Hệ lụy từ những công trường khai thác khoáng sản (Bài 2): Vi phạm "treo" trên vách núi, "tràn" ra môi trường

Ở hai thủ phủ đá Thanh Hóa và Nghệ An, nhiều sai phạm thấy rõ, nhưng phổ biến nhất là khai thác vượt quá công suất, vượt mốc giới, chưa đúng thiết kế xây dựng cơ sở… và khai thác trái phép.

Hàng trăm điểm mỏ có nguy cơ khai thác trái phép

Theo quan sát của Phóng viên Báo điện tử Dân Việt tại thủ phủ khai thác đá của tỉnh Nghệ An với hàng chục mỏ đá lớn, nhỏ đang hoạt động rầm rộ, tiếng máy khoan, xe tải, máy xúc, mìn nổ, đá lăn vang vọng khắp một vùng quê miền núi tưởng chừng như yên ả nhưng lại ầm ĩ không tưởng.

Huyện Quỳ Hợp được thiên nhiên ban tặng nhiều loại đá có giá trị, đặc biệt là đá hoa trắng, vậy nên Quỳ Hợp là nơi được cấp phép nhiều mỏ đá nhất của tỉnh Nghệ An. Việc quản lý có phần lỏng lẻo đã dẫn đến tình trạng khai thác đá trái phép quy mô lớn, nhiều vi phạm liên quan đã xảy ra ở Quỳ Hợp.

img16399756363831639985656911-16527601136531486550048-16527618594501256714938-1662376452.jpeg
Khai thác đá trắng tại huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An. Ảnh: ĐT

Như cuối tháng 9/2021, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Nghệ An đã tống đạt quyết định khởi tố 5 bị can trong vụ án "Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên" theo Khoản 2, Điều 227 Bộ luật Hình sự xảy ra vào ngày 13/7/2021 tại xóm Kèn, xã Châu Lộc, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An.

Trước đó, vào thời gian trên, Phòng Cảnh sát Kinh tế phối hợp với Phòng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh Nghệ An đã kiểm tra, phát hiện, bắt quả tang 23 đối tượng đang có hành vi sử dụng các phương tiện máy móc khai thác đá trái phép tại khu vực núi Phá Cụm, xóm Kèn. Số khoáng sản (đá hoa trắng) các loại bị khai thác trái phép có khối lượng 1.200 m3. Đây chỉ là một vụ việc điển hình được phát hiện, xử lý.

Ở Quỳ Hợp, ngoài các xã Châu Lộc, Châu Tiến, Châu Quang có nhiều mỏ đá, nhưng nhiều nhất phải kể đến xã Châu Hồng, bởi có nhiều mỏ đá trắng, đá vôi và mỏ quặng thiếc được cấp phép nhiều nhất và nhiều doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn nhất.

 

Hệ lụy từ những công trường khai thác khoáng sản (Bài 2): Vi phạm "treo" trên vách núi, "tràn" ra môi trường - Ảnh 2.

Một mỏ quặng thiếc được cấp phép khai thác tại huyện Quỳ Hợp, tuy nhiên xung quanh chất từng đống đá trắng, xe tải vận chuyển đá đi vào công trường. Ảnh: Văn Hoàng

Đứng ở trụ sở UBND xã Châu Hồng hướng mắt về phía đối diện, trên các ngọn núi loang lổ những đốm trắng do khai thác đá và đá thải đổ tràn theo vách núi. Thỉnh thoảng nghe thấy tiếng mìn nổ ùng oàng vọng lại.

​​​​​

Làm việc với phóng viên tại trụ sở UBND xã, ông Trương Văn Hóa – chủ tịch UBND xã Châu Hồng thẳng thắn chia sẻ về hoạt động khoáng sản trên địa bàn: "Hiện nay, địa bàn xã có 13 doanh nghiệp vừa khai thác vừa chế biến, trong đó 8 mỏ khai thác đá, 4 mỏ khai thác quặng, mỏ còn lại vừa khai thác quặng vừa khai thác đá".

Theo ông Hóa, hàng tháng thực hiện theo các văn bản của huyện nên UBND xã tổ chức kiểm tra. Trong 13 doanh nghiệp, có 2 doanh nghiệp chế biến đá trắng (Công ty Châu Á, Công ty TNHH Hồng Tiến) còn lại là khai thác, trong quá trình kiểm tra của xã Châu Hồng có ghi nhận trường hợp vào mùa mưa một số hoạt động khai thác, chế biến của doanh nghiệp làm ảnh hưởng đến môi trường, đến đời sống của bà con nhân dân, UBND xã đã trực tiếp báo cáo huyện và phối hợp với huyện để xử lý, khắc phục những điểm sạt lở, đắp đập ngăn chăn nước thải ra môi trường xung quanh.

Hệ lụy từ những công trường khai thác khoáng sản (Bài 2): Vi phạm "treo" trên vách núi, "tràn" ra môi trường - Ảnh 3.

