Mới đây Kiểm toán Nhà nước vừa hoàn tất thực hiện kiểm toán Chuyên đề việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 và các chính sách hỗ trợ. Cuộc kiểm toán được triển khai trên phạm vi toàn ngành với quy mô lớn, thực hiện kiểm toán tại 9 bộ, cơ quan trung ương và 32 tỉnh, thành.
Theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương được Kiểm toán Nhà nước kiểm toán, trong giai đoạn 2020-2021 các đơn vị đã thực hiện mua sắm sinh phẩm, hóa chất và 58,7 triệu kit test, sinh phẩm xét nghiệm PCR, với tổng giá trị 7.973 tỷ đồng, với các mức giá khác nhau, tùy thuộc vào chủng loại, xuất xứ, hãng sản xuất. Trong đó có một số đơn vị mua sắm kit test từ Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) giá trị 2.161,6 tỷ đồng (trực tiếp hoặc qua đơn vị trung gian phân phối).
Danh sách 32 địa phương được Kiểm toán Nhà nước ‘điểm danh’ mua kit test của Công ty Việt Á cho thấy, nhiều tỉnh chi hàng trăm tỷ để nhập kit test của công ty này trong năm 2020-2021. Vị trí “quán quân” thuộc về Đà Nẵng với 275 tỷ, sau đó là Bắc Giang với 194 tỷ, Hải Dương (150 tỷ), Đồng Tháp (136 tỷ), Bình Dương (89 tỷ), Vĩnh Phúc (64,4 tỷ), Thanh Hóa (54,2 tỷ), Hà Nội (39 tỷ), Long An (38,3 tỷ), TP.HCM (31,4 tỷ), Bắc Ninh (29,6 tỷ)…
Trong buổi gặp mặt báo chí vào ngày 20/6, Thiếu tướng Vũ Xuân Viên - Giám đốc Công an TP. Đà Nẵng cho biết, liên quan đến vụ kit test của Công ty CP công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) Bộ Công an đã chỉ đạo 63 tỉnh thành rà soát. Tại TP. Đà Nẵng, sau khi Bộ Công an khởi tố Công ty Việt Á, Công an TP. Đà Nẵng đã chủ động vào cuộc. Cùng lúc đó, Ủy ban kiểm tra Trung ương, Thanh tra TP. Đà Nẵng, Kiểm toán Nhà nước cũng vào cuộc. Sau đó, Bộ Công an có ủy thác điều tra cho Công an TP. Đà Nẵng.
“Qua điều tra bước đầu xác định có dấu hiệu vi phạm. Chúng ta thu mua số lượng kit test, sinh phẩm phòng chống dịch là 275 tỷ đồng, riêng liên quan đến Công ty Việt Á là khoảng 248 tỷ đồng. Đà Nẵng nằm trong Top 5 địa phương đặt mua nhiều nhất. Đồng thời, địa phương cũng có nguồn kinh phí dự phòng từ những nhiệm kỳ trước, khi có sự cố đã sử dụng mua sinh phẩm ngay để phục vụ công tác phòng chống dịch”, Giám đốc Công an TP. Đà Nẵng Vũ Xuân Viên thông tin.
Ngày 20/6, Công an TP. Đà Nẵng đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng về hành vi "Tham ô tài sản" theo quy định tại khoản 4, Điều 353 Bộ luật Hình sự.
Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Đà Nẵng cũng tống đạt quyết định khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Trưởng khoa Xét nghiệm CDC Đà Nẵng; khởi tố bị can và áp dụng biện pháp ngăn chặn "cấm đi khỏi nơi cư trú" đối với bà Lê Thị Kim Chi (sinh năm 1986, bác sĩ, nơi ở 137/6/01 Nguyễn Phước Nguyên, phường Hòa Khê, quận Thanh Khê, Đà Nẵng), nhân viên Khoa Xét nghiệm CDC Đà Nẵng cùng về tội danh trên.
