Lao đao vì đường Thái và kỳ vọng thuế CBPG
Ngành sản xuất đường trong nước liên tục gặp khó sau khi gia nhập Hiệp định Thương mại hàng hóa Asean (Atiga) từ 1-1-2020. Sau khi thực thi cam kết Atiga, Việt Nam đã xóa bỏ hàng rào hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường từ Asean. Đây có thể xem là bất lợi, bởi ngành đường Việt Nam vì thiếu sức cạnh tranh với đường các nước, đặc biệt là từ Thái Lan.
Niên vụ 2020-2021 là niên vụ có sản lượng mía sản xuất ra thấp nhất trong 20 năm qua, với diện tích trồng mía sụt giảm một nửa. Theo thống kê từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), trong số 41 nhà máy đường trên cả nước thì đến nay chỉ còn 26 nhà máy đang hoạt động.
Đáng nói là trong niên độ này, ở một số địa phương người dân bỏ mía không chăm sóc, dẫn đến năng suất và chất lượng mía giảm.
Nguyên nhân ngoài yếu tố thời tiết, giá đường các vụ trước đó xuống thấp bởi cạnh tranh quyết liệt của đường giá rẻ từ Thái Lan và đường nhập lậu, dù Bộ Công Thương đã ban hành quyết định CBPG với đường Thái Lan. Và khi thiếu mía nguyên liệu dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà đường, làm phá vỡ mối liên kết giữa các nhà máy đường và nông dân trồng mía, gây bất ổn cho sự phát triển của ngành mía.
Thực tế, ngành đường Việt Nam đã chịu áp lực cạnh tranh từ Thái Lan trước khi Atiga có hiệu lực. Cụ thể, từ 2018 đến nay ngành đường nội địa đã bị thiệt hại rất lớn bởi sức ép từ đường Thái Lan bán phá giá, nhập lậu và gian lận thương mại.
Tháng 2-2021, sau 5 tháng điều tra thì Bộ Công Thương đã đánh giá thiệt hại của ngành đường trong nước và áp mức CBPG tạm thời 48,88% đối với đường từ Thái Lan. Đến tháng 6-2021, Bộ Công Thương chính thức áp CBPG 42,99% và Thuế chống trợ cấp (CTC) là 4,65%. Tổng cộng 2 loại thuế này là 47,64%, có hiệu lực ngay sau đó, thời hạn áp dụng là 5 năm.
Thế nhưng, sau khi áp thuế trên thì đường Thái Lan lẩn tránh thuế bằng cách chuyển đường có nguồn gốc từ Thái Lan sang các nước Asean như Lào, Campuchia, Indonesia, Malaysia và Myanmar vào Việt Nam.
Tháng 9-2021, Bộ Công Thương có quyết định điều tra về việc lẩn tránh này và có kết luận, đường nhập khẩu từ các nước Asean né thuế gây thiệt hại rõ ràng đối với ngành đường nội địa. Đây là quyết định được các DN đường nội địa hết sức quan tâm và kỳ vọng Bộ Công Thương nhanh chóng công bố kết quả, cũng như mức thuế CBPG đối với đường nhập khẩu từ các nước Asean trong danh sách kể trên.
Theo lãnh đạo một DN đường, việc áp thuế sẽ tạo công bằng cho các DN trong nước với đường né thuế và đường nhập lậu. Về ngắn hạn sẽ giúp các DN đường tiêu thụ được sản phẩm và có lợi nhuận. Về dài hạn sẽ giúp phục hồi vùng nguyên liệu mía của Việt Nam đang bị giảm sút nghiêm trọng. Do vậy diễn biến giá đường trong nước phụ thuộc rất lớn vào chính sách phòng vệ thương mại của Chính phủ nhằm hỗ trợ ngành đường.
Nguyên nhân là do nguồn cung dồi dào từ nhập khẩu chính ngạch và nhập lậu tràn vào khiến cho DN giảm bán dưới giá thành vẫn khó bán. Giá đường hiện đã giảm 8-10% so với mức đỉnh vào quý III-2021 và giảm 3% so với quý II vừa qua xuống còn khoảng 17.250-17.700 đồng/kg (giá tại nhà máy).
DN nào hưởng lợi?
Ngoài tác động của thị trường chung, những khó khăn kể trên cũng là nguyên nhân khiến cho nhóm CP giảm mạnh trong thời gian vừa qua. Theo thống kê, 3 mã cổ phiếu (CP) đường tiêu biểu trên thị trường chứng khoán hiện nay là SBT (CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa), QNS (CTCP Đường Quảng Ngãi) và LSS (CTCP Mía đường Lam Sơn) ghi nhận đợt sụt giảm từ 20-50%.
Chính vì vậy, không chỉ có DN đường, các nhà đầu tư đang nắm giữ CP đường cũng đang đếm từng ngày quyết định áp thuế bảo hộ ngành đường nội địa của Bộ Công Thương. Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) đã có dự thảo kết luận vụ việc điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía và đang trình lên Bộ Chính trị xem xét, chờ quyết định trong thời gian tới.
Trong khi chờ đợi, nhiều DN hiện có tâm lý “găm hàng” chờ CBPG. Thế nhưng, sản lượng tồn kho đường hiện nay còn khoảng 370.000 tấn, chỉ đủ đáp ứng cho nhu cầu tiêu thụ khoảng 2 tháng. Hiện tượng hàng tồn kho xuống thấp dù có hiện tượng “găm hàng” phần nào cho thấy không phải DN nào cũng được hưởng lợi nhờ thuế bảo hộ ngành đường.
Theo dự báo, sản xuất chưa thể phục hồi trong niên độ tới 2022-2023 do diện tích vùng nguyên liệu ngày càng giảm nghiêm trọng.
Thực tế cho thấy, việc áp dụng CBPG chỉ giúp các DN có tỷ lệ tự chủ vùng nguyên liệu cao được hưởng lợi. Như SBT là DN đầu ngành mía đường, chiếm 46% thị phần cả nước. Theo thống kê từ VSSA, số lượng nhà máy hoạt động hiện tại của toàn ngành hiện còn 26/41 nhà máy, nhưng SBT đóng góp tới 9 nhà máy với tổng công suất đạt 4.180 tấn đường/ngày. SBT cũng tăng cường mở rộng vùng nguyên liệu mía để tiếp tục giữ vững vị thế đầu ngành mía đường Việt Nam.
DN này hiện đang sở hữu 66.000ha vùng nguyên liệu tại 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia, mục tiêu đến 2025 sẽ mở rộng vùng nguyên liệu tại Australia lên đến 20.000ha. Australia là quốc gia có năng suất mía đường cao nhất thế giới.
Ngược lại, 2 mã CP là QNS và LSS không được kỳ vọng nhiều khi CBPG được áp dụng. Cụ thể, QNS là mã CP đường niêm yết có giá cao nhất ngành và hiện giao dịch trên mốc 40.000 đồng/CP. Tuy nhiên, mặt hàng kinh doanh chính của DN này lại là sữa đậu nành khi chiếm 20% doanh thu và 15% lợi nhuận.
Do vậy, kết quả kinh doanh của QNS chủ yếu bị tác động bởi mảng sữa đậu nành. Trong khi đó, LSS có quy mô sản xuất nhỏ nên không không chịu nhiều tác động từ những khó khăn nêu trên.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/co-phieu-duong-nao-huong-loi-nho-thue-cbpg-a167602.html