Công ty đứng sau The Coffee House, Giao hàng nhanh, Juno... làm ăn ra sao?

Rời Thế Giới Di Động với 700 tỷ đồng để làm người đi “gieo hạt”

Ông Đinh Anh Huân là một trong những thành viên sáng lập của Thế Giới Di Động. Năm 2014, sau khi công ty này IPO, ông Huân bán ra toàn bộ sổ cổ phiếu nắm giữ và thu về khoảng 700 tỷ đồng.

Không còn phải lo lắng về vấn đề tài chính, nhà sáng lập sinh năm 1980 quyết định rời Thế Giới Di Động để theo đuổi những điều mà mình muốn làm từ lâu. Đó cũng là thời điểm Seedcom ra đời – với từ Seed mang nghĩa là “hạt giống” trong tiếng Anh.

Dù rót vốn vào nhiều startup, ông Đinh Anh Huân từng khẳng định rằng Seedcom không phải là quỹ đầu tư mà là một công ty cổ phần. Xác định bán lẻ phải gắn liền với công nghệ, Seedcom phát triển theo mô hình “new retail”.

Theo ông Huân, bản chất của mô hình này là xây dựng hệ thống công nghệ để cung cấp trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng; sử dụng công nghệ để hiểu được nhu cầu, mong muốn của khách hàng, từ đó sản xuất được sản phẩm đáp ứng nhu cầu của họ.

dinh-anh-huan-1661762718.jpg Ông Đinh Anh Huân, nhà sáng lập Seedcom. Ảnh: ICTNews

Các mảng kinh doanh chính của Seedcom hiện nay bao gồm F&B (chuỗi cafe The Coffee House); Thời trang (giày Juno, quần áo HNOSS); Phân phối thực phẩm (KingFood Mart); Logistic (Scommerce bao gồm các công ty con Giao Hàng Nhanh Express, Giao Hàng Nhanh Logistic, Ahamove và Gido); Giải pháp new retail (Haravan)...

Đồng hành cùng Seedcom là Ficus Asia Investment – quỹ đầu tư đăng ký kinh doanh tại Singapore và cũng do ông Đinh Anh Huân sáng lập. Năm 2020, Ficus đã huy động 50 triệu USD từ EWTP Capital – quỹ đầu tư được chống lưng bởi Alibaba và Ant Financial. Năm 2021, quỹ này tiếp tục đầu tư thêm 10 triệu USD vào Ficus.

Trong khi nhà sáng lập Đinh Anh Huân giữ vị trí Chủ tịch, CEO Seedcom hiện nay là ông Nguyễn Hoành Tiến – người có gần 10 năm làm việc tại kỳ lân VNG.

Lỗ lũy kế 1.179 tỷ đồng

Theo báo cáo tài chính mới công bố, doanh thu thuần 6 tháng đầu năm nay của Seedcom là 675,6 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy, công ty vẫn lỗ ròng hơn 287 tỷ đồng sau nửa năm – cao hơn cả mức lỗ 238 tỷ đồng trong cả năm 2021. Trước đó, Seedcom cũng ghi nhận khoản lỗ gần 193 tỷ đồng trong năm 2020. Tính đến hết quý II năm nay, doanh nghiệp này lỗ lũy kế 1.179 tỷ đồng.

Tổng tài sản của Seedcom đến ngày 30/6 là hơn 1.500 tỷ đồng, không thay đổi nhiều so với đầu năm. Trong khi đó, nợ phải trả là 1.221 tỷ đồng, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu ở mức 4,38 lần – thấp hơn mức 10,32 lần cùng kỳ năm ngoái.

loi-nhuan-1661762825.jpg

Năm 2020 và 2021, Seedcom đã hai lần phát hành trái phiếu nhằm tăng quy mô vốn hoạt động và đầu tư vào các công ty con. Cụ thể, tháng 12/2020, công ty phát hành lô trái phiếu riêng lẻ trị giá 50 tỷ đồng với kỳ hạn 2 năm. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có tài sản đảm bảo, lãi suất năm đầu là 11% và từ năm thứ hai là 12%/năm. Trong đó, tài sản đảm bảo là 1,8 triệu cổ phần của Công ty CP Thương mại Dịch vụ Trà Cà phê Việt Nam (chuỗi The Coffee House) với giá trị tài sản hơn 200 tỷ đồng.

