Lòng sông Dương Tử ở Trùng Khánh trong tình trạng khô cạn hôm 17/8.
Tính toán ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với kinh tế toàn cầu là một việc rất khó. Nhưng những gì đã và đang diễn ra trong mùa hè năm nay là một bằng cho thấy biến đổi khí hậu có thể gây ra tổn thất kinh tế lớn như thế nào.
Thời tiết nắng nóng và khô hạn cực điểm đang hoành hành ở Mỹ, châu Âu và Trung Quốc, đặt ra thêm thách thức đối với ba nền kinh tế lớn nhất thế giới đúng lúc tăng trưởng đang giảm tốc mạnh và giá cả không ngừng leo thang.
CÁC CÔNG TY PHẢI CHUẨN BỊ CHO TÌNH HUỐNG XẤU NHẤT
Ở tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc, tất cả các nhà máy phải đóng cửa trong 6 ngày để tiết kiệm điện. Tàu chở than và hóa chất không thể di chuyển bình thường trên sông Rhine ở Đức. Và người dân sống ở vùng Bờ Tây của nước Mỹ được yêu cầu giảm tiêu thụ điện giữa lúc nhiệt độ tăng mạnh.
Những sự kiện thời tiết này “có khả năng gây ra ảnh hưởng khá lớn ở những khu vực cụ thể”, Giám đốc phụ trách nghiên cứu kinh tế vĩ mô toàn cầu của công ty phân tích Oxford Economics, ông Ben May, nhận định trên trang CNN Business.
Mức độ ảnh hưởng sẽ tùy thuộc vào việc các đợt sóng nhiệt và thiếu mưa kéo dài trong bao lâu. Tuy nhiên, ở những quốc gia như Đức, giới chuyên gia cảnh báo không có mấy tín hiệu cho thấy căng thẳng sẽ sớm được giải tỏa, và các công ty ở đó đang chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.
Không chỉ sông Rhine, những con sông giữ vai trò then chốt đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu như sông Dương Tử ở Trung Quốc, sông Danube ở châu Âu và sông Colorado ở Mỹ đều đang có mực nước giảm mạnh. Tình trạng này gây cản trở hoạt động vận tải hàng hóa, tưới tiêu, phát điện, sản xuất tại các nhà máy…
Một chiếc sà lan đang di chuyển trên sông Rhine ở Bacharach, Đức hôm 15/8 trong điều kiện lòng sông cạn nước.
Cùng với đó, cái nóng thiêu đốt đang gây sức ép lên mạng lưới vận tải, nguồn cung điện và năng suất lao động của công nhân.
“Chúng ta không nên ngạc nhiên về những đợt sóng nhiệt này”, ông Bob Ward - Giám đốc phụ trách vấn đề chính sách và truyền thông thuộc Viện nghiên cứu Biến đổi khí hậu và môi trường, Trường Kinh tế London - nhận định. “Đó chính là những gì chúng tôi đã dự báo và là một phần trong xu hướng biến đổi khí hậu đang ngày càng trở nên thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn trên khắp thế giới”.
NHỮNG MỨC NHIỆT ĐỘ “KHỦNG” ĐE DỌA NỀN KINH TẾ
Trung Quốc đang hứng chịu đợt sóng nhiệt nghiêm trọng nhất trong 6 thập kỷ, với nhiệt độ đã vượt ngưỡng 40 độ C ở hàng chục thành phố. Nhiều phần của bang California có thể chứng kiến nhiệt độ vượt mốc 41 độ C trong tuần này. Trước đó trong mùa hè này, nhiệt độ ở Anh đã lần đầu tiên trong lịch sử vượt 40 độ C.
Nền kinh tế toàn cầu vốn dĩ đã chịu nhiều sức ép. Kinh tế châu Âu đang đối mặt với nguy cơ rơi vào suy thoái khi giá năng lượng tăng vọt trong bối cảnh chiến tranh Nga-Ukraine. Tại Mỹ, lạm phát cao và việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng mạnh lãi suất để chống lạm phát đang đặt ra thách thức lớn đối với tăng trưởng. Trung Quốc đang chật vật xoay sở với hệ lụy của chính sách chống dịch hà khắc Zero Covid và cuộc khủng hoảng trong ngành bất động sản.
“Hiện tại, chúng ta đang ở vào thời điểm khó khăn nhất của tiến trình bình ổn kinh tế”, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường phát biểu vào tuần trước.
Thời tiết cực đoan có thể làm trầm trọng thêm những nút thắt sẵn có trong chuỗi cung ứng - một lý do chính khiến cho lạm phát khó được không chế - chuyên gia May của Oxford Economics nhấn mạnh.
Tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc, nơi nhiều nhà máy phải ngừng sản xuất trong tuần trước, là một trung tâm sản xuất con chip và tấm pin năng lượng mặt trời. Việc cắt điện luân phiên sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nhà máy của những công ty điện tử thuộc hàng lớn nhất thế giới, như Foxxcon và Intel. Tứ Xuyên cũng là trung tâm của ngành khai mỏ lithium của Trung Quốc. Việc gián đoạn sản xuất do thiếu điện có thể đẩy giá lithium lên cao, trong khi nguyên liệu này là một thành phần chủ chốt đẻ sản xuất pin xe điện.
