Cục An toàn thực phẩm khẳng định không cấp giấy trên cho sản phẩm Hoàng Kim Giáp biệt dược của Hợp tác xã thuốc Nam gia truyền dân tộc Dao (địa chỉ: Thôn Hợp Sơn, xã Hợp Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội).
Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế phát hiện “Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm” của Hoàng Kim Giáp biệt dược (ngày 5/10/2018) là giả mạo.
Cục An toàn thực phẩm khẳng định giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm cho sản phẩm Hoàng Kim Giáp biệt dược nêu trên là giả mạo.
Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, Cục An toàn thực phẩm đề nghị người tiêu dùng không căn cứ theo Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm nêu trên để quyết định mua và sử dụng sản phẩm có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế.
Tại trang website sản phẩm này được quảng cáo là “bào chế bởi nhiều thảo dược quý như: Xạ hôi, bột tam thất, cao xạ đen, trinh nữ hoàng cung, cao huyền sâm... điều trị dứt điểm u tuyến giáp, bướu cổ” và “phương pháp chữa u tuyến giáp bằng thảo dược không cần mổ, không bị tác dụng phụ”.
Không chỉ vậy, sản phẩm còn được quảng cáo có dây chuyền sản xuất hiện đại đạt chuyển GMP - WHO, được Bộ Y tế cấp phép và lưu hành sử dụng.
Trước đó, Cục An toàn thực phẩm cũng phát đi cảnh báo khẳng định “Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm” của sản phẩm thuốc đông y gia truyền viên xương khớp Mộc Y Lâm cũng là giả mạo.
Cục không cấp giấy này cho sản phẩm Mộc Y Lâm của Hộ kinh doanh nhà thuốc gia truyền Phạm Anh Đào (địa chỉ: phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội).
Còn về các sản phẩm tân dược, thời gian gần đây, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) liên tục có văn bản cảnh báo về sự xuất hiện, lưu hành nhiều loại thuốc giả ở cơ sở bán thuốc lẻ thuốc đến các sàn thương mại điện tử. Do đó, Sở Y tế tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra nhằm kiểm soát chặt chẽ giá và chất lượng thuốc.
Việc sử dụng thuốc giả sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người sử dụng và thậm chí có thể đến mức gây tử vong. Tuy nhiên bệnh nhân thường rất khó để phân biệt một sản phẩm là thuốc giả bởi vì chúng thường được đóng gói một cách kỹ lưỡng để làm sao cho giống hệt với các thuốc chính hãng. Đôi khi kết quả phân tích tại các cơ sở kiểm nghiệm mới có thể là cách duy nhất để xác định sự khác biệt giữa thuốc thật và thuốc giả mạo.
Theo các chuyên gia y tế, thuốc giả không chỉ là bất hợp pháp mà còn là mối quan ngại lớn đối với sức khỏe cộng đồng. Điều trị bằng thuốc giả mạo không hiệu quả như đối với trường hợp kháng sinh có thể dẫn đến sự xuất hiện của các vi khuẩn kháng thuốc.
Đối với người mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường… phải dùng thuốc trong thời gian lâu dài, nếu dùng phải thuốc giả thì rõ ràng tính mạng bị đe dọa nghiêm trọng, quá trình điều trị không hiệu quả, bệnh tật phát triển thêm khi mà cả cán bộ y tế và người bệnh đều cho rằng đã sử dụng đúng loại thuốc phù hợp.
Với các thuốc giả, những tác dụng phụ trên bệnh nhân có khả năng xảy ra thường xuyên và khó kiểm soát do cán bộ y tế không xác định chính xác thành phần hoạt chất trong thuốc giả trong đó nguy hiểm nhất là ngộ độc thuốc và dị ứng thuốc.
Một số trường hợp thuốc giả chứa hoạt chất, thậm chí là tá dược kém chất lượng, tồn dư các kim loại nặng và các chất độc sẽ có thể gây triệu chứng nhiễm độc hay suy giảm chức năng các cơ quan quan trọng của cơ thể.
Các thuốc giả được sản xuất tại cơ sở không đảm bảo điều kiện và tiêu chuẩn quy định có thể chứa nhiều vi khuẩn và nấm mốc, điều này đặc biệt nghiêm trọng đối với trường hợp các thuốc dùng đường tiêm hoặc trên những người bệnh bị suy giảm miễn dịch.
Từ những hậu quả gây hại như vậy thuốc giả có thể làm giảm niềm tin của cộng đồng vào hệ thống chăm sóc sức khỏe, các chuyên gia y tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của các nhà cung cấp dược phẩm chân chính.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/san-pham-hoang-kim-giap-biet-duoc-bi-phat-hien-gia-mao-cong-bo-san-pham-a169843.html