Giám đốc BV Chợ Rẫy: “Có bác sĩ bức xúc dao mổ rẻ, rạch 3 lần mới qua da người bệnh”
"Có bác sĩ ngoại khoa gặp tôi bức xúc vì trước đây dùng dao mổ tốt, nay dao rẻ phải rạch 3 lần mới qua da người bệnh", ông Thức nói.
Sáng ngày 21/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững. Cùng dự có Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo một số bộ ngành. Hội nghị kết nối trực tuyến đến 63 tỉnh, thành trên cả nước.
Mua dao mổ rẻ, rạch 3 lần mới qua da người bệnh
Tại hội nghị, đại diện cho các Bệnh viện tuyến Trung ương, Giám đốc BV Chợ Rẫy Nguyễn Tri Thức đã đề cập đến những khó khăn, thực tiễn đang xảy ra tại các bệnh viện, các cơ sở y tế thời gian qua.
Cụ thể, theo ông Nguyễn Tri Thức, về đấu thầu mua sắm thuốc, hiện nay các bệnh viện đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc xây dựng giá dự toán. Giá dự toán chỉ tính được khi lập kế hoạch đấu thầu. Nếu theo Thông tư 58/ TT- BTC năm 2016 của Bộ Tài chính sau khi phê duyệt giá dự toán mua sắm rồi mới lập kế hoạch đấu thầu thì các bệnh viện không thể làm được.
Từ đó, kiến nghị, cho phép các bệnh viện được xây dựng đơn giá dự toán theo dấu kỹ thuật bằng với giá bình quân mua sắm năm trước liền kề, hoặc sử dụng giá bình quân của các báo giá được xác lập trong giai đoạn xây dựng mua sắm.
Lãnh đạo BV Chợ Rẫy, các loại thuốc hiếm và thuốc nhập theo hạn ngạch, vừa qua gặp rất nhiều khó khăn do không có nguồn cung. Đối với những loại thuốc này, Bộ Y tế nên đưa vào mua sắm tập trung hoặc cho phép chỉ định thầu rút gọn hoặc lập kho dự trữ quốc gia điều phối cho các tỉnh, thành phố.
Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy Nguyễn Tri Thức phát biểu.
Về đấu thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, theo ông Thức, các bệnh viện đang gặp rất nhiều khó khăn, điều 11 thông tư 58 năm 2016 của Bộ Tài chính yêu cầu phải đủ 3 báo giá mới xây dựng kế hoạch mua sắm được, nhưng có những mặt hàng độc quyền hoặc hãng chỉ có 1-2 đại diện ở 1 quốc gia, không đủ báo giá theo quy định, không mua sắm nổi. Ông Thức kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo và Bộ Tài chính hướng dẫn lại vì điều này không cần thiết và không khả thi.
“Về việc quy định xác lập giá kế hoạch phải tham khảo trong vòng từ 2 tháng trên Cổng Thông tin, các bệnh viện đang gặp khó khăn khi các website công khai kết quả đấu thầu gồm 2 website chính là website mua sắm công và website công khai kết quả đấu thầu. Khi các đơn vị đăng công khai kết quả đấu thầu thường không đăng chi tiết các tính năng kỹ thuật mà đăng chung chung. Do đó, để xây dựng cấu hình tính năng kỹ thuật khác nhau ở các đơn vị, chỉ dựa vào thông tin đó thì không thể nào lập được giá sát thực tế”, ông Thức nói.
Đối với quy định mua sắm hiện hành, ông Thức đề nghị với y tế nên cho phép chọn mua thuốc, vật tư giá hợp lý, không chọn loại rẻ vì ảnh hưởng chất lượng.
"Đã có bác sĩ ngoại khoa đến gặp tôi bức xúc vì trước đây dùng dao mổ tốt không có vấn đề gì, nay mua loại dao rẻ thì phải rạch 3 lần mới qua da người bệnh", ông Thức nói và kiến nghị cho phép các bệnh viện hạng 1 đến đặc biệt được phép lựa chọn nhà sản xuất có thương hiệu để mua sắm thiết bị y tế phù hợp với các bệnh chuyên sâu, thương hiệu lớn mới có máy tốt phục vụ điều trị các bệnh lý chuyên sâu.
