Một phiên giao dịch của thị trường chứng khoán Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục xu hướng đi xuống trong tuần này, ghi nhận tuần mất điểm thứ ba liên tiếp, chịu tác động chính bởi lời cảnh báo của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell về việc tăng lãi suất mạnh hơn để chống lạm phát.
Hầu hết các thị trường đã sụt giảm kể từ cuối tuần trước (ngày 26/8) sau khi ông Jerome Powell lên tiếng về khả năng Fed tiếp tục mạnh tay tăng lãi suất vào thời gian sắp tới và không có khả năng xoay trục chính sách tiền tệ theo hướng ôn hòa hơn.
Phát biểu này được đưa ra khi Fed đang nỗ lực chống lại lạm phát ở mức cao nhất trong bốn thập kỷ và chấp nhận những tác động của nó đối với nền kinh tế.
Những bình luận trên đã giáng một đòn mạnh vào tâm lý giới đầu tư. Trước đó trong những tuần gần đây, các thị trường vẫn đang phục hồi từ mức thấp của tháng Sáu do một số dữ liệu kinh tế yếu kém và tốc độ tăng giá chậm lại làm dấy lên hy vọng Fed sẽ kiềm chế đà tăng lãi suất, thậm chí có khả năng bắt đầu hạ lãi suất vào năm tới.
Bà Ipek Ozkardeskaya, nhà phân tích của Ngân hàng Swissquote (Thụy Sỹ), cho biết các số liệu kinh tế mạnh mẽ sẽ thúc đẩy ý tưởng rằng nền kinh tế Mỹ không cần thêm sự trợ giúp từ Fed. Do đó, không có lý do gì để Fed thay đổi lập trường cứng rắn hiện thời.
Đà trượt dốc của thị trường kéo dài sang tuần này, khi cả ba chỉ số chính của Phố Wall liên tục chứng kiến “sắc đỏ”. Theo dữ liệu do Dow Jones Market Data tổng hợp, chỉ số Dow Jones kết thúc tháng 8/2022 với mức giảm 3,9%, trong khi S&P 500 mất 4,2% và Nasdaq lùi 4,6%.
Phiên giao dịch cuối tuần ngày 2/9, Phố Wall ghi dấu phiên giảm điểm thứ sáu liên tiếp, dù cho chỉ số Dow Jones mở cửa với “sắc xanh”.
Kết thúc phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones xóa sạch đà tăng 370 điểm của phiên sáng và chốt với mức giảm 337.98 điểm (tương ứng 1,1%) xuống 31.318,44 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,1%, xuống còn 3.924,26 điểm, mức đóng cửa thấp nhất kể từ tháng 7/2022.
Còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite hạ 1,3%, xuống còn 11.630,86 điểm, ghi nhận chuỗi 6 phiên giảm điểm liên tiếp đầu tiên kể từ năm 2019.
Cả ba chỉ số này đều giảm điểm trong tuần qua và đánh dấu tuần đi xuống thứ ba liên tiếp. Tính chung cả tuần, Dow Jones và S&P 500 mất lần lượt 3% và 3,3%, trong khi Nasdaq hạ 4,2%.
Thông tin giúp trấn an các nhà đầu tư trong phiên này là báo cáo việc làm của Mỹ trong tháng 8/2022. Theo đó, nền kinh tế Mỹ có thêm 315.000 việc làm trong tháng Tám vừa qua, chỉ thấp hơn chút ít so với ước tính có thêm 318.000 việc làm của Dow Jones.
Tỷ lệ thất nghiệp của nước này cũng chỉ tăng nhẹ so với dự báo, lên mức 3,7%. Báo cáo việc làm tháng Tám đóng vai trò đặc biệt quan trọng vì đây là một trong những báo cáo kinh tế lớn cuối cùng mà Fed sẽ cân nhắc trước khi tăng lãi suất tại cuộc họp vào tháng Chín.
Callie Cox, nhà phân tích đầu tư tại công ty dịch vụ giao dịch tài chính eToro, có trụ sở tại Tel Aviv (Israel), cho biết: “Vẫn còn rất nhiều lo ngại về những gì sẽ diễn ra trong vài tháng tới. Lạm phát và thị trường việc làm đang trở lại cân bằng, nhưng cái giá phải trả là gì?”.
Số liệu kinh tế quan trọng cuối cùng đáng chú ý là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Tám, dự kiến được công bố vào ngày 13/9 tới, và nhiều khả năng sẽ quyết định mức độ quyết liệt trong chính sách lãi suất của Fed trong ngắn hạn./.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/chung-khoan-my-ghi-nhan-tuan-giam-diem-thu-ba-lien-tiep-a170629.html