Khai mạc Đại hội, Chủ tịch HBC ông Lê Viết Hải phát biểu: “Sau đại dịch, xuất hiện tình hình trượt giá do lạm phát, đầu tư nước ngoài không đạt được làn sóng như kỳ vọng. Nước ta đã thiếu nguồn ngoại tệ do khách du lịch mang lại.
Việc siết chặt tín dụng ảnh hưởng đến việc triển khai các dự án bị chậm lại, quá trình thanh toán cho nhà thầu cũng bị ảnh hưởng. HBC xác định con đường để thoát khỏi những khó khăn trong nước là phát triển ra nước ngoài. Ban Điều hành HBC đã nỗ lực tìm kiếm các cơ hội phát triển thị trường nước ngoài. Lãnh đạo Công ty đã đi nhiều nước, như Úc, Canada và dự kiến sắp tới là Châu Âu và đã tham gia nhiều cuộc họp. HBC nhận thấy sự mất cân đối nghiêm trọng tại các thị trường mục tiêu.
Tại Việt Nam, tình trạng cung lớn hơn cầu khiến các nhà thầu đối mặt với sự cạnh tranh về giá rất khốc liệt, trong khi đó, ở nước ngoài lại ngược lại. Ở Úc, nguồn cầu nhà ở là 1.5 triệu căn, nhà thầu trong nước không thể đáp ứng được tiến độ công trình do nhiều yếu tố, nhiều công ty còn phá sản. Vì vậy, HBC đi đến đâu đều được chính quyền các nước hoan nghênh.
Qua đó, HBC nhận thấy Công ty đã lựa chọn đúng nơi, đúng thời điểm để phát huy nguồn lực, nguồn vật tư của Công ty ra thị trường thế giới. Ngoài ra, HBC còn hướng đến xuất khẩu tổng thầu ra nước ngoài, việc này đòi hỏi kỹ sư trình độ cao chứ không chỉ nhân công.
Bên cạnh đó, HBC có lợi thế là doanh nghiệp duy nhất trên thế giới trong 5 năm, doanh thu phát triển 5 lần, liên kết với nhiều nhà thầu cũng như tiếp thu những công nghệ xây dựng nhà ở tại nhiều nước.
HBC như một loài cá voi nhưng hiện nay đang được nuôi trong một cái ao chật chội. Vì vậy, phải tìm đường ra biển lớn thì cá voi mới sống được. Đây là con đường HBC phải đi để tìm đường sống cho chính mình. Mục tiêu đặt ra cho HBC đến năm 2032 là doanh thu đạt 19 tỷ USD, trong đó mục tiêu ở thị trường nước ngoài là 13 tỷ USD, còn thị trường trong nước là 6 tỷ USD. Mục tiêu lợi nhuận là 5% doanh thu. Đây là mục tiêu không quá lớn khi nhìn lại con đường mà HBC đã đi”.
Giữ vững vị thế là doanh nghiệp xây dựng hàng đầu Việt Nam
Trình bày về định hướng của HBC đối với thị trường trong nước trong 10 năm tới, Phó Tổng Giám đốc ông Lê Viết Hiếu cho biết: “Để đảm bảo cho kế hoạch 10 năm đến năm 2032, bên cạnh phát triển thị trường nước ngoài, HBC còn phải giữ vững vị thế là doanh nghiệp xây dựng hàng đầu Việt Nam trong xây dựng dân dụng và công nghiệp.
Đối với lĩnh vực công nghiệp, HBC sẽ phát triển 2 dự án là KCN Cổ Chiên và KCN Tân Lý Đông. Đối với mảng năng lượng, HBC sẽ thành lập 1 pháp nhân mới để phát triển mảng điện gió, lợi nhuận gộp dự kiến chiếm khoảng 10% trong mảng xây dựng dân dụng.
Về mảng hạ tầng cầu đường, sau khi sáp nhập Công ty Hòa Bình 479, dự kiến doanh thu năm 2022 từ 551 tỷ đồng lên 1,080 tỷ đồng, tổng giá trị hợp đồng đang thi công là 2,000 tỷ đồng”.
