Đi học không ghi chép, lấy điện thoại ra chụp hình bài giảng

Một số sinh viên dùng điện thoại để chụp hình bài giảng của giảng viên thay vì ghi chép lại. Phương pháp học này có hiệu quả?

"Bùa hộ mệnh" lúc làm bài tập và kiểm tra đề mở

Nguyễn A.T. (18 tuổi, sinh viên Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn) cho biết thường không ghi chép và chỉ dùng điện thoại chụp hình bài giảng. “Bên cạnh đó, tất cả nội dung giảng dạy tại lớp học đều nằm trong tài liệu được giáo viên gửi cho sinh viên từ trước. Vì thế, đến lớp, tôi chỉ ngồi nghe, không cần phải ghi chép. Tôi nghĩ rằng việc chụp hình bài giảng là hiệu quả vì tất cả bài giảng đều được lưu trong điện thoại nên tôi có thể mở ra xem bất cứ lúc nào", T. chia sẻ.

sv-1661141235.jpg Một buổi học của T. NVCC

Tương tự, Võ Phi Thành Đạt (23 tuổi, sinh viên Học viện Cán bộ TP.HCM) cho hay phương pháp học này hỗ trợ anh tiếp cận bài giảng nhanh lẹ, đảm bảo nội dung nhất.

“Nhiều lúc tôi ghi chép không kịp nội dung trình chiếu của giảng viên. Rồi có những ngày đến trễ, tôi phải ngồi cuối lớp nên dùng camera điện thoại ở chế độ 'cận cảnh' là thấy được bài giảng", Đạt bộc bạch.

sv-2-1661141291.jpg Buổi học của sinh viên tại một trường CĐ ở TP.HCM NVCC

Đạt cho hay anh chỉ ghi chép những ý bên lề nằm ngoài nội dung bài giảng được trình chiếu trên màn hình, còn không kịp là phải chụp ảnh. “Về nhà, tôi cũng ít xem lại những nội dung mình chụp trên lớp. Tuy nhiên, tôi xem chúng như 'túi thần kỳ', 'bùa hộ mệnh' lúc cần”, Đạt chia sẻ.

sv-3-1661141341.jpg Một số sinh viên dùng điện thoại để chụp lại bài giảng (ảnh minh họa) BẢO THÁI

Tuy nhiên, việc “ghi chép” bài học bằng điện thoại cũng có những bất lợi. "Tôi đã từng xóa hết hình ảnh trong điện thoại chỉ để lưu lại các bài giảng. Đôi khi tôi chụp mà không xem lại kỹ, về nhà mới phát hiện mình chưa lưu hoặc có những tấm hình bị nhòe”, Đạt kể.

Trong khi đó, Nguyễn Thị Cẩm Tiên (sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) thì kết hợp giữa việc ghi chép và dùng điện thoại chụp hình bài giảng mỗi khi đến lớp. Nữ sinh viên cho rằng phương pháp này giúp cô xử lý thông tin bài giảng nhanh hơn.

sv-4-1661141602.jpg Sinh viên gửi cho nhau những nội dung bài giảng được chụp bằng điện thoại NVCC

"Nếu viết không kịp (do giáo viên trình chiếu bài nhanh) thì tôi sẽ chụp hình để về ghi chép lại. Khi xóa dữ liệu trong điện thoại, tôi phải kiểm tra lại hình ảnh, file ghi âm, tài liệu để xem mình đã viết hay trích xuất chưa", Cẩm Tiên cho biết.

Ghi chép lại các ý quan trọng được giảng viên nhấn mạnh

Thầy Nguyễn Bảo Thái, giảng viên Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn, nhận xét việc chụp ảnh giúp sinh viên lấy được thông tin nhanh chóng hơn, thời gian còn lại giúp các bạn tập trung chú ý vào bài giảng. "Nó vẫn tốt hơn việc các bạn vừa tốc ký vừa nghe giảng", thầy Thái nói.

Tuy nhiên, thầy Thái nhấn mạnh: "Dù chép bài hay chụp hình ảnh bài giảng thì sinh viên cần phải đọc lại khi mình về nhà, nếu không thì tất cả chỉ bằng thừa".

sv-5-1661141711.jpg Cô Khánh Chi khuyến khích sinh viên kết hợp giữa viết và chụp hình lại bài giảng BẢO THÁI CUNG CẤP

Còn cô Nguyễn Khánh Chi (thành viên Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ các nhà khoa học trẻ TP.HCM, nguyên giảng viên Học viện Cán bộ TP.HCM) chia sẻ bài giảng trình chiếu của giảng viên thường chứa nhiều từ, số, ký hiệu và hình ảnh.

"Do đó, nếu sinh viên vừa nghe giảng vừa chép bài thì sẽ khó tập trung vào phần thuyết giảng, làm ảnh hưởng đến chất lượng tiếp thu. Ngược lại, nếu sinh viên dùng điện thoại chụp lại bài giảng và tin rằng sẽ nghiên cứu khi về nhà, thì chính sự tự tin đó sẽ khiến các bạn không tập trung vì cho rằng những gì cần thiết đã nằm trong các bức ảnh được chụp", cô Chi lưu ý.

"Tôi nghĩ rằng trong lớp học, ngoài việc đọc bài giảng trên bảng, lắng nghe, sinh viên nên tương tác với người dạy và ghi chép những ý quan trọng được giảng viên nhấn mạnh. Khi buổi học kết thúc, sinh viên cần đọc lại nội dung đã chụp trong điện thoại và nội dung đã ghi chép trong vở. Việc này sẽ giúp các bạn gia tăng sự hiểu biết và nhớ bài lâu hơn", cô Chi lưu ý.

sv-6-1661141768.jpg Cô Khánh Chi trong một buổi giảng dạy NVCC

Cô Chi nói thêm: "Trước khi vào lớp, sinh viên cũng nên tìm hiểu bài mới thông qua việc đọc sách, tra cứu tài liệu. Việc học sẽ trở nên dễ dàng, hiệu quả nếu mỗi sinh viên tự xây dựng một phương pháp phù hợp".

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/di-hoc-khong-ghi-chep-lay-dien-thoai-ra-chup-hinh-bai-giang-a167194.html