Tọa đàm được tổ chức trong dịp kỷ niệm 30 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc (22/12/1992 - 22/12/2022), đây là mốc son quan trọng và ý nghĩa trong mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc. Buổi tọa đàm do Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập phối hợp cùng Ủy ban Hỗ trợ kinh tế Hàn – Việt (KVECC) và các đơn vị liên quan đồng tổ chức.
Buổi tọa đàm có sự tham gia của TS Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam- Hàn Quốc; ông Phạm Hải Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam; ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp – Nông thôn.
Về đại diện địa phương có sự tham gia của ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre; ông Nguyễn Thành Diệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang; bà Phạm Trần Thanh Thảo, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh; ông Lê Văn Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bến Tre; ông Lưu Văn Phi, Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Tiền Giang; ông Hồ Chí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Đồng Tháp; ông Lê Văn Tám, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.
Tọa đàm cũng có sự góp mặt và chia sẻ của các diễn giả là Giáo sư Hà Tôn Vinh, Chuyên gia kinh tế, Chủ tịch, TGĐ Tổ hợp Giáo dục và Tư vấn Quốc tế Stellar Management; ông Kwon Jae Heang, Chủ tịch Ủy ban Hỗ trợ kinh tế Hàn – Việt (KVECC) kiêm Trưởng đại diện Tổ chức Đa văn hóa Hàn Quốc; bà Lee Ji Sun, CEO Công ty FIF International; ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty Cp Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình...cùng đông đảo doanh nghiệp Hàn Quốc và doanh nghiệp Việt Nam.
Khai mạc buổi tọa đàm, ông Phạm Hải Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chia sẻ: Buổi tọa đàm sẽ giúp các doanh nghiệp của 2 nước Việt Nam - Hàn Quốc tiếp thu, tìm kiếm nhiều thông tin thiết thực về thị trường, khách hàng của mình, tìm kiếm các đối tác tốt để triển khai có hiệu quả các dự án kinh doanh. Và qua sự kiện này, cộng đồng doanh nghiệp của cả 2 nước có thể bày tỏ, chia sẻ những kỳ vọng, mong muốn về chính sách,về môi trường pháp lý để các chuyên gia, lãnh đạo, cơ quan lý nhà nước Trung ương, địa phương nắm bắt được và tạo điều kiện thuận lợi cho những hoạt động sắp tới".
Cũng thông qua buổi tọa đàm này, cộng đồng doanh nghiệp của 2 nước có thể tìm kiếm được nhiều cơ hội mới hơn, lớn hơn để hợp tác với nhau, làm ăn với nhau và phát triển ngày một thành đạt. Qua đó góp phần làm mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước sẽ ngày càng bền chặt và phát triển.
Hành trình 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt- Hàn
Quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc đã và đang trở thành một trong những mối quan hệ hợp tác tốt đẹp và quan trong nhất tại khu vực châu Á nói chung và Đông Á nói riêng.
Hiện nay, Hàn Quốc đang giữ vị trí là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam; là đối tác ODA, du lịch, lao động lớn thứ hai và đối tác thương mại lớn thứ ba (sau Mỹ và Trung Quốc) với kim ngạch thương mại song phương đạt 78,1 tỉ USD trong năm 2021. Hàn Quốc dự kiến nâng kim ngạch thương mại với Việt Nam lên 100 tỉ USD vào năm 2023.
Ngược lại, Việt Nam là trọng tâm trong chính sách hướng Nam của Hàn Quốc trong khu vực ASEAN khi kim ngạch thương mại của hai nước chiếm hơn 40% tổng kim ngạch thương mại giữa Hàn Quốc với các nước ASEAN.