Đến tháng 12/2021, Seedcom tiếp tục phát hành 200 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ kỳ hạn 2 năm, lãi suất cao hơn 0,5 điểm % so với lô trước đó, đáo hạn ngày 31/12/2023. Tài sản đảm bảo của lô trái phiếu này là hơn 2,8 triệu cổ phần của Công ty CP Thương mại Dịch vụ Trà Cà phê Việt Nam.

Trong nửa đầu năm 2022, Seedcom đã chi hơn 9 tỷ đồng để thanh toán tiền lãi cho hai lô trái phiếu trên.

Vì sao Seedcom vẫn lỗ?

Chia sẻ với Người Đồng Hành, ông Nguyễn Hoành Tiến – CEO Seedcom cho biết, kết quả kinh doanh của công ty này thực tế đã tốt hơn trong nửa đầu năm 2022. “Khoản lỗ của Seedcom chủ yếu đến từ hai nguồn: Thứ nhất là tăng đầu tư vào việc mở rộng mảng B2B. Bên cạnh đó, tiền khấu hao của mảng bán lẻ cũng là kết quả của việc phát triển cửa hàng trong những năm gần đây”, ông Tiến nói.

“Tóm lại, việc Seedcom lỗ nhiều hơn là hệ quả của đầu tư tăng trưởng. Đến nửa sau của năm, chắc chắn kết quả tài chính sẽ tốt hơn khi kết quả kinh doanh còn tốt hơn nữa”, vị CEO nhấn mạnh.

Thời gian qua, công ty mẹ của The Coffee House thực hiện một số thay đổi về chiến lược hoạt động cũng như tái cấu trúc lại các đơn vị thành viên. Năm 2021, Seedcom bán lại Cầu Đất Farm cho Nova Comsumer. Trước đó, công ty này mua lại Cầu Đất Farm vào năm 2018 với mục tiêu sản xuất nguyên liệu trà – cà phê cho The Coffee House, rau củ quả cho chuỗi KingFood Mart; đồng thời có chất liệu tốt để làm thương hiệu cho mảng F&B trong danh mục đầu tư.

“Seedcom đang tái cấu trúc lại các danh mục đầu tư, tập trung hơn vào các giải pháp hỗ trợ bán lẻ kiểu mới và công nghệ bán lẻ bằng cách tận dụng nền tảng công nghệ, cắt giảm các danh mục đầu tư không còn phù hợp”, công ty này nói về lý do bán Cầu Đất Farm.

ghn-1661762895.png GHN là một công ty thuộc hệ sinh thái của Seedcom. Ảnh: GHN

Cũng trong năm ngoái, Seedcom "lấn sân" mảng tài chính khi hợp tác Ngân hàng Kvision thuộc Kbank (Thái Lan) để cung cấp giải pháp thanh toán, cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ, bảo hiểm và quản lý tài sản.

Mới đây, Seedcom thành lập New Retails CPG - với mục tiêu tập trung xây dựng những sản phẩm, thương hiệu mà công ty tin rằng Việt Nam có lợi thế cạnh tranh để xuất khẩu ra thế giới như cà phê, quần áo, giày dép, phần mềm... New Retails CPG cũng được định vị là cầu nối mang sản phẩm từ các nước mà người tiêu dùng Việt có nhu cầu sử dụng cao nhưng trong nước không có lợi thế sản xuất. Đầu tháng 8 vừa qua, Seedcom công bố thương vụ phân phối sữa dê Kabrita thông qua hợp tác giữa New Retail CPG và Ausnutria (trụ sở chính ở Hà Lan).

Bên cạnh New Retail CPG, Seedcom cũng thành lập đơn vị Seedlog đóng vai trò vận hành hệ thống kho bãi, vận tải để cung ứng dịch vụ quản trị hàng hoá cho các đơn vị kinh doanh trong hệ sinh thái.

Trong một bài phỏng vấn mới đây, ông Đinh Anh Huân cho biết Seedcom đặt kế hoạch tăng trưởng 500% cho giai đoạn 2022-2025. Trong đó, năm 2023 công ty dự kiến có lợi nhuận.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/cong-ty-dung-sau-the-coffee-house-giao-hang-nhanh-juno-lam-an-ra-sao-a169282.html