Ông Trương Văn Hóa, Chủ tịch UBND xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp làm việc trực tiếp với Phóng viên Dân Việt tại trụ sở UBND xã. Theo ông Hóa "hoạt động khai khoáng gây nhiều hệ lụy cho địa phương". Ảnh: Văn Hoàng

Ông Nguyễn Đình Tùng – Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho biết: "Khoảng năm 2000, tỉnh Nghệ An rộ lên khai thác đá các loại trong đó có đá trắng, năm 2005 – 2010, doanh nghiệp mọc lên như nấm, tập trung hoạt động xin thăm dò, khai thác, cấp phép khai thác, đây là thời điểm "nóng" ở Quỳ Hợp.

Thời điểm đó, các doanh nghiệp phát triển theo kiểu tự phát, đỉnh điểm của huyện Quỳ Hợp là 110 điểm mỏ được cấp phép. Theo đó, các điểm mỏ có khoáng sản chất lượng cao tập trung nhiều doanh nghiệp xin cấp phép, các điểm nhỏ lẻ doanh nghiệp không xin phép, đây là nguyên nhân của khai thác trái phép".

Được biết, đến thời điểm hiện tại, số điểm mỏ đã giảm còn 79 điểm đã được cấp phép khai thác; 96 doanh nghiệp hoạt động khoáng sản (khai thác, chế biến, dịch vụ thương mại); 158 xưởng chế biến nhỏ; 98 doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (doanh nghiệp gia đình, chỉ khoảng vài ha, lúc nào có đơn hàng thì tổ chức khai thác chế biến, hết đơn hàng thì dừng bộ máy) và 78 điểm mỏ đã hết hạn (là những điểm mỏ xin cấp phép khai thác nhưng sau 1 thời gian khai thác không có khoáng sản tập trung, khoáng sản có nhưng trữ lượng không đáng kể, lẻ tẻ, sau thời gian hết hạn thì không cấp lại hoặc đang khai thác thì bỏ dẫn đến tiềm ẩn khai thác trái phép); 46 điểm chưa từng cấp phép.

Từ những thống kê trên, theo Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp thì bên cạnh quản lý những điểm mỏ có phép (quản lý khai thác, chế biến, an toàn lao động, vật liệu nổ, môi trường) phải quản lý "124 điểm mỏ có nguy cơ khai thác trái phép".

Hệ lụy từ những công trường khai thác khoáng sản (Bài 2): Vi phạm "treo" trên vách núi, "tràn" ra môi trường - Ảnh 4.

Vận chuyển đá ra khỏi khu vực được cấp phép khai thác quặng thiếc tại mỏ H.C ở huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Văn Hoàng

Chủ yếu quản lý bằng mắt!

Trở lại thủ phủ khai thác đá của xứ Thanh, đúng như câu nói của một người dân địa phương "khai thác đá Yên Lâm bây giờ chưa thể yên tâm được", ngoài ảnh hưởng bởi tình trạng ô nhiễm môi trường như đã phản ánh ở kỳ trước. 

Ở nhiều điểm mỏ khai thác đá tại Yên Lâm vẫn diễn ra những vi phạm nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn lao động cũng như vi phạm quy định của nhà nước trong lĩnh vực khai khoáng.

Khi cung cấp thông tin cho phóng viên thì cả cán bộ huyện, xã, đại diện Hội làng nghề đều khẳng định ở Yên Lâm việc khai thác đã đều thực hiện theo phương pháp cắt tầng, xẻ nên rất àn toàn. 

Nhưng lời của cán bộ nói chỉ "xuất hiện" ở những điểm khai thác đá có thể nhìn thấy rõ khi qua đường. Đi sâu vào các điểm mỏ đang khai thác ẩn khuất sau vách núi lại hoàn toàn trái ngược.

Những chiếc máy chía mũi khoan sâu vào vách núi, công nhân thay nhau trèo vách đá giữ mũi khoan trước khi nhồi thuốc để kích nổ. Một tiếng nổ vang lên, phóng viên đứng cách xa hàng trăm mét cảm nhận mặt đất rung chuyển. Bụi đá bay lên mù mịt cả một vùng.

Hệ lụy từ những công trường khai thác khoáng sản (Bài 2): Vi phạm "treo" trên vách núi, "tràn" ra môi trường - Ảnh 5.

Theo lãnh đạo thị trấn Yên Lâm và huyện Yên Định thì việc khai thác đá ở Yên Lâm tuân thủ các quy định của nhà nước, khai thác bằng phương pháp cắt tầng. Tuy nhiên những gì phóng viên chứng kiến hoàn toàn khác. Ảnh: Văn Hoàng

Đứng ở giữa làng đá hướng ánh mặt nhìn xung quanh, thỉnh thoảng lọt vào tầm ngắm những chiếc máy xúc bò lổm ngổm trên đỉnh núi, dơ cao cần cào mạnh vào vách núi kéo những hòn đá tảng lớn lăn ầm ầm xuống bãi đá phía dưới. Rất khó để chứng kiến một chiếc máy đang xẻ đá. 