Nhìn lại chặng đường hình thành mối quan hệ khăng khít giữa Việt Nam và Hàn Quốc, tại buổi tọa đàm, TS.Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Hàn Quốc chia sẻ: "Việt Nam và Hàn Quốc chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao được 30 năm nhưng từ rất lâu trước đó, trong lịch sử hai bên đã có quan hệ giao lưu. Từ thế kỷ thứ XIII, Hoàng tử Lý Long Tường - con thứ bảy của vua Việt Nam Lý Anh Tông, trên đường lánh nạn, đã đến vương quốc Cao Ly, được Quốc vương, thần dân Cao Ly đùm bọc, che chở và đã tạo điều kiện cho Hoàng tử Lý Long Tường và dòng họ Lý của Việt Nam đóng góp cho công cuộc xây dựng và phát triển của Hàn Quốc. Bản thân Hoàng tử Lý Long Tưởng đã trở thành một dũng tướng của Vương quốc Cao Ly và góp phần trong công cuộc đấu tranh chống ngoại sâm, bảo vệ đất nước và xây dựng đất nước Cao Ly. Hiện nay dòng họ Lý vẫn đang là dòng họ lớn nhất của người Việt Nam tại Hàn Quốc, đóng góp nhiều vào các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội của Hàn Quốc và cũng đang giữ cái mối quan hệ máu thịt với quê nhà".
"Có thể nói mối quan hệ như vậy là mối quan hệ máu thịt, gắn bó từ chiều sâu trong lịch sử. Khi một mối quan hệ đã có chiều sâu thẳm như vậy, máu thịt như vậy thì đó là một nền tảng rất tốt cho những quan hệ sau này", ông Lộc nhận định.
Tại tọa đàm, các diễn giả đều khẳng định: Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992, Việt Nam và Hàn Quốc đã đạt được những thành quả hợp tác đáng kể trong hơn 30 năm qua. Việc mở rộng hợp tác nhanh chóng giữa hai nước là do hai nước có tính tương đồng và những điểm chung về mặt địa lý, lịch sử và văn hóa. Hai nước đã cùng nhau tập trung vào việc mở rộng hợp tác kinh tế trong 30 năm qua.
Việt Nam coi Hàn Quốc là đối tác quan trọng của mình, chúng ta đã triển khai rất nhiều hoạt động từ cấp nhà nước đến đoàn thể nhân dân và doanh nghiệp để thúc đẩy quan hệ giữa hai bên. Chúng ta đã có những kết quả rất quan trọng và có thể nói, quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc đang trở thành một hình mẫu rất quan trọng cho sự hợp tác giữa các quốc gia trong bối cảnh hiện nay, cụ thể là giữa một nước phát triển và một nước đang phát triển.
Việt Nam và Hàn Quốc giống nhau ở điểm người dân cần cù và sự lãnh đạo quốc gia “quyết liệt” đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, cho dù thể chế hai nước khác nhau. Sự tương đồng này là điểm khởi đầu cho quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước ngày càng sâu rộng.
Tại tọa đàm, ông Phạm Hải Tùng cũng cho biết thêm: “Việt Nam và Hàn Quốc đã có nhiều cơ hội phát triển hơn nữa khi cả hai nước cùng tham gia và hưởng lợi nhiều từ các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) song phương và đa phương như FTA ASEAN – Hàn Quốc, FTA Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)…”.
Đặc biệt, thông qua sự hỗ trợ của Ủy ban Hỗ trợ kinh tế Hàn - Việt (KVECC) trong thời gian qua, các doanh nghiệp của 2 nước đã có được các cơ hội kinh doanh mới. KVECC đã giúp liên kết, phát triển và khám phá tiềm năng hợp tác giữa 2 thị trường thông qua hợp tác với các bộ ban ngành của chính quyền địa phương, cũng như chính phủ Việt Nam và các công ty có kỹ năng và công nghệ vượt trội của Hàn Quốc.
Với vai trò là Chủ tịch KVECC kiêm Trưởng đại diện Tổ chức Đa văn hóa Hàn Quốc, ông Kwon Jae Heang chia sẻ: Tôi có thể nói, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc đã đi khắp nơi tại Hàn Quốc để tìm hiểu thị trường đầu tư. Từ đó đưa tới thông tin cho doanh nghiệp Việt muốn đầu tư tại Hàn Quốc cần những điều kiện nào? Ví dụ như tìm hiểu về lĩnh vực chuyển giao công nghệ ở nhiều ngành.
"Hàn Quốc và Việt Nam có nhiều điểm giống nhau. Thông qua Đại sứ quán, chúng tôi đã tìm hiểu những chính sách ở cả hai nước. Sau đó đưa những đề án tới cơ quan liên quan để xem xét có chính sách nào thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam vào Hàn Quốc. Chúng tôi trao đổi vấn đề này rất nhiều", ông Kwon nhận định.
Trong những năm qua, các hoạt động giao lưu văn hóa nghệ thuật 2 nước cũng được đẩy mạnh. Âm nhạc, phim ảnh,…Hàn Quốc đã chiếm trọn trái tim người Việt Nam. Và với mục tiêu gắn kết mối quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc và kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao 2 nước, buổi tọa đàm đã mang đến những tiết mục văn nghệ đặc sẵn từ hai nước.
Không để các doanh nghiệp nhỏ và vừa nội địa bị đứng ngoài
Tuy có nhiều thành tựu trong mối quan hệ hợp tác giữa hai nước, song tại buổi tọa đàm, các diễn giả cũng chỉ ra nhiều điểm còn hạn chế.
GS Hà Tôn Vinh, Chuyên gia kinh tế, Chủ tịch, TGĐ Tổ hợp Giáo dục và Tư vấn Quốc tế Stellar Management lưu ý: "Việt Nam hiện có nhân công rẻ, nhưng đây không phải là thế mạnh mãi mãi. Đến một lúc nào đó, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, như Hàn Quốc thấy nhân công Việt Nam không còn rẻ, tay nghề Việt Nam không thể phát triển nữa, họ sẽ tìm nơi khác như Banglades, Lào… Lúc đó, chúng ta sẽ mất thế mạnh của mình.
Ông Vinh cũng đặt ra vấn đề: "Ở Việt Nam, Samsung là một doanh nghiệp có doanh thu cao nhất, 6-70 tỉ đô la, nhưng bao nhiêu % trong đó là của Việt Nam? Gần như rất ít. Tại sao chúng ta không cung cấp cho Samsung tất cả những cái họ cần, ngoài chuyện lao động, con người. Tôi nghĩ đó là điều chúng ta cần phải suy nghĩ".
Điều cốt lõi có thể quyết định thành công trong hợp tác Việt-Hàn thời gian tới, không phải là các doanh nghiệp lớn mà chính là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vậy làm thế nào để trong hợp tác giữa hai nước, các doanh nghiệp nhỏ và vừa nội địa không bị đứng ngoài, làm sao để các FDI của Hàn Quốc có thể kết nối được với cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam để họ có thể trở thành các nhà cung ứng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các thương hiệu hàng đầu của Hàn Quốc, chứ không phải là tập đoàn hàng đầu của Hàn Quốc mang cả hệ sinh thái của họ vào Việt Nam. Điều này sẽ không mang lại cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa nội địa. Ông Vũ Tiến Lộc nhận định: "Khi mà FDI vào Việt Nam không kết nối được với cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa địa phương có nghĩa là sẽ không thể bám rễ được vào thị trường Việt Nam, và từ đó chúng ta sẽ không thể xây dựng được một mối quan hệ bền vững".
Ông Lộc nói thêm: "Doanh nghiệp nhỏ và vừa chính là xương sống trong phát triển kinh tế mọi nước trên thế giới, kể cả các nước lớn như Mỹ, Nhật hay châu Âu và đương nhiên là cả ở Việt Nam. Như vậy, trong quan hệ hợp tác kinh tế Việt-Hàn, doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng phải trở thành xương sống chứ không phải chỉ là các tập đoàn hàng đầu. Đây chính là vấn đề đang còn hạn chế mà chúng ta cần khắc phục".
Dưới góc độ địa phương, ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre chia sẻ: "Về mặt pháp lý, Việt Nam đã có những chính sách cởi mở và phù hợp tuy nhiên vẫn còn một số những vướng mắc và tôi cũng đồng tình với các diễn giả. Cụ thể hơn nữa là vấn đề thu hút vồn về địa phương, chúng tôi nhận thấy thủ tục hành chính là vấn đề cản trở lớn nhất chứ không phải là pháp lý. Pháp lý hiện đã rất rõ ràng và cởi mở rồi. Nếu chính quyền địa phương tham gia hỗ trợ từng khâu thì sẽ thuận lợi và rất nhanh còn nếu như địa phương nào mà không thực hiện tiến trình này thì sẽ làm kéo dài quá trình để các doanh nghiệp nước ngoài có thể đầu tư, trong đó có Hàn Quốc. Tại địa phương chúng tôi, trong thời gian vừa qua cũng đã cố gắng làm rất tốt. Trong tháng 7 vừa rồi, Bến Tre đứng thứ 2/63 tỉnh thành về giải quyết thủ tục hành chính, có nghĩa là đã phấn đấu để giải quyết thủ tục hành chính, còn những thủ tục khác tôi đánh giá là tương đối tốt".
Hướng đi nào để thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt-Hàn trong thời gian tới?
Cũng tại buổi tọa đàm, các diễn giả đưa ra nhiều giải pháp để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong thời gian tới.
GS Hà Tôn Vinh chia sẻ: "Chính phủ, người dân và doanh nghiệp cần phải hỗ trợ lẫn nhau và phân công một số công việc thật cụ thể. Chính phủ nên chú trọng vào công tác quản lý, giám sát, bảo đảm quyền lợi công bằng trong vấn đề cạnh tranh, nhưng đồng thời doanh nghiệp phải đứng đầu và tiên phong".
Hiện nay, Việt Nam đang chủ trương xây dựng một nhà nước kiến tạo và chính Hàn Quốc là một điển hình thành công về nhà nước kiến tạo trên thế giới, được ví như con rồng châu Á. Và mô hình thành công của Hàn Quốc được dẫn dắt bởi chính sách công nghiệp. Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc đều rất mạnh trong việc xây dựng được chính sách công nghiệp để dẫn dắt sự phát triển của đất nước. Bàn về vấn đề này, TS. Vũ Tiến Lộc nói: "Tại Hàn Quốc, việc đầu tư vào đâu, phát triển ngành đóng tàu như thế nào, ngành ô tô thế nào, ngành luyện kim như thế nào, ngành điện tử như thế nào đều có vai trò dẫn dắt của chính sách công nghiệp từ chính phủ, thậm chí chính phủ còn mời từng doanh nghiệp tư nhân đến để giao cho nhiệm vụ phát triển các ngành công nghiệp và chính phủ sẽ hỗ trợ họ".
"Trong khi đó, chính sách công nghiệp của chúng ta trong thời gian vừa rồi thì thực sự chưa đủ mạnh như vậy. Một trong những điều rất quan trọng mà chúng ta đang kém phát triển là công nghiệp hỗ trợ. Cho đến thời điểm này chúng ta chưa có luật về công nghiệp hỗ trợ mà mới chỉ có Nghị định về công nghiệp hỗ trợ. Có thể nói chính sách vẫn còn rất yếu ớt và chính vì vậy mà công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển. Phần lớn nguyên liệu vật tư là chúng ta phải nhập từ bên ngoài vào và nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế gia công lắp ráp chứ không phải ngành công nghiệp chế tạo theo đúng nghĩa của nó. Chính vì thế, tôi nghĩ chúng ta cần tăng cường trong quan hệ hợp tác Việt-Hàn để Việt Nam có thể học hỏi và trao đổi kinh nghiệm. Đây chính là nhiệm vụ cấp bách trong thời gian tới", ông Lộc chia sẻ.
