hiện thành công hợp tác, liên doanh Dự án Kính thông minh và khu công nghiệp dược phẩm tại Mỹ.
Bà Đặng Thị Hoàng Yến cũng tiết lộ, thời gian qua, ITA đã tham gia đầu tư khu công nghệ cao và dược phẩm tại Hoa Kỳ nhưng do ảnh hưởng của đại dịch tiến độ bị chậm lại.
Liên kết của ITA với đối tác tại Mỹ bao gồm cả trường đại học tại thung lũng Silicon như Standford. Khu công nghệ cao nằm tại vị trí đắc địa kế cận sân bay, có nhiều lợi thế. Đây là dự án đầu tiên thuộc loại này được cấp giấy phép của bang Califonia để sản xuất tinh chất thuốc chữa bệnh, sản phẩm phục vụ sức khỏe, ăn uống, giải khát, mỹ phẩm.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/su-that-ve-khoan-tien-633-ty-dong-ba-dang-thi-hoang-yen-no-tap-doan-tan-tao-a166987.html