Bãi cỏ cháy khô vì nắng nóng trong công viên Greenwich, Anh.
Thành phố Trùng Khánh, nơi hai dòng sông Dương Tử và Gia lăng chảy qua, cũng đã yêu cầu các nhà máy dừng hoạt động trong vòng 1 tuần đến ngày thứ Tư tuần này để tiết kiệm điện.
Các dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm nay vì thế đã bị cắt giảm mạnh. Các nhà phân tích thuộc ngân hàng Nomura dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) Trung Quốc năm nay chỉ đạt 2,8%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng 5,5% mà Bắc Kinh đề ra. Dự báo của ngân hàng Goldman Sachs về tăng trưởng kinh tế nước này năm 2022 cũng hạ về 3%.
MỰC NƯỚC XUỐNG THẤP GÂY KHÓ TRĂM BỀ
Trong khi đó, mực nước của sông Rhine ở Đức đã giảm dưới một ngưỡng quan trọng, khiến tàu bè không thể tiếp tục di chuyển như bình thường. Dòng sông này là tuyến vận tải huyết mạch của các mặt hàng hóa chất, ngũ cốc và nhiều hàng hóa cơ bản khác như than - nhiên liệu mà Đức đang tiêu thụ nhiều hơn vì nước này muốn tiết kiệm khí đốt để dự trữ cho mùa đông đang đến gần. Việc tìm kiếm các phương thức vận tải thay thế là khó khăn vì tình trạng khan hiếm lao động hiện nay.
“Việc các nhà máy hóa chất hoặc thép phải đóng cửa chỉ còn là vấn đề thời gian, vì các loại khoáng sản hay nguyên vật liệu không thể được đưa tới nơi khi việc vận chuyển khối lượng lớn không còn có thể thực hiện”, Phó giám đốc Holger Losch của Liên đoàn Công nghiệp Đức nói trong một tuyên bố vào tuần trước.
Mực nước thấp trên sông Rhine đã khiến tăng trưởng kinh tế Đức giảm đi 0,3 điểm phần trăm vào năm 2018 - theo trưởng bộ phậm nghiên cứu vĩ mô của ngân hàng ING, ông Carsten Brzeski. Nhưng vào năm đó, mực nước thấp phải đến tháng 9 mới thành chuyện lớn. Lần này, sự giảm sút của mực nước sông Rhine có thể khiến Đức mất ít nhất 0,5 điểm phần trăm trong tăng trưởng GDP của nửa sau năm 2022 - ông Brzeski ước tính.
Niềm tin kinh tế ở Đức tiếp tục giảm sút trong tháng 8 - theo dữ liệu công bố vào tuần trước, Ông Brzeski nói rằng Đức “sẽ cần một phép màu kinh tế” để tránh rơi vào một cuộc suy thoái trong những tháng sắp tới.
Ở miền Tây nước Mỹ, tình trạng khô hạn bất thường đang khiến các hồ dự trữ lớn nhất của nước này cạn dần, buộc Chính phủ liên bang phải áp lệnh cắt giảm nước bắt buộc. Nhiều nông dân trong vùng cũng buộc phải từ bỏ vụ canh tác vì không có nước tưới. Gần 3/4 nông dân Mỹ nói rằng hạn hán năm nay khiến sản lượng của họ bị ảnh hưởng, dẫn tới thu nhập sụt giảm nghiêm trọng - theo một cuộc khảo sát của Liên đoàn Cục nông trại Mỹ, một tổ chức vận động hành lang của ngành nông nghiệp.
Mực nước giảm xuống thấp để lại ngấn nước trên vách đá ở đập Hoover/hồ Mead trên sông Colorado ở Mỹ.
Cuộc khảo sát đã được tiến hành tại 15 bang trong thời gian từ ngày 8-20/7, tại những vùng bị hạn hán đặc biệt nghiêm trọng từ Texas tới North Dakota và California. Đây là những bang chiếm gần một nửa giá trị sản xuất nông nghiệp của Mỹ. Ở California, tiểu bang với nhiều trang trại cây ăn quả, 50% nông dân cho biết phải đốn bỏ cây trồng vì hạn hán, và việc này sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu của họ trong tương lai.
Nếu các quốc gia không đầu tư để nâng cấp cơ sở hạ tầng, tổn thất kinh tế từ biến đổi khí hậu đối sẽ ngày càng lớn – chuyên gia Ward của Trường Kinh tế London nhấn mạnh. “Đã có những dấu hiệu cho thấy tình trạng nắng nóng và hạn hán này sẽ trở nên nghiêm trọng và thường xuyên hơn theo thời gian. Việc này sẽ không diễn ra từ từ, nên sẽ khiến cho việc thích nghi trở nên khó hơn”, ông Ward nói.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/thoi-tiet-sieu-nong-dang-de-doa-ba-nen-kinh-te-lon-nhat-the-gioi-a167507.html