Động đất tại Kon Tum: Chiều 23/8 ghi nhận 7 trận, có trận mạnh nhất từ trước đến nay

Trong ngày 23/8, tại huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) ghi nhận 7 trận động đất. Trong đó, trận động đất xảy ra vào lúc 14h08 phút có độ lớn 4,7 độ Richter được xem là mạnh nhất từ trước đến nay tại địa phương.

Động đất tại Kon Tum: Chiều 23/8 ghi nhận 7 trận

Ngày 23/8, theo thông tin từ Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu, trong ngày, tại huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) ghi nhận 7 trận động đất.

Cụ thể, trận động đất đầu tiên xảy ra vào khoảng 14h8 phút có độ lớn 4,7 độ Richter tại vị trí có tọa độ 14.768 độ vĩ bắc, 108.209 độ kinh đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,2 km. Đây được xem là trận động đất mạnh nhất xảy ra từ trước đến nay tại huyện Kon Plông.

Khoảng 4 phút sau, vào khoảng 14h11 phút, 1 trận động đất có độ lớn 3,6 độ Richter xảy ra tại vị trí có tọa độ 14.796 độ vĩ bắc, 108.252 độ kinh đông.

Trận động đất thứ 3 vào khoảng 15h02 phút có độ lớn 3,7 độ Richter xảy ra tại vị trí có tọa độ 14.801 độ vĩ bắc, 108.238 độ kinh đông. 

z366613359392218687d60c1e9ca8376320b8e5b368a08-1661256738364818023236-1661257005630320656073-1661293928.jpeg
Hơn 1 năm qua, huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) ghi nhận hơn 200 trận động đất. Ảnh: H.L

Trận động đất thứ 4 vào lúc 15h27 phút có độ lớn 2,5 độ Richter xảy ra tại vị trí có tọa độ 14.808 độ vĩ bắc, 108.235 độ kinh đông. 

Đến 16h15 phút, trận động đất thứ 5 có độ lớn 3,0 độ Richter xảy ra tại vị trí có tọa độ 14.785 độ vĩ bắc, 108.209 độ kinh đông. 

Trận động đất thứ 6 có độ lớn 2,7 độ Richter xảy ra vào lúc 17h31 phút tại vị trí có tọa độ 4.734 độ vĩ Bắc, 108.261 độ kinh Đông.

Đến 18h4 phút xảy ra trận động đất thứ 7 có độ lớn 2,9 độ Richter tại vị trí có tọa độ 14.728 độ vĩ Bắc, 108.253 độ kinh Đông.

Cả 6 trận động đất sau này đều có độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.

Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi các trận động đất này.

Được biết, dư chấn của các trận động đất này đã lan sang các tỉnh thành khu vực miền Trung như Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế. Hầu hết người dân đều cảm nhận rõ sự rung lắc.

Theo báo cáo về thiệt hại do động đất của UBND huyện Kon Plông, tính đến 16h chiều, có 1 hộ dân ở thôn Đăk Chờ (xã Đăk Ring) bị rơi ngói tại phần mái phụ phía sau nhà. Hiện chưa có thiệt hại nào về người và tài sản do động đất gây ra. Tuy nhiên, các trận động đất đã gây tâm lý lo lắng, bất an trong người dân.

Trước tình hình trên, UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã bằng các hình thức phù hợp tuyên truyền và cung cấp thông tin về động đất, các biện pháp cần thiết để người dân biết, chủ động ứng phó và tránh tâm lý hoang mang, yên tâm sản xuất, sinh sống.

Như Dân Việt đã đưa tin, chỉ hơn một năm qua, huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) đã ghi nhận hơn 200 trận động đất, gấp gần 6 lần số trận động đất xảy ra ở đây trong hơn một thế kỷ trước đó.

Theo Viện Vật lý địa cầu, qua nhận định bước đầu, động đất khu vực huyện Kon Plông là động đất kích thích gây ra do hồ chứa.

Tuy nhiên, để khẳng định nguyên nhân phát sinh động đất và có cơ sở để dự báo xu thế hoạt động động đất và cường độ của động đất trong tương lai cần có những khảo sát, quan trắc và nghiên cứu chi tiết về địa chất kiến tạo và chế độ địa chấn trong khu vực Kon Tum và lân cận.

Sau đó, UBND tỉnh Kon Tum đã có văn bản đề nghị các chủ đầu tư thủy điện xây dựng ở huyện Kon Plông triển khai lắp đặt 5 trạm quan sát động đất để ghi nhận nhanh, chính xác, đầy đủ các trận động đất xảy ra nhằm vận hành an toàn công trình thủy điện.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/dong-dat-tai-kon-tum-chieu-238-ghi-nhan-7-tran-co-tran-manh-nhat-tu-truoc-den-nay-a167840.html