Kết quả điều tra ban đầu xác định từ năm 2020-2021, ông Tôn Thất Thạnh cùng các đồng phạm đã móc nối với Công ty Việt Á nhằm mục đích tham ô số vật tư xét nghiệm COVID-19 được TP. Đà Nẵng mua để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Trong khi đó, tại Hải Dương, lợi dụng tình hình dịch bệnh phức tạp, nhu cầu thiết bị phục vụ công tác chống dịch COVID-19 cao, Phan Quốc Việt (Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) và Phạm Duy Tuyến (Cựu Giám đốc CDC Hải Dương) đã thỏa thuận thống nhất Công ty Việt Á sẽ cung cấp sinh phẩm, bộ kit và hóa chất xét nghiệm COVID cho CDC Hải Dương sử dụng trước, sau đó mới hợp thức thủ tục đấu thầu, ký hợp đồng và thanh quyết toán sau theo phân bổ ngân sách của tỉnh cho CDC Hải Dương chống dịch.
Phan Quốc Việt và Phạm Duy Tuyến còn thỏa thuận và thống nhất về việc Công ty Việt Á sẽ chi tiền “lại quả” cho Phạm Duy Tuyến theo Hợp đồng Công ty Việt Á được CDC Hải Dương ký kết và thanh quyết toán.
Để có tiền trích phần trăm cho Phạm Duy Tuyến, Phan Quốc Việt đã nâng khống giá đầu vào chi phí sản xuất sản phẩm vật tư, thiết bị của Công ty Việt Á nhằm tạo lợi thế cạnh tranh, giúp sản phẩm được tiêu thụ nhiều và lợi nhuận lớn.
Từ tháng 2/2021 đến tháng 11/2021, CDC Hải Dương đã hợp thức ký kết và thanh toán cho Công ty Việt Á 5 hợp đồng cung cấp vật tư, thiết bị y tế với tổng số tiền hơn 151 tỉ đồng. Ông Phạm Duy Tuyến đã nhận gần 30 tỉ đồng từ Công ty Việt Á.
Liên quan đến vụ Việt Á, cho đến nay nhiều người nguyên là lãnh đạo đã bị khởi tố, bắt tạm giam, như nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thành Long, nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh.
Mới đây nhất, thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Cơ quan kiểm tra Trung ương cũng cho thấy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban cán sự đảng UBND tỉnh Hải Dương đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu kiểm tra, giám sát, để UBND tỉnh và một số tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong phòng, chống dịch, "nhất là việc chỉ đạo ký hợp đồng, tạo điều kiện để Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á độc quyền bán bộ kit xét nghiệm và tham gia xét nghiệm trái quy định". Các sai phạm còn xảy ra trong mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, hóa chất xét nghiệm, cung ứng thuốc; chi hỗ trợ phòng, chống dịch; cải tạo, sửa chữa các cơ sở y tế. Một số cán bộ tham nhũng, tiêu cực, nhận hối lộ bị khởi tố, bắt tạm giam.
Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, những vi phạm nêu trên thuộc trách nhiệm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban cán sự đảng UBND tỉnh Hải Dương và các ông Phạm Xuân Thăng; Nguyễn Dương Thái (nguyên Phó bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch tỉnh, nguyên Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh); Lương Văn Cầu (nguyên Phó chủ tịch tỉnh, nguyên Phó trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh); Phạm Mạnh Cường (Giám đốc Sở Y tế); Nguyễn Trọng Hưng (nguyên Giám đốc Sở Tài chính).
Cử tri đề nghị không bỏ lọt tội phạm
Theo Báo cáo tổng hợp ý kiến của cử tri và nhân dân vừa được gửi tới các đại biểu Quốc hội để phục vụ kỳ họp bất thường diễn ra trước đó, cử tri và nhân dân nhìn nhận việc ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” đã tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp an tâm sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Cử tri và nhân dân cũng hết sức bức xúc trước vụ việc Công ty Việt Á nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-9, thỏa thuận và chi tiền phần trăm hợp đồng cho lãnh đạo bệnh viện cùng CDC một số tỉnh, thành phố trong quá trình cung cấp sản phẩm, thu lợi nhuận bất chính.
Theo cử tri và nhân dân, đây là hành vi vi phạm pháp luật có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng trên cả nước; đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt việc điều tra, truy tố, kết luận sớm, xử lý nghiêm vụ việc và thông báo cho người dân.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/tinh-nao-mua-nhieu-kit-test-covid-19-cua-viet-a-nhat-a168553.html