Sau 4 năm, lợi nhuận thị trường nước ngoài có thể vượt thị trường trong nước
Về kế hoạch thị trường nước ngoài, ông David Martin Ruiz - Giám đốc xây dựng thị trường nước ngoài của HBC, chia sẻ khi ra thị trường nước ngoài, Tập đoàn sẽ dùng các nhà thầu phụ nhiều hơn. Ở các nước phát triển HBC đang nhắm đến, thường sẽ có 1 nhóm quản lý rất nhiều nhà thầu phụ. Với mô hình kinh doanh này, yêu cầu về nguồn vốn sẽ ít hơn so với thầu các dự án trong nước.
Trong 3 năm đầu, nguồn vốn đầu tư sẽ khá nhiều nên sẽ tái đầu tư toàn bộ lợi nhuận của Công ty. Khi biên lợi nhuận ở nước ngoài tăng trên 3%, HBC sẽ xem xét giảm tỷ lệ tái đầu tư. Với tốc độ tăng trưởng như vậy, HBC cần rất nhiều nguồn vốn, càng tăng trưởng nhiều thì nguồn vốn càng phải tăng theo. Càng phát triển mạnh và có danh tiếng thì việc tiếp cận nguồn vốn nước ngoài sẽ dễ dàng hơn, qua đó giảm số vốn huy động từ Việt Nam.
Những năm đầu, lợi nhuận từ nước ngoài không nhiều nhưng tăng trưởng rất nhanh và sau 4 năm có thể sẽ vượt lợi nhuận từ thị trường trong nước.
HBC đã chọn 4 thị trường trọng yếu là Canada, Mỹ, Úc và Châu Âu. Lý do để chọn những thị trường này là do giá xây dựng rất cao, qua đó giúp Công ty dễ đạt được mục tiêu đề ra; môi trường kinh doanh minh bạch; số lượng dân nhập cư cao kéo theo nhu cầu về nhà ở tăng theo; các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước này; sự thiếu hụt vật liệu xây dựng tại các nước này.
Về thế mạnh của HBC, đầu tiên là HBC có thể mua lại các công ty xây dựng ở nước ngoài để hưởng lợi về tệp khách hàng cũng như thuận lợi để đầu tư ở một số dự án.
Thứ 2, thông qua cung ứng, HBC cung cấp vật liệu xây dựng với giá cạnh tranh và đảm bảo chất lượng hơn so với tại thị trường đó.
Thế mạnh thứ 3 là dịch vụ thiết kế và tư vấn của Công ty, việc thiết kế tại Việt Nam sẽ tiết kiệm cho các gói thầu trọn gói của Công ty tại nước ngoài, giúp tiết kiệm từ 30%-40% so với thiết kế tại nước ngoài.
Thứ 4 là nguồn lực, HBC không có ý định đưa số lượng lớn nhân lực qua nước ngoài, tuy nhiên, trong một số trường hợp tiến độ dự án bị ảnh hưởng do thiếu nhân lực, Công ty sẽ chỉ đưa những nhân viên tay nghề cao sang nước bạn.
Cuối cùng là danh tiếng, kinh nghiệm và uy tín, HBC có lượng kiến thức cô đọng khổng lồ so với các nhà thầu xây dựng khác. Ngoài các thế mạnh kể trên, thế mạnh chính vẫn là mạng lưới quốc tế của Công ty với mạng lưới networking rộng khắp.
Về Công ty Hoa Binh Global, sẽ có 4 lĩnh vực hoạt động là phát triển dự án, xây dựng, thiết kế và thương mại. Công ty này sẽ quản lý các công ty con, công ty liên kết khác ở nước ngoài của HBC. Hoa Binh Global gồm 4 nhánh là Hoa Binh Global Development, Hoa Bình Global Construction, Hoa Binh Global Design và Hoa Binh Global Trading.
HBC sẽ phát triển cả những dự án nhà ở cao tầng và thấp tầng nhưng sẽ ưu tiên các dự án cao tầng. Trong giai đoạn ngắn hạn 2022-2024, HBC tập trung học hỏi từ môi trường nước ngoài. Giai đoạn trung hạn 2025-2028, HBC hướng đến việc thu hút sự chú ý của các chủ đầu tư. Cuối cùng là giai đoạn 2029-2032, Công ty hướng đến trở thành doanh nghiệp dẫn đầu về công nghệ cũng như dịch vụ tại nước ngoài.
