Cuối năm 2021, Cơ quan CSĐT khởi tố một loạt bị can tại huyện Đắk R’lấp. Tất cả các bị can này đều là cán bộ đương chức. Họ bị khởi tố vì “vi phạm các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất”.
Những người bị khởi tố đều liên quan đến lĩnh vực nhạy cảm là đất đai. Cụ thể là cán bộ địa chính, Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách lĩnh vực đất đai, lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn của UBND huyện Đắk R’lấp có liên quan đến việc bồi thường.
Đáng chú ý, Cơ quan CSĐT đã khởi tố Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đắk R’lấp Lê Mai Toản. Vị này trước đó giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND, Chủ tịch Hội đồng bồi thường, giải phóng mặt bằng huyện Đắk R’lấp.
Cũng trong năm 2021, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Song Lê Viết Sinh đã bị khởi tố để điều tra, làm rõ hành vi “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo cơ quan chức năng, trong thời gian làm Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Song (2014-2019), ông Sinh đã ký nhiều quyết định cấp sổ đỏ không đúng quy định và nhiều quyết định giao đất, giao rừng sai đối tượng. Hành vi của ông Sinh là buông lỏng quản lý đất đai, quản lý bảo vệ rừng…
Trước đó, vào năm 2020, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức Nguyễn Hữu Huân cũng bị khởi tố để điều tra về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ”. Theo điều tra, trong quá trình công tác, ông Huân đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để cấp, hợp thức hóa 2 thửa đất hơn 7,7 ha cho gia đình mình.
Mới đây nhất, cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông đang kiến nghị khởi tố ông Phạm Đăng Quang, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong vì có dấu hiệu vi phạm các quy định về quản lý đất đai và “lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ”. Bước đầu, cơ quan xác định ông Quang đã để xảy ra sai phạm nghiêm trọng khi cấp hàng chục sổ đỏ trên đất quy hoạch 3 loại rừng. Ông Quang còn có dấu hiệu “tiếp tay” biến hóa đất rừng thành đất xây dựng cây xăng cho vợ.
Tất cả các vụ việc trên đều bắt nguồn từ đất đai. Và người bị “gọi tên” là các vị nguyên Phó Chủ tịch UBND cấp huyện, trực tiếp phụ trách lĩnh vực đất đai. Điều này cho thấy, sức cám dỗ quá lớn từ đất đai, 1 lĩnh vực đặc biệt nhạy cảm, đặc biệt là ở các tỉnh Tây Nguyên.
Những người vi phạm đều là cán bộ, đảng viên, được bổ nhiệm để giữ những chức vụ quan trọng trong chính quyền. Tuy nhiên, trong quá trình công tác, họ đã thiếu tu dưỡng, rèn luyện. Dần dà, những cán bộ này sa vào chủ nghĩa cá nhân, thậm chí suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống và để xảy ra sai phạm.
Việc phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các sai phạm đã cho thấy quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Từ Trung ương đến địa phương đã, đang thực hiện nghiêm quan điểm “Nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, và không chịu sự tác động, sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào” của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Điều này đã và đang góp phần giữ sức mạnh vững vàng và uy tín của Đảng, củng cố niềm tin của Nhân dân.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/nhieu-dang-vien-bi-goi-ten-vi-sai-pham-ve-dat-dai-a167877.html