Luật cho phép chỉ định thầu trong trường hợp cấp bách nhưng không quy định như thế nào là cấp bách, ai là người quyết định trường hợp cấp bách, ông Thức kiến nghị nên có những quy định rõ thế nào là cấp bách trong y khoa và có quy định đấu thầu dịch vụ sửa chữa, bảo trì các thiết bị y tế. Hiện chưa có một quy định nào cho nội dung này, từ đó dẫn đến nhiều thiết bị đắt tiền phải "trùm mền" 6 tháng, 8 tháng vì hỏng hóc.
Với xét nghiệm, hiện các máy xét nghiệm hiện đại đa số đều có hóa chất tương thích (máy đóng), nếu đấu thầu hóa chất cho máy đóng không thực hiện được, vướng các máy liên doanh liên kết, kiến nghị Chính phủ và Bộ Y tế cho phép chấp nhận hình thức máy đặt, máy mượn, đấu thầu hóa chất và giá của các hóa chất này do Bộ Y tế quản lý bán hoặc đấu thầu tập trung quốc gia.
Về chế độ chính sách cho nhân viên y tế còn chưa phù hợp, lạc hậu, chậm thay đổi phù hợp với thực tế hiện nay như phụ cấp trực, phụ cấp phẫu thuật thủ thuật...
"Chế độ chính sách cho nhân viên y tế chưa phù hợp, lạc hậu, chậm thay đổi phù hợp với thực tế hiện nay như phụ cấp trực, phụ cấp phẫu thuật thủ thuật được thực hiện theo quyết định 73 đã hơn 10 năm, đến nay mức chi phụ cấp này đã không còn phù hợp", ông Thức nói.
Cụ thể, mức phụ cấp trực 24/24 là 115.000 đồng/người/phiên trực, hỗ trợ tiền ăn 15.000 đồng/người/phiên trực đối với bệnh viện hạng I, hạng Đặc biệt. Mức phụ cấp phẫu thuật cho ca mổ loại đặc biệt là 280.000 đồng/ca, ca mổ loại 1 là 125.000 đồng/ca cho phẫu thuật viên chính.
"Một ca mổ đặc biệt thông thường kéo dài từ 4 tới 6 giờ, thậm chí có ca trên 8 giờ như phẫu thuật tim liên quan đến động mạch chủ vẫn chỉ nhận được mức phụ cấp là 280.000 đồng/ca cho phẫu thuật viên chính thật sự không tương xứng với sức lao động của người bác sĩ", ông Thức nói và kiến nghị cần thiết điều chỉnh các mức phụ cấp cho người lao động theo hướng tăng phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Đề xuất Chính phủ quy định hỗ trợ học phí đối với sinh viên y khoa
Tại Hội nghị, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nêu một số thành tựu của ngành y tế trong chăm sóc sức khỏe, về cải thiện tầm vóc người dân; tuổi thọ trung bình người Việt Nam cao hơn trung bình thế giới và nhiều nước có mức thu nhập bình quân đầu người tương đương; sản xuất 11/12 loại vắc xin tiêm chủng.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng nêu một số hạn chế như, công tác đào tạo nhân lực và khoa học công nghệ y tế, số lượng và chất lượng nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là tại tuyến cơ sở. Việc triển khai các nghiên cứu y, dược còn chậm, thiếu kinh phí.
Việc triển khai các kế hoạch, chiến lược phát triển hệ thống thông tin y tế toàn quốc chưa bảo đảm tính tổng thể, toàn diện. Thực hiện chuyển đổi số trong việc cung cấp dịch vụ công chưa bảo đảm tiến độ. Cung ứng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, tình trạng quá tải vẫn chưa được giải quyết triệt để ở các bệnh viện tuyến cuối. Chưa phát huy tốt lợi thế của y học cổ truyền.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cũng cho biết, chế độ tiền lương, thu nhập đối với cán bộ y tế còn nhiều khó khăn; thời gian qua, tình trạng nghỉ việc, bỏ việc của nhân viên y tế tại các cơ sở y tế khu vực công lập.
