Tổng thư ký NATO thừa nhận châu Âu sẽ phải trá giá vì hỗ trợ Ukraine
Trả lời phỏng vấn với kênh truyền hình Đức - ZDF hôm 23/8, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng, cần tiếp tục cung cấp hỗ trợ cho Ukraine, song thừa nhận rằng điều đó sẽ rất khó khăn và châu Âu sẽ phải gánh hậu quả từ nỗ lực hỗ trợ cho Kiev.
"Những gì chúng ta đang thấy là sự ủng hộ chưa từng có từ các đồng minh của NATO tại châu Âu như Đức, Canada, Mỹ cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới. Tôi đã tham gia diễn đàn Crimea do Tổng thống Ukraine Zelensky tổ chức và thông điệp được lãnh đạo tham dự sự kiện nhấn mạnh rất rõ ràng: Chúng tôi đứng sau Ukraine và sẽ hỗ trợ Kiev miễn là cần thiết. Đây là thông điệp từ các đồng minh NATO", ông Stoltenberg nói.
Tuy nhiên, Tổng thư ký NATO cho biết, việc cung cấp hỗ trợ quân sự cho Kiev không hề dễ dàng. "Tôi không nói là dễ", ông Stoltenberg nói, chỉ ra sự đóng góp đáng kể của Đức trong nỗ lực viện trợ cho Ukraine và hy vọng Chính phủ Đức sẽ làm được nhiều hơn thời gian tới.
Ông Stoltenberg cũng cảnh báo, mùa Đông tới sẽ rất khó khăn. "Chúng tôi sẽ phải nhận hậu quả từ sự ủng hộ đối với Ukraine do ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt, cũng như việc Nga sử dụng năng lượng làm vũ khí. Nhưng cần phải hiểu rằng, không ai thay chúng tôi hỗ trợ Ukraine được", ông Stoltenberg nhấn mạnh.
Tổng thư ký NATO nói rằng "điều tốt nhất chúng tôi có thể làm là cung cấp hỗ trợ quân sự, tài chính, nhân đạo và kinh tế cho Ukraine". Theo ông Stoltenberg, có thể mất nhiều năm để hỗ trợ Ukraine và thừa nhận những ảnh hưởng là rất lớn, "không chỉ trong lĩnh vực quân sự, mà còn cho các ngành công nghiệp. Chúng ta cần phải tăng sản lượng". Đồng thời ông cảnh báo: "NATO có hai vai trò, một là phải hỗ trợ Ukraine - đối tác thân thiết. Nhiệm vụ còn lại là đảm bảo không có thêm sự leo thang căng thẳng".
Nga: Cơ hội gia nhập NATO của Ukraine gần như bằng 0
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev hôm 23/8 cho rằng, cơ hội gia nhập NATO của Ukraine gần như bằng 0 do chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga.
Trong thông báo trên Telegram, ông Dmitry Medvedev cho biết: “Mọi người điều thấy rằng không có một quốc gia láng giềng nào có thể cung cấp cho Ukraine sự đảm bảo, dù họ luôn có thành kiến với Nga. Hiện giờ, không ai đồng ý để Ukraine gia nhập NATO. Mặc dù trong liên minh này, có nhiều nước mang tư tưởng bài Nga nhưng họ sẽ không tự sát. Đây là kết quả trực tiếp của chiến dịch quân sự đặc biệt”.
Ông Dmitry Medvedev khẳng định, chỉ có thỏa thuận với Nga mới có thể cung cấp sự đảm bảo an ninh cho Ukraine, nhưng Chính phủ Kiev được khích lệ bằng tên lửa và tiền bạc của phương Tây, lại từ chối thỏa thuận này. Kết quả là triển vọng đảm bảo an ninh đối với họ rất “ảm đạm”. Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga nói: “Chính phủ Kiev hiểu rằng đối với họ, không có bất cứ sự đảm bảo nào về an ninh và cũng không có bất cứ điều gì khác. Thậm chí, Mỹ cũng không đưa ra bất cứ cam kết nào đảm bảo một tương lai tươi sáng cho Tổng thống Zelensky. Mọi thứ đều vô nghĩa”.
Tổng thống Zelensky: Chúng tôi đủ mạnh để biến ý tưởng “Crimea của Ukraine” thành sự thật
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 23/8 tuyên bố rằng, Ukraine sẽ giành lại Crimea bằng vũ lực nếu cần thiết và không tham vấn bất kỳ quốc gia nào, kể cả các nước phương Tây.
Theo đó, phát biểu tại sự kiện gọi là “Diễn đàn Crimea”, một hội nghị do Chính phủ Ukraine tổ chức quy tụ 60 quốc gia và tổ chức quốc tế ủng hộ tuyên bố chủ quyền của Kiev đối với bán đảo Crimea, Tổng thống Zelensky khẳng định Ukraine "đủ mạnh" để biến ý tưởng "Crimea của Ukraine" thành hiện thực. "Ukraine sẽ giành lại Crimea bằng mọi phương tiện, chúng tôi cho là phù hợp mà không cần tham vấn các quốc gia khác. Tôi biết, Crimea đang chờ chúng tôi trở lại. Chúng ta cần giành chiến thắng trước hành vi gây hấn của Nga. Vì thế, chúng ta cần giải phóng Crimea”, ông Zelensky cho hay.