Từ góc độ doanh nghiệp, tại tọa đàm, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty Cp Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình chia sẻ: "Việt Nam hiện là quốc gia số 1 về xuất khẩu xi măng, đồ gỗ nội thất đứng thứ 2 thế giới. Từ con số 0 Việt Nam đã có thứ hạng trên thế giới và điều đó cho thấy chuỗi cung ứng vật liệu xây dựng của Việt Nam rất cao và nguồn lao động trong ngành xây dựng của Việt Nam rất dồi dào. Hiện nay chúng ta có đến 9.000 kĩ sư xây dựng. Nguồn nhân lực xây dựng này có thể bổ sung cho Hàn Quốc, vì hiện nay giới trẻ Hàn Quốc không mặn mà với ngành xây dựng và vì vậy họ thiếu nguồn lực trong xây dựng".
Về phái đoàn Hàn Quốc, ông Lee Dong Bok, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Giáo dục Việt Nam-Hàn Quốc (KVACC) nhận định: "Chúng tôi hướng tới hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo chúng tôi, đào tạo nhân lực rất quan trọng. Tại Hàn Quốc chi phí nhân công rất đắt, một trong những vấn đề khiến chúng tôi chọn Việt Nam là vấn đề chi phí nhân công. Chúng tôi cũng coi trọng việc chuyển giao kỹ thuật cho doanh nghiệp Việt Nam. Nếu chúng ta chỉ tập trung vào doanh nghiệp lớn thì sức bật sẽ không nhiều. Chúng tôi mong các vị lãnh đạo tạo điều kiện cho chúng tôi hoàn thành việc đào tạo nhân lực công nghệ cao. Chúng tôi sẽ thúc đẩy và hi vọng các doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia tọa đàm sẽ mở rộng nguồn vốn đầu tư tại Việt Nam. Thủ tục hành chính là vấn đề khó khăn với doanh nghiệp muốn tham gia đầu tư vào Việt Nam. Mong chính phủ Việt Nam sẽ hỗ trợ không chỉ doanh nghiệp lớn mà còn quan tâm tới cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa Hàn Quốc để các họ có nhiều hơn nữa cơ hội tại Việt Nam".
Ngoài bàn về tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong 30 năm qua, tọa đàm được tổ chức chính là nơi để các doanh nghiệp, đơn vị tham gia quảng bá hình ảnh, thương hiệu, sản phẩm và thông tin tới khách hàng trong nước và quốc tế về những thành tựu mà đơn vị đã nỗ lực phấn đấu đạt được.
Một đại diện Hiệp hội Xuất nhập khẩu Hàn Quốc chia sẻ: "Đơn vị của chúng tôi có thể hỗ trợ doanh nghiệp thông qua cả online và offline. Hiện cơ quan chúng tôi hỗ trợ nhiều cho các start-up (doanh nghiệp khởi nghiệp) không có năng lực về vốn, và chúng tôi đã hình thành đặc khu cho các doanh nghiệp này. Chúng tôi mong qua chương trình này, các doanh nghiệp yếu về vốn ở Việt Nam có thể kết nối, tham gia cùng chúng tôi. Chúng tôi mong muốn biết thêm về chính sách hỗ trợ với doanh nghiệp nhỏ tại Việt Nam và buổi tọa đàm ngày hôm nay đã đưa đến những thông tin rất bổ ích đối với một đơn vị đến từ Hàn Quốc như chúng tôi”.
Tại buổi tọa đàm đã có nhiều doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc tìm đến được với nhau để thực hiện những ký kết hợp tác, tạo bước đầu tiên để hiện thưc hóa những cái bắt tay trong thời gian tới cũng như biến những kế hoạch thành hành động thực tế. Ủy ban Hỗ trợ kinh tế Hàn – Việt hứa hẹn sẽ là cầu nối vững chắc cho sự hợp tác giữa doanh nghiệp 2 nước.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/viet-nam-han-quoc-trien-vong-hop-tac-tuoi-sang-tren-nen-tang-30-nam-thiet-lap-quan-he-ngoai-giao-a169511.html