Phát hành 5 triệu cp cho đối tác Nhật
Nhằm đạt được mục tiêu năm 2032 với 437,500 tỷ đồng doanh thu và 21,875 tỷ đồng lợi nhuận, Ban Điều hành HBC đề xuất chính sách thưởng khích lệ Ban Điều hành, Cán bộ trọng yếu và các cá nhân có thành tích xuất sắc như sau: thưởng 10% lợi nhuận (21,875 tỷ đồng) khi đạt kế hoạch lợi nhuận; thưởng thêm 50% phần vượt kế hoạch lợi nhuận; chế độ thưởng sẽ luôn được duy trì khi doanh thu có mức tăng 5 lần trong 5 năm và lợi nhuận trên 5%.
Về kế hoạch tăng vốn trong thời gian tới, sau khi được HĐQT thông qua vào ngày 17/08, Ban lãnh đạo HBC tiếp tục trình ĐHĐCĐ phương án phát hành 5 triệu cp cho đối tác Nhật Bản là Sanei Architecture Planning Co., Ltd.
Với giá chào phát hành dự kiến 32,500 đồng/cp, ước tính HBC có thể thu về 162.5 tỷ đồng sau khi hoàn tất thương vụ. Số tiền này sẽ được Công ty dùng để thanh toán chi phí mua nguyên vật liệu xây dựng phục vụ hoạt động thi công xây dựng (sắt, thép, nhôm, xi măng…).
Đợt phát hành cổ phiếu của HBC dự kiến sẽ được tiến hành trong quý 3 hoặc quý 4/2022, sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
Cũng tại Đại hội, Ban Điều hành HBC trình ĐHĐCĐ về việc điều chỉnh một số ngành, nghề kinh doanh của Công ty. Theo đó, HBC dự kiến sẽ cắt giảm 3 ngành, nghề hiện tại là Bán buôn máy móc, thiết bị và phụ tùng máy khác; Đại lý du lịch; và Dịch vụ lưu trú ngắn ngày. Bên cạnh đó, HBC sẽ bổ sung thêm ngành, nghề Xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng khác.
Thảo luận:
Chủ tịch Lê VIết Hải có tiếp tục mua cổ phiếu HBC hay không?
Chủ tịch Lê Viết Hải: Lý do mua cổ phiếu vài tháng trước là nhằm củng cố niềm tin cho nhà đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư sử dụng margin. Sắp tới, tôi sẽ tiếp tục mua cổ phiếu nhưng chưa quyết định là thời điểm nào.
Kế hoạch phát hành 74 triệu cp riêng lẻ có tiếp tục không?
Chủ tịch Lê Viết Hải: HĐQT trước khi đưa ra kế hoạch phát hành 74 triệu cp tại ĐHĐCĐ thường niên đã làm việc với cổ đông chiến lược nhưng do ảnh hưởng của vụ việc Tân Hoàng Minh, cổ đông chiến lược đã hơi e ngại. Tuy nhiên, sau đó đối tác Nhật Bản đã đồng ý tiếp tục mua cổ phiếu HBC với giá 32,500 đồng/cp.
Với việc đã có cổ đông chiến lược mua 5 triệu cp, HBC sẽ vẫn tiếp tục phát hành 69 triệu cp riêng lẻ còn lại như phương án đã được ĐHĐCĐ thông qua.
Chia sẻ chi tiết hơn về kế hoạch sử dụng lao động ở thị trường nước ngoài?
Chủ tịch Lê Viết Hải: HBC sẽ kiểm soát các giai đoạn từ thiết kế đến thi công, từ phần nguyên liệu vật tư đến cách thức thi công để khai thác được tối đa nguồn vật tư và giảm giá thành của dự án. HBC sẽ kiểm soát quy trình sản xuất, hướng đến sản xuất hàng loạt, qua đó giảm chi phí nhân công.
Kết thúc Đại hội, tất cả tờ trình đều được thông qua.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/chu-tich-tap-doan-xay-dung-hoa-binh-le-viet-hai-hbc-nhu-ca-voi-trong-ao-chat-choi-a169169.html