Chế độ, chính sách đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực ngành Y tế chưa bảo đảm, chưa tương xứng với quá trình đào tạo và mức độ công việc. Trong khi đó, Nghị quyết số 20-NQ/TW của Trung ương và Nghị quyết số 46/NQ-TW của Bộ Chính trị đã nêu rõ quan điểm: "Nghề y là một nghề đặc biệt. Nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức; cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt".
Do đó, tại hội nghị, Bộ Y tế đề nghị Chính phủ có chính sách quy định hỗ trợ tiền đóng học phí cho học viên, sinh viên các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, đặc biệt các ngành, chuyên ngành khó tuyển, các ngành phục vụ cho hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở.
Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 56/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ trong đó tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở lên 100%.
Chính phủ sớm xem xét và ban hành Nghị quyết về giải pháp, chính sách hỗ trợ cho nhân viên y tế thôn bản. Thực hiện phụ cấp theo nghề mức cao nhất đối với viên chức ngành y tế. Chức danh Bác sĩ, Bác sĩ Y học dự phòng, Dược sĩ sau khi tuyển dụng được xếp lương bậc 2 đối với tất cả các hạng chức danh.
Bộ Y tế cũng kiến nghị, đề xuất công nhận liệt sĩ đối với các cán bộ, nhân viên y tế hy sinh do mắc COVID-19 trong khi thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị.
Phó Thủ tướng Võ Đức Đam: ngành y tế có "một núi việc"
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nói rằng, ngành y tế có "một núi việc", có việc cấp bách giải quyết ngay, có việc cơ bản lâu dài.
“Chúng ta vẫn là một nước đang phát triển, thu nhập trung bình thấp. Mệnh giá BHYT tính trung bình là 1 triệu/người/năm, không bằng 1/20, 1/30 của các nước phát triển", Phó Thủ tướng nói.
Theo Phó Thủ tướng về lâu dài phải tính đúng tính đủ giá viện phí. Bên cạnh đó cần quan tâm đến vấn đề thiếu điều dưỡng viên. Trên thế giới, cứ một bác sĩ có 3-4 điều dưỡng, Nhật thậm chí là 9, trong khi ở Việt Nam chỉ là một bác sĩ chỉ có 1,5 điều dưỡng. Phó Thủ tướng cho rằng, muốn giải quyết vấn đề giữ biên chế cho ngành y nói chung, cần tăng thu nhập cho cán bộ, nhiên viên y tế thông qua việc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế.
Về lâu dài, phải giải quyết được nút thắt trong việc tính đúng, tính đủ, có thể mức chưa được như các nước khác nhưng không thể như bây giờ. Chúng ta cũng phải tăng đầu tư ngân sách. Hiện nay, cứ 100 đồng tiền mua BHYT thì có 60 đồng của người dân và 40 đồng của NSNN, cần phải tăng mức này. Không thể nào đòi chữa bệnh như các nước tiên tiến nhất mà giá lại như nước nghèo nhất.
Tiếp theo, biên chế là câu chuyện dài. Chúng ta hiện nay có 8,8 bác sĩ/vạn dân, trong khi con số này ở Australia là 36, Pháp là 34, Trung Quốc là 22. Chúng ta ngang với Ấn Độ, cao hơn Indonesia. Quy định hiện hành 30% ngân sách y tế chi cho dự phòng, nhưng ta mới chi 17%.
“Y tế phải lập danh mục dịch vụ y tế dự phòng. Không quá máy móc xã nào cũng phải có bác sĩ, xã vùng sâu vùng xa phải có bác sĩ, nhưng xã cách huyện 5 phút đi xe máy thì có nhất thiết không? Phải hướng tới y tế cơ sở nhưng không cào bằng, bố trí nhân lực hợp lý”, Phó Thủ tướng nói.