Những tảng đá lớn vừa để lọt thỏm trong thùng chiếc ô tô tải được di chuyển đến các xưởng xẻ. Tại đây chúng được xẻ, nghiền thành những viên đá nhỏ trước khi vận chuyển đi nơi khác buôn bán.

Ngoài ra những gì mà phóng viên tai nghe, mắt thấy, năm 2021, ở Yên Lâm để xảy ra nhiều sai phạm liên quan đến khai thác đá mà đoàn thanh tra của huyện đã chỉ ra như "tình trạng khai thác khoáng sản ngoài phạm vi mỏ, khai thác vượt trữ lượng,… đã được phát hiện".

Trao đổi với Phóng viên Báo điện tử Dân Việt tại trụ sở UBND thị trấn Yên Lâm khi cùng lãnh đạo huyện Yên Định vừa đi cơ sở về, ông Hoàng Văn Tiến – Trưởng phòng TNMT huyện Yên Định nói lý do khai thác ngoài mốc giới: "Ở các tỉnh khác thường cấp phép cho doanh nghiệp khai thác mỏ bề rộng lớn, thuận tiện làm đường lên đỉnh mỏ khai thác từ trên xuống, Thanh Hóa cấp phép khai thác chiều rộng chỉ khoảng 50-70m nên khi làm đường lên để xe di chuyển được phải vòng ra phạm vi được cấp phép dẫn đến tình trạng vi phạm mốc giới".

Hệ lụy từ những công trường khai thác khoáng sản (Bài 2): Vi phạm "treo" trên vách núi, "tràn" ra môi trường - Ảnh 6.

Chất thải từ quá trình nghiền đá được thải ra môi trường xung quanh tại làng nghề chế biến đá Yên Lâm. Ảnh: Văn Hoàng

Được biết, năm 2017, sau khi vụ tai nạn diễn ra tại Công ty Tuấn Hùng làm chết nhiều người, tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo tất cả các doanh nghiệp khai thác đá phải làm đường lên đỉnh để thực hiện khai thác bằng công nghệ cắt dây từ trên xuống. 

"Để làm được đường lên núi, với bề rộng hạn chế thì không thực hiện được do đỉnh núi cao, làm thẳng sẽ không đi lên được, chính vì vậy một số doanh nghiệp lấn sang khu khác để làm đường vòng lên. Tuy nhiên vi phạm thì vẫn xử lý" - ông Tiến giải thích thêm.

Còn đối với chính quyền cấp xã, thị trấn, ông Đoàn Quang Phi, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Yên Lâm không ngần ngại thừa nhận những vi phạm liên quan đến khai thác đá ở địa phương. Đồng thời thẳng thắn nói về những khó khăn, vất vả của cán bộ địa phương, đặc biệt là những người kiêm nhiệm.

Đối với các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm ông Phi nói: "Nếu phát hiện trường hợp nào sai phạm thị trấn sẽ tuyên truyền nhắc nhở, xử lý theo quy định, trường hợp vượt quá thẩm quyền sẽ báo cáo lên huyện. Các cán bộ kiêm nhiệm (tổ quản lý làng nghề, PCT Phi, phó văn xã, địa chính, tổ trưởng tổ dân phố bên cạnh làng nghề) đã rất cố gắng nhưng không thể đạt đến 100% được do hoạt động kiêm nhiệm, không chuyên về khoáng sản".

Hệ lụy từ những công trường khai thác khoáng sản (Bài 2): Vi phạm "treo" trên vách núi, "tràn" ra môi trường - Ảnh 7.

Khai thác đá đem lại nguồn thu lớn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên do chưa chấp hành đúng quy định của pháp luật dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường, thất thoát tài nguyên, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân địa phương. Ảnh: Văn Hoàng

Ngoài ra, vị cán bộ phụ trách mảng liên quan đến khai thác đá của thị trấn Yên Lâm cũng mong muốn đề nghị lên UBND huyện Yên Định phải có cán bộ chuyên trách quản lý. Theo ông Phi: "Hiện nay ở Yên Lâm, khối lượng công việc tăng gấp đôi, chỉ còn một nửa thời gian làm việc với địa phương, rất vất vả".

Thêm nữa, ông Phi cho rằng cơ bản UBND thị trấn quản lý bằng trực quan, không có máy móc hay phương tiện, thấy có vấn đề vi phạm, nếu trong thẩm quyền thì xử lý, quá thẩm quyền thì báo cáo cấp trên về kiểm tra.

Được biết, những năm gần đây UBND thị trấn Yên Lâm cũng đã từng phối hợp với cơ quan chức năng xử phạt các đơn vị khai thác, chế biến đá vi phạm như Công ty Minh Thức vào cuối 2019 bị xử phạt vì khai thác quá mốc giới. Năm 2020 và năm 2021 đã xử lý 5 doanh nghiệp.

Mạng người "trượt" dài theo dốc đá

Trong quá tình tìm hiểu việc khai thác đá Phóng viên