23 ô đất quy hoạch trường học bị bỏ không trong khu đô thị
Trao đổi với PV Dân trí sáng 3/9, một lãnh đạo UBND huyện Thanh Oai (Hà Nội) xác nhận, đứng trước lo ngại thiếu trường, thiếu lớp, cử tri trên địa bàn đã kiến nghị Hà Nội thu hồi 21 điểm trường công lập để địa phương đầu tư công.
Cụ thể, vào năm 2021, cử tri huyện Thanh Oai đã đề nghị thành phố chỉ đạo bàn giao hàng loạt điểm trường công lập theo quy hoạch tại Khu đô thị Thanh Hà cho huyện quản lý; đồng thời quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống các trường công lập để đảm bảo đủ trường, đủ lớp cho học sinh tại khu đô thị cũng như trên địa bàn xã Cự Khê (huyện Thanh Oai).
Trả lời cử tri, UBND TP Hà Nội cho hay, theo Quyết định số 3229/QĐ-UBND ngày 13/7/2015 về việc phê duyệt Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chi tiết Khu đô thị Thanh Hà - Cienco5, tỷ lệ 1/500 thì nơi đây có 23 ô đất quy hoạch để xây dựng trường học. Trong đó, 21 ô đất xây dựng trường mầm non, tiểu học, THCS; 2 ô đất xây dựng trường THPT.
Việc bàn giao đất xây dựng các công trình hạ tầng xã hội, trong đó có xây dựng trường học là điều kiện khi UBND tỉnh Hà Tây trước đây xem xét giao đất cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 21 điểm trường công lập chưa được đầu tư xây dựng.
Trước kiến nghị của cử tri, UBND TP Hà Nội hứa hẹn sẽ giao Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra, làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư và đôn đốc việc bàn giao toàn bộ các ô đất quy hoạch xây trường học để đầu tư, xây dựng các công trình phục vụ nhu cầu của cư dân.
Tuy nhiên, sau hơn một năm trả lời kiến nghị nêu trên, ngày 3/9, lãnh đạo UBND huyện Thanh Oai cho biết, hiện mọi thứ vẫn "yên ắng", đất vẫn bỏ không để cỏ mọc um tùm.
"Cá nhân tôi rất mong muốn được thành phố giao lại đất để đầu tư công, xây trường, đáp ứng nhu cầu cho nhân dân trên địa bàn. Huyện đã ý kiến về vấn đề này rất nhiều lần. Cử tri trên địa bàn cũng đã kiến nghị rất nhiều rồi. Rất mong thành phố với các Sở, ngành quan tâm, vào cuộc quyết liệt hơn nữa" - vị lãnh đạo nói và cho biết, nếu phủ kín các căn hộ trong Khu đô thị Thanh Hà thì ước tính sẽ có khoảng 20 vạn dân sinh sống và khi đó, nhu cầu về hạ tầng, cơ sở giáo dục của người dân là rất lớn.
Xây nhà thì nhanh, xây trường thì chậm
Câu chuyện chủ đầu tư khu đô thị "mải mê" xây nhà, chậm xây trường cũng xảy ra tại địa bàn quận Hà Đông.
Hồi tháng 6 vừa qua, tại buổi giám sát của Tổ đại biểu số 10 HĐND TP Hà Nội về công tác quản lý, triển khai thực hiện dự án xây dựng trường học tại các khu đô thị, lãnh đạo UBND quận Hà Đông đã dự báo 5 năm tới, quận sẽ thiếu trường học trầm trọng.
Theo báo cáo của các đơn vị, trên địa bàn quận Hà Đông có 4 nhà đầu tư được giao làm chủ đầu tư 22 dự án trường học trong các khu đô thị gồm: Khu đô thị mới Lê Trọng Tấn (Khu đô thị Geleximco - PV), Khu đô thị mới Phú Lương, Khu đô thị mới Dương Nội, Khu đô thị mới Văn Khê.
Tuy nhiên, việc triển khai đầu tư xây dựng dự án còn chậm so với quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư. Đặc biệt, việc đầu tư xây dựng trường học chưa theo kịp tiến độ xây dựng công trình nhà ở, chưa đáp ứng được nhu cầu về trường học trên địa bàn. Vì thế, đến nay mới có 8/22 dự án trường học hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Phạm Thị Hòa cho hay, quận có diện tích hơn 47km2, dân số gần 50 vạn dân. Mỗi năm, số học sinh tăng từ 6.000 đến 7.000 học sinh, sĩ số trung bình 60 học sinh/lớp, nhóm trẻ.
Để không bị thiếu trường học trầm trọng, lãnh đạo quận Hà Đông đề nghị các chủ đầu tư sớm hoàn thiện các thủ tục pháp lý để hoàn thành xây dựng các dự án trường học theo quy định; đề nghị các sở, ngành của thành phố cùng với quận có các giải pháp tháo gỡ các vướng mắc trong thực hiện các dự án trường học, để sớm hoàn thiện các trường, đưa vào phục vụ dạy học.
Trao đổi với PV Dân trí, một lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông cho biết, hiện áp lực về cơ sở hạ tầng, trường học trên địa bàn vẫn đáp ứng đủ. Bởi lẽ, hàng năm, quận vẫn quan tâm, đầu tư xây dựng trường mới. Trên địa bàn quận hiện có 138 trường học các cấp, trong đó có 41 trường tư thục.
Chia sẻ quan điểm cá nhân, vị lãnh đạo này cho rằng các khu đô thị không cần xây ồ ạt tất cả các điểm trường cùng một lúc vì có thể xảy ra tình trạng không có học sinh, gây lãng phí nguồn lực của doanh nghiệp. Thay vào đó, cơ quan chuyên môn cần dự báo khu vực nào sẽ có dân cư tăng trưởng nhanh rồi tính toán xây trường học ở khu vực đó cho phù hợp.
Vấn đề thiếu trường tại các khu đô thị không phải là điều mới mẻ. Vào năm 2019, câu chuyện này cũng đã được Ban Văn hóa - xã hội của HĐND TP Hà Nội chỉ rõ.
Báo cáo về kết quả giám sát việc xây dựng trường học tại các khu đô thị trên địa bàn thành phố (từ năm 2016-2019) thể hiện, nhiều khu đô thị mới, khu nhà ở có quy hoạch đất xây dựng nhà trẻ, trường học nhưng việc đầu tư xây dựng chưa đảm bảo đồng bộ, chậm xây dựng trường học, nhà trẻ so với tiến độ xây dựng nhà ở trong dự án.
Ở giai đoạn này, hàng loạt khu đô thị bị đoàn giám sát nêu tên. Cụ thể: Khu đô thị mới Phùng Khoang, Khu nhà ở Đài phát thanh phát sóng Mễ Trì, Khu đô thị Xuân Phương - Viglacera, Khu đô thị Thành phố giao lưu, Khu đô thị Đoàn ngoại giao, Khu đô thị mới Cổ Nhuế - Xuân Đỉnh, Dự án khu nhà ở và công trình công cộng tại Cổ Nhuế, Khu nhà ở để bán Quang Minh - Vinaconex 2, Khu đô thị Lê Trọng Tấn - Geleximco Khu đô thị mới Vân Canh, Khu nhà ở Vĩnh Hoàng, Khu chức năng đô thị Ao Sào, Khu đô thị mới Cầu Bươu, Khu nhà ở Thạch Bàn, Khu đô thị Đặng Xá, Khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp, Khu đô thị mới Việt Hưng…
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/chi-chit-chung-cu-o-ha-noi-chu-dau-tu-mai-me-xay-nha-quen-xay-truong-a170640.html