Cảnh giác “sập bẫy” lừa đảo trong thương mại quốc tế

Cho đến nay, vụ việc lừa đảo 76 container hạt điều đã tạm thời được giải quyết, các doanh nghiệp (DN) đã lấy lại được toàn bộ hàng, nhưng đây là bài học đắt giá đòi hỏi DN xuất khẩu phải cảnh giác về nguy cơ lừa đảo trong giao dịch thương mại quốc tế.

doanh-nghiep-xuat-khau-cua-viet-nam-khong-it-lan-gap-phai-rui-ro-thiet-hai-tai-san-khi-giao-dich-thuong-mai-quoc-te-1661397031.jpg

Doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam không ít lần gặp phải rủi ro, thiệt hại tài sản khi giao dịch thương mại quốc tế.

Buông lỏng khâu kiểm tra thông tin đối tác

Thông tin về vụ việc nói trên tại Hội thảo Phòng ngừa tranh chấp, lừa đảo trong thương mại quốc tế diễn ra ngày 23/8 tại Hà Nội, ông Bạch Khánh Nhật - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN điều Việt Nam cho biết, vào tháng 3/2022, DN phản ánh, 76 container hạt điều của 5 DN đã ký hợp đồng gặp “tai nạn”, bị lừa xuất khẩu sang Italia. Từ nguy cơ mất trắng, với sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan chức năng trong và ngoài nước và cơ quan công quyền của Italia, đến nay, số container hạt điều này đã được lấy lại toàn bộ.

Nguyên nhân xảy ra vụ lừa đảo nêu trên, theo ông Nhật, chủ yếu là do DN quá tin tưởng vào đối tác môi giới, vì những DN môi giới đã hoạt động tại Việt Nam 15 năm và từng hợp tác với 5 DN. DN cũng không kiểm tra thông tin đối tác mua hàng, trong khi thị trường Italia lâu nay vốn rất ít mua mặt hàng này từ Việt Nam; địa chỉ ghi trên chứng từ đều là địa chỉ giả, là nhà của dân thường, hoặc nhà bỏ hoang, ở thị trấn vùng biên.

Tội phạm đã đánh trúng vào tâm lý của DN là mong muốn bán được hàng trong thời gian dịch bệnh, thị trường ít giao dịch. Thực tế, khi nhận được đơn hàng lớn trong những ngày Tết Nguyên đán (mồng 2 Tết), DN đã huy động tổng lực đóng hàng gửi đi ngay. Trong quá trình giao dịch, DN không cảnh giác nên vô tình để lộ, lọt mã code vận đơn khi đối tác môi giới yêu cầu DN cung cấp với lý do để giao hàng đi trước thời hạn…

Ngoài 5 DN bị lừa nêu trên, ông Nguyễn Đức Thanh - Tham tán Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Italia cho biết, còn có 2 DN khác cũng nhận được đơn hàng hạt điều tương tự nhưng chưa ký hợp đồng.

Nhiều chuyên gia và DN cho biết, đây không phải là lần đầu tiên DN xuất khẩu của Việt Nam gặp phải những rủi ro, thiệt hại tài sản khi giao dịch thương mại quốc tế.

Theo ông Nguyễn Đức Thanh, 2 năm trước, một DN Việt Nam suýt mất 2 container hạt điều. Tình trạng lừa đảo, tội phạm của các băng nhóm mafia quốc tế đã được cảnh báo từ rất sớm.

Hay như bài học 37 container hạt tiêu của Công ty CP Phúc Sinh - một DN xuất khẩu nông sản cách đây 15 năm. Ông Nguyễn Huy Hùng - Giám đốc kinh doanh của Công ty CP Phúc Sinh chia sẻ, khi kiểm tra thông tin về phương thức thanh toán của đối tác, DN phát hiện đối tác không có tài khoản tại ngân hàng nên đã kịp thời giữ lại lô hàng.

Về thực trạng tranh chấp, lừa đảo trong thương mại quốc tế, ông Nguyễn Minh Đức, chuyên gia Phòng Pháp chế thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, theo Hiệp hội Chuyên gia chống lừa đảo toàn cầu, các DN toàn cầu thiệt hại khoảng 5% doanh thu mỗi năm vì lừa đảo. Giá trị trung bình một vụ lừa đảo là 1,7 triệu USD.

Theo một khảo sát của PwC năm 2022 tại Việt Nam, 52% DN tham gia khảo sát cho biết đã trải nghiệm lừa đảo hoặc tội phạm kinh tế khác trong 2 năm trước thời điểm khảo sát. Đây là mức cao hơn khu vực châu Á - Thái Bình Dương (46%).

Một trong những nguyên nhân khiến DN rơi vào tình huống tranh chấp, lừa đảo được nhiều chuyên gia chỉ ra là do DN không kiểm tra thông tin đối tác môi giới, thị trường, ngân hàng, phương thức thanh toán. Mặt khác, đa số DN vẫn giấu giếm thông tin, không trao đổi, chia sẻ với đồng nghiệp, hiệp hội ngành hàng, cơ quan quản lý nhà nước… vì tâm lý sợ lộ thông tin, sợ mất đơn hàng. Ví dụ như vụ 76 container hạt điều, ông Nhật chia sẻ, cả 5 DN đều làm ăn độc lập, chỉ đến khi xảy ra sự vụ, kêu cứu hiệp hội ngành hàng thì thông tin mới được biết đến.

Tăng cường thông tin, kỹ năng cho doanh nghiệp

Theo các chuyên gia, để tránh “sập bẫy” lừa đảo, tranh chấp trong giao dịch thương mại quốc tế, DN trong cuộc không được quá say sưa với chiến thắng trong việc giành được đơn hàng, mà trước tiên phải nghiên cứu phong tục, tập quán của nước sở tại; kiểm tra tất cả các thông tin, phân tích các dấu hiệu bất thường, đáng ngờ về đối tác, phương thức thanh toán… Đơn cử như trong vụ việc lừa đảo 76 container hạt điều, hàng chuyển đi Italia nhưng lại giao dịch nhờ thu tại Thổ Nhĩ Kỳ, sự xuất hiện quá nhiều bên khác nhau, đường đi của hàng hóa lòng vòng… Một trong những nguyên tắc cơ bản được nhiều chuyên gia nhấn mạnh là DN phải bảo mật thông tin vận đơn.

Trước hàng trăm quy định pháp luật liên quan đến thương mại quốc tế, DN không thể nắm bắt được tất cả, cho nên cần liên hệ với các hiệp hội ngành hàng, cơ quan quản lý nhà nước trong và ngoài nước, hay qua mua thông tin từ ngân hàng, chuyên gia, luật sư trong lĩnh vực xuất nhập khẩu…

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, nhiều ý kiến cho rằng, cần tăng cường thông tin dự báo, thường xuyên cập nhật, tập huấn về các phương thức lừa đảo cho DN, ngành hàng, quy trình xử lý kịp thời khi xảy ra sự cố (cách thức phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan) cũng như kỹ năng phòng tránh lừa đảo, tranh chấp trong thương mại quốc tế…

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/canh-giac-sap-bay-lua-dao-trong-thuong-mai-quoc-te-a168201.html