Đấu thầu tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội): Vì sao chuộng hợp đồng trọn gói?

Gói thầu số 9 Thi công xây dựng phần tuyến đường thuộc Dự án Đường từ chợ Sẽ, xã Hồng Phong đi xã Đồng Lạc, Tỉnh lộ 429 có giá trúng thầu 103,373 tỷ đồng, thời gian thực hiện hợp đồng 715 ngày, khối lượng thi công lớn, thời gian thi công dài nhưng áp dụng loại hợp đồng trọn gói (HĐTG).

Dự án Đường từ chợ Sẽ, xã Hồng Phong đi xã Đồng Lạc, Tỉnh lộ 429 có tổng mức đầu tư 158,302 tỷ đồng. Ảnh: Nguyễn Hưng

Dự án Đường từ chợ Sẽ, xã Hồng Phong đi xã Đồng Lạc, Tỉnh lộ 429 có tổng mức đầu tư 158,302 tỷ đồng. Ảnh: Nguyễn Hưng

Áp dụng HĐTG là tình trạng chung của tất cả 180 gói thầu do Ban Quản lý dự án (QLDA) đầu tư xây dựng (ĐTXD) huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư (CĐT) được công bố kết quả lựa chọn nhà thầu (KQLCNT) từ năm 2020 trở lại đây.

Gói thầu số 9 là gói thầu chính của Dự án (có tổng mức đầu tư 158,302 tỷ đồng, sử dụng ngân sách hỗ trợ của thành phố Hà Nội và ngân sách huyện Chương Mỹ), được đấu thầu rộng rãi qua mạng nhưng chỉ có 1 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu (HSDT) và trúng thầu là Liên danh Công ty CP Quản lý và Xây dựng đường bộ I Hà Tây - Công ty CP Xây dựng Tư vấn đầu tư Thiên Sơn, với giá trúng thầu là 103,373 tỷ đồng (giảm 3,345 tỷ đồng so với giá gói thầu, đạt tỷ lệ tiết kiệm 3,13%). Dự án gồm 7 gói thầu, được ông Nguyễn Đình Hoa - Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ phê duyệt kế hoạch LCNT vào ngày 22/6/2022, tất cả các gói thầu đều áp dụng HĐTG.

Theo khảo sát của phóng viên Báo Đấu thầu, HĐTG là loại hợp đồng được áp dụng tại hàng trăm gói thầu do Ban QLDA ĐTXD huyện Chương Mỹ làm CĐT, trực tiếp mời thầu từ năm 2016 trở lại đây.

Trong khoảng 3 năm trở lại đây, khó khăn liên tục bủa vây nhà thầu do “bão giá” vật liệu xây dựng, giá nhân công tăng cao, giá xăng dầu liên tục tăng. Nhà thầu, các hiệp hội liên tục kêu cứu tới Chính phủ, Quốc hội, bộ, ngành để tháo gỡ khó khăn, trong đó việc áp dụng HĐTG được xem là “ngõ cụt”, không lối thoát đối với nhà thầu. Đặc biệt, với những gói thầu quy mô lớn (công trình trăm tỷ đồng), thời gian thực hiện dài (gần 2 năm), khối lượng thi công khó xác định chính xác mà áp HĐTG thì nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn khi giá cả tăng cao.

Ngày 26/8/2022, trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, đại diện Công ty CP Xây dựng Tư vấn đầu tư Thiên Sơn cho biết, hiện nay, Liên danh nhà thầu và CĐT đang thương thảo, dự kiến ký hợp đồng vào cuối tháng 8/2022 và triển khai thi công từ tháng 9/2022. Với HĐTG, nhà thầu càng làm càng lỗ nhưng loại hợp đồng này đã được cấp có thẩm quyền “ấn định”, phê duyệt từ đầu nên không thay đổi và thương lượng được. Ở những công trình đang thi công theo HĐTG, Nhà thầu đang mắc kẹt và lỗ nặng.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho rằng, nên “khai tử” HĐTG đối với các gói thầu xây lắp quy mô lớn (từ 20 tỷ đồng trở lên) bởi đây là loại hợp đồng “giết” nhà thầu, đẩy nhà thầu vào cảnh túng quẫn. Với loại hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh, lúc giá cả thị trường biến động mạnh thì nhà thầu còn được thanh toán; với hợp đồng theo đơn giá cố định, khi phát sinh khối lượng, nhà thầu cũng có cơ sở để thanh toán, còn với HĐTG, nhất là công trình quy mô lớn, thời gian thực hiện dài, không có cơ chế “chữa cháy” cho nhà thầu.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, đại diện một bên mời thầu ở Hà Nội cho biết, so với các loại hợp đồng khác thì HĐTG sẽ thuận tiện hơn cho CĐT trong thủ tục thanh toán, nhất là các CĐT “non yếu” về chuyên môn hoặc ngại làm thủ tục thanh toán điều chỉnh. Vì thế, mặc dù biết có bất cập và gây khó khăn cho nhà thầu nhưng nhiều CĐT vẫn cố ép áp dụng HĐTG với các gói thầu xây lắp quy mô lớn.

Khảo sát của phóng viên Báo Đấu thầu cho thấy, hàng loạt gói thầu xây lắp áp dụng HĐTG do Ban QLDA ĐTXD huyện Chương Mỹ mời thầu đều chỉ có 1 nhà thầu tham dự. Theo ý kiến của một nhà thầu “trong cuộc”, chính HĐTG đã khiến các nhà thầu không mặn mà, ít quan tâm các gói thầu do Ban mời thầu.

Chiều ngày 26/8/2022, trả lời phóng viên Báo Đấu thầu, cán bộ của Ban QLDA ĐTXD huyện Chương Mỹ cho biết, trước đây, khi áp dụng một số loại hợp đồng khác như hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh, Ban hay bị các cơ quan thanh tra có ý kiến về việc thanh toán hợp đồng, nên sau đó, khi xây dựng và trình UBND Huyện phê duyệt kế hoạch LCNT, Ban đều đề xuất áp dụng HĐTG.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/dau-thau-tai-huyen-chuong-my-ha-noi-vi-sao-chuong-hop-dong-tron-goi-a169859.html