ả ba nền kinh tế lớn là Mỹ, Trung Quốc, EU đều đang đối mặt với những khó khăn nhất định. Đây đồng thời cũng là ba đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Vì vậy khi những nền kinh tế này không khỏe, dấy lên lo ngại cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam, đặc biệt với lĩnh vực xuất nhập khẩu.
Điểm qua tình hình hiện tại của các nền kinh tế này, Mỹ đã đón tin vui khi lạm phát hạ nhiệt trong tháng 7. Cụ thể chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ trong tháng 7 đã tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái, chững lại đáng kể so với tháng trước đó nhờ vào việc giá xăng dầu hạ nhiệt. Chỉ số PMI sản xuất cũng duy trì tăng trưởng tại Mỹ với 52,3 điểm. Tuy nhiên, PMI dịch vụ lại suy yếu tại đây.
Kinh tế Mỹ đã tiến vào suy thoái kỹ thuật khi tăng trưởng GDP quý II giảm 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái, quý I tăng trưởng âm 1,6%. Mỹ đã nâng lãi suất về mức 3,4% và tiếp tục kế hoạch thu hẹp bảng cân đối kế toán. Giới chuyên gia nhân định Mỹ có thể nâng lãi suất thêm 0,5% vào kỳ họp ngày 20-21/9 sắp tới.
Ở Trung Quốc và EU, chỉ số PMI sản xuất đều khá tiêu cực với mức lần lượt là 49 và 49,8 điểm.
Tăng trưởng GDP của Trung Quốc giảm 2,6% so với quý trước và chỉ tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước. Còn EU trong quý II ghi nhận mức tăng 0,6% so với quý I, và tăng 4% so với cùng kỳ.
Về chính sách tiền tệ, cả Mỹ và EU đều đã kết thúc chương trình hỗ trợ kinh tế và chuyển sang thắt chặt, riêng Trung Quốc vẫn duy trì chính sách nới lỏng.
Trong báo cáo mới nhất, các chuyên gia của CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) đánh giá đà tăng trưởng kinh tế đang bị thu hẹp lại ở cả ba nền kinh tế lớn là Mỹ, Trung Quốc, EU. Nguyên nhân chủ yếu là do tăng trưởng tiêu dùng toàn cầu suy giảm. Mặc dù giá cả các loại hàng hóa có vẻ đã tạo đỉnh vào cuối tháng 6 nhưng xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ toàn cầu vẫn đang gây ảnh hưởng tiêu cực lên nhu cầu tiêu dùng của các nền kinh tế.
Trong ba thị trường chính, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 55,9 tỷ USD trong nửa đầu năm 2022. Trước đó năm 2021, kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam và Mỹ đạt 96,3 tỷ USD. Trong khi đó, Trung Quốc nhiều năm là thị trường cung ứng nguyên liệu sản xuất lớn nhất cho Việt Nam. Bên cạnh hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, khu vực EU cũng là đối tác thương mại lớn của nước ta.
Về nhập khẩu, nhập khẩu từ các quốc gia phát triển như Mỹ và EU đều tăng trưởng âm trong 7 tháng đầu năm, lần lượt là -3,8% và -2,5% so với cùng kỳ.
Mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cảnh báo việc nhập khẩu nguyên liệu suy giảm đang cho thấy bức tranh không mấy khả quan về triển vọng xuất khẩu những tháng cuối của năm 2022.
Các chuyên gia tại đây cũng cho hay nhập khẩu của Mỹ từ ASEAN vẫn đang tăng mạnh nhưng động lực dường như đang chậm lại.
Khối phân tích cho rằng bức tranh xuất khẩu nửa cuối năm kém thuận lợi hơn nửa đầu năm dù vẫn duy trì được tăng trưởng hai chữ số. VDSC nhắc lại khủng hoảng kinh tế năm 2008-2009 khiến cho xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam suy giảm mạnh, tương tự, đầu năm 2020 cũng ghi nhận sự suy giảm trong tăng trưởng thương mại dù mức độ yếu hơn.
Đồng quan điểm, SSI Research dự báo tăng trưởng các ngành xuất khẩu có thể bắt đầu suy giảm từ quý IV khi nhu cầu từ các đối tác thương mại chính của Việt Nam, đặc biệt là Mỹ có thể yếu đi rõ rệt.
Trao đổi với người viết, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cấp cao Học viện Tài chính cho rằng một trong những rủi ro với kinh tế năm nay là lĩnh vực xuất nhập khẩu có thể bị ảnh hưởng từ những biến động quốc tế.
"Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, tiêu dùng của người Mỹ giảm đi thì xuất khẩu của nước ta cũng gặp vấn đề", ông nhấn mạnh.
Tuy nhiên chuyên gia cũng lạc quan cho rằng những thách thức hiện tại "chưa là gì" so với khó khăn giai đoạn trước mà xuất nhập khẩu Việt Nam đã trải qua.
"Doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam có nhiều kinh nghiệm và từng trải qua nhiều khó khăn. Những thách thức hiện tại không đến mức quá nghiêm trọng nhưng vẫn cần lưu ý, đặc biệt trong bối cảnh độ phục hồi của kinh tế Việt Nam chưa bền vững, và số liệu cũng cho thấy sự sụt giảm của hầu hết các thị trường lớn. Bởi điều chúng ta muốn là xuất nhập khẩu đạt mức tăng trưởng cao 19-20% chứ không chỉ tăng trưởng khiêm tốn 5-10%", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói thêm.
Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Michael Kokalari, Chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital cho hay ông thường được hỏi về việc liệu nguy cơ Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam nguy cơ suy thoái có tác động đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hay không.
Nói cách khác, “nếu Mỹ hắt hơi, Việt Nam có bị cảm lạnh không?”. Đại diện VinaCapital nhận định nếu kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại có thể cản đà tăng trưởng của Việt Nam thì nền kinh tế nội địa đang phát triển mạnh của Việt Nam sẽ làm giảm đáng kể tác động của sự suy thoái đó.
Cùng nhận định lạc quan, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng mặc dù kinh tế Mỹ đã có hai quý suy giảm liên tiếp, kinh tế và tổng cầu thế giới suy giảm, điều này có tác động nhưng không nhiều tới thương mại quốc tế của Việt Nam.
Theo chuyên gia, đa số các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam là hàng tiêu dùng thiết yếu, như hàng dệt may, da giày, sản phẩm nông nghiệp, thủy sản. Ở các nước khi suy thoái, người dân vẫn phải sử dụng những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu này.
Thêm nữa, giá trị các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đối với chi tiêu của các nước trên thế giới không lớn nên kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam không bị ảnh hưởng nhiều. Thực tế trong 7 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa nước ta đạt 216,35 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn được đánh giá là thị trường đầu tư hấp dẫn do hệ thống chính trị và kinh tế vĩ mô ổn định.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/ba-nen-kinh-te-lon-nguy-co-giam-toc-moi-lo-ngai-do-don-vao-mot-nganh-chu-luc-cua-viet-nam-a168836.html