Gần đây, một số vụ nổ nhằm vào các địa điểm quân sự đã xảy ra trên Bán đảo Crimea. Nga đã gọi những sự việc này là các hành vi "phá hoại", trong khi Kiev không xác nhận hay phủ nhận trách nhiệm trong những cuộc tấn công trên.
Trong bối cảnh lực lượng của hai bên đang ghìm chân nhau ở Donbass, Ukraine đã dựa vào máy bay không người lái (UAV) để thực hiện các cuộc tấn công đơn lẻ vào Crimea. Theo ông Oleg Kryuchkov, một quan chức tại Crimea, mục đích của các cuộc tấn công này "không phải là quân sự, mà là tâm lý" vì máy bay không người lái chỉ mang được khối lượng nhỏ thuốc nổ nên chúng không thể gây ra thiệt hại lớn.
Được coi là vùng đất thuộc Nga từ thời đế quốc, Crimea trở thành một nước cộng hòa tự trị bên trong Liên bang Xô-viết cho đến khi nó được nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Kruschev trao quy chế thành Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô-viết Ukraine vào năm 1954. Bán đảo này vẫn thuộc Ukraine sau khi Liên Xô tan rã, cho đến khi người dân Crimea bỏ phiếu ủng hộ việc sáp nhập vào Nga hồi năm 2014.
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ đứng đầu coi Crimea là vùng lãnh thổ Ukraine đang bị “sáp nhập trái phép”, đồng thời yêu cầu Moscow trao trả khu vực này cho Kiev. Tuần trước, một quan chức Mỹ nói với tờ Politico rằng, Washington ủng hộ Ukraine tấn công các mục tiêu có lựa chọn ở Crimea.
Nga nêu lý do tiến quân chậm tại Ukraine
Bộ trưởng Quốc phòng Nga nói rằng, Moscow cố ý giảm tốc độ tiến quân ở Ukraine nhằm hạn chế tối đa thương vong dân thường. "Quân đội Nga làm mọi cách để tránh gây thương vong dân thường, điều này tất nhiên sẽ làm giảm đà tiến công, nhưng chúng tôi vẫn quyết định làm vậy", Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nói trong cuộc họp với những người đồng cấp thuộc Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) hôm 24/8, đề cập đến tốc độ tiến quân chậm chạp của Nga ở Ukraine gần đây.
Ông Shoigu cho rằng, Nga "luôn thực thi quy định nhân đạo" trong chiến dịch quân sự tại Ukraine và các đòn đánh "đều sử dụng vũ khí chính xác cao", nhằm vào cơ sở hạ tầng quân sự của Ukraine.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga cáo buộc Ukraine sử dụng "chiến thuật tiêu thổ", tự phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng nhằm tạo ra trở ngại ngáng đường đối phương, cũng như triển khai lực lượng tại những khu vực đông dân cư.
Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ngày 24/2 nhằm "phi quân sự và phi phát-xít hóa Ukraine". Sau 6 tháng chiến sự, Nga gần như không còn duy trì đà tiến công trên chiến trường, mà chủ yếu củng cố phòng thủ tại các vùng lãnh thổ đã chiếm được ở miền Đông và miền Nam Ukraine. Trong khi đó, quân đội Ukraine tăng cường tập kích bằng các vũ khí do phương Tây viện trợ, nhằm chuẩn bị cho chiến dịch phản công ở miền Nam.
Giới chuyên gia phương Tây đánh giá chiến sự đã chuyển sang giai đoạn tiêu hao ở vùng miền đông Donbass và tỉnh Kherson, nơi hai bên đều đang trong tình thế giằng co và không đạt được lợi thế đáng kể.
Mỹ viện trợ quân sự thêm 3 tỷ USD cho Ukraine
Mỹ đã công bố một gói hỗ trợ an ninh mới cho Ukraine trị giá khoảng 3 tỷ USD vào hôm 24/8 - trùng thời điểm Ukraine kỷ niệm Ngày Độc lập. Đây sẽ là đợt viện trợ lớn nhất mà Ukraine nhận được kể từ khi xung đột với Nga cách đây đúng tròn 6 tháng.
Đợt viện trợ lần này của Mỹ sử dụng kinh phí quỹ từ Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI) - cho phép chính quyền Tổng thống Joe Biden mua vũ khí từ tập đoàn công nghiệp thay vì lấy vũ khí từ các kho vũ khí hiện có của Mỹ.
Quan chức Mỹ nói rằng, những vũ khí trong gói viện trợ ba tỷ USD sẽ tương đồng với các khí tài từng được chuyển giao cho Ukraine và cho biết thêm rằng khoản hỗ trợ lần này sẽ tập trung vào đạn dược và những hệ thống phòng thủ. Những lô vũ khí có thể mất nhiều tháng để tới châu Âu, do phải chờ các tập đoàn quốc phòng Mỹ chế tạo và bàn giao.
Mỹ trước đó cung cấp khoảng 10,6 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine kể từ khi chiến sự bùng phát ngày 24/2.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/sau-thang-xung-dot-nga-ukraine-hai-ben-nin-tho-cho-thoi-co-a168190.html