Lợi nhuận PHC giảm do “phóng tay” cho chi phí quản lý
Các con số kinh doanh của Phục Hưng Holdings cho thấy, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ 6 tháng đầu năm 2022 đạt 709 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu của doanh nghiệp tuy tăng, nhưng lợi nhuận sau thuế trong giai đoạn này lại sụt giảm khá mạnh, chỉ đạt chưa tới 16 tỷ đồng, giảm tới 57% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu nửa đầu năm 2022 của Phục Hưng Holdings (PHC) tăng, nhưng lợi nhuận lại sụt giảm. Ảnh: T.L
Tham vọng mới của TNR Holdings Vietnam “Sức khỏe tài chính” của Sabeco: Nợ giảm, lợi nhuận tăng cao ROS tăng vốn khống trước khi niêm yết là hành vi bị cấm theo quy định tại Luật Doanh nghiệp
Riêng trong quý II/2022, doanh thu thuần của Phục Hưng Holdings đạt 289 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế quý II/2022 đạt gần 10 tỷ đồng, giảm 70% so với cùng kỳ năm trước.
Trúng gói thầu trị giá 560 tỷ đồng
Mới đây, Phục Hưng Holdings vừa ký kết hợp đồng tổng thầu thi công xây dựng Dự án khu liên hiệp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, với giá trị gần 560 tỷ đồng. Tổng thời gian dự kiến thi công gói thầu này là 14 tháng.
Một trong những lý do khiến cho lợi nhuận nửa đầu năm 2022 sụt giảm dù doanh thu tăng là chi phí quản lý của công ty trong giai đoạn này có xu hướng tăng mạnh.
Theo giải thích của Phục Hưng Holdings, chi phí quản lý tăng do bộ máy quản lý được cải cách, mở rộng và nâng cao trình độ để sẵn sàng cho nhịp tăng trưởng mới. Việc này dẫn đến chi phí quản lý doanh nghiệp nửa đầu năm 2022 đã tăng tới 47% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, một trong những nguyên nhân khác làm sụt giảm lợi nhuận là việc sụt giảm của doanh thu hoạt động tài chính, từ mức 42,4 tỷ đồng nửa đầu năm 2021 xuống chỉ còn 2,3 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2022. Diễn biến này là do sự ghi nhận doanh thu đột biến từ hoạt động tài chính trong năm ngoái, trong khi năm nay công ty không có khoản thu nhập này.
Sự sụt giảm lợi nhuận của Phục Hưng Holdings có thể cũng là một trong những nguyên nhân làm đảo chiều xu hướng giá cổ phiếu PHC trên sàn chứng khoán trong một số phiên giao dịch gần đây.
Trước đó, cổ phiếu này từng có giai đoạn tăng giá khá tốt, từ mức khoảng 7.000 đồng/cổ phiếu vào tháng 6/2022, lên mặt bằng 9.000 đồng/cổ phiếu vào cuối tháng 8/2022. Sau đó, cổ phiếu này đã có một số phiên điều chỉnh giảm do áp lực bán gia tăng tại một số thời điểm cuối tháng 8/2022.
Tỷ lệ nợ cao dần
Ngoài các con số kinh doanh, một trong những điểm đáng chú ý khác trong số liệu tài chính của Phục Hưng Holdings là diễn biến xấu dần đi của cơ cấu tài chính, khi nợ phải trả có diễn biến tăng lên, trong khi vốn chủ sở hữu lại giảm trong nửa đầu năm 2022.
Phục Hưng Holdings (PHC) là doanh nghiệp ngành xây dựng. Ảnh: T.L
Theo báo cáo tài chính đã soát xét 6 tháng đầu năm 2022 của Phục Hưng Holdings, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp ngành xây dựng này giảm từ 699 tỷ đồng thời điểm đầu năm, xuống còn 666 tỷ đồng vào giữa năm 2022 (giảm 4,7%). Trong khi đó, xu hướng của quy mô nợ lại diễn biến theo chiều ngược lại, với giá trị nợ phải trả đã tăng từ 1.767 tỷ đồng thời điểm đầu năm, lên mức 1.878 tỷ đồng vào giữa năm 2022 (tăng 6,3%).
Đặc biệt, nợ phải trả tăng chủ yếu do tăng nợ ngắn hạn, từ mức 1.604 tỷ đồng đầu năm lên 1.721 tỷ đồng vào giữa năm (tăng 7,3%). Trong đó, quy mô vay tài chính ngắn hạn cũng tăng trong giai đoạn này, từ 778 tỷ đồng thời điểm đầu năm lên 898 tỷ đồng vào giữa năm (tăng khoảng 15,4%).
Dòng tiền đầu tư và kinh doanh đều âm
Diễn biến dòng tiền của Phục Hưng Holdings trong nửa đầu năm 2022 ghi nhận lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 38,5 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước âm 29 tỷ đồng). Trong khi đó, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư ghi nhận âm 106 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước dương gần 31 tỷ đồng).
Nợ tăng, trong khi vốn chủ sở hữu giảm khiến cho tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu của Phục Hưng Holdings đã tiếp tục tăng trong nửa đầu năm 2022, từ mức 2,5 lần thời điểm đầu năm lên mức trên 2,8 lần vào thời điểm giữa năm.
Với con số này, tỷ lệ nợ của Phục Hưng Holdings đang ở mức cao hơn khá nhiều so với một số doanh nghiệp ngành xây dựng khác, cụ thể tỷ lệ này của Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã cổ phiếu VCG) là 2,2 lần, của Công ty cổ phần Fecon (mã cổ phiếu FCN) là 1,3 lần, còn của Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (mã cổ phiếu CTD) là khoảng 1 lần…
Diễn biến tăng của nợ phải trả - đặc biệt là nợ ngắn hạn - khiến cho quy mô nợ ngắn hạn của Phục Hưng Holdings đang tiến tiệm cận với quy mô tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp này. Cụ thể nợ ngắn hạn lên tới 1.720 tỷ đồng, còn tổng tài sản ngắn hạn là 1.869 tỷ đồng.
Với con số này, về lý thuyết doanh nghiệp vẫn đảm bảo đủ tổng giá trị tài sản ngắn hạn để đáp ứng các khoản nợ ngắn hạn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, với giá trị tài sản ngắn hạn lớn hơn quy mô nợ ngắn hạn không nhiều cũng là thông điệp cảnh báo doanh nghiệp về khả năng thanh toán nợ ngắn hạn. Đặc biệt với Phục Hưng Holdings, tài sản ngắn hạn đang bị phụ thuộc khá nhiều ở các khoản phải thu ngắn hạn.
Riêng giá trị các khoản phải thu ngắn hạn của doanh nghiệp này tại thời điểm 30/6/2022 là 1.189 tỷ đồng, trong khi đó, những tài sản ngắn hạn có tính thanh khoản cao gần như không đáng kể, cụ thể tiền (và tương đương tiền) chỉ có 28,8 tỷ đồng, còn các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn chỉ chưa đến 1,9 tỷ đồng. Yếu tố này cho thấy năng lực thanh toán nợ ngắn hạn của doanh nghiệp hầu như phụ thuộc vào khả năng thu nợ và nếu có bất cứ rủi ro liên quan đến kết quả thu nợ cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng trả các khoản nợ ngắn hạn của công ty./.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/phuc-hung-holdings-truoc-thuc-trang-no-tang-von-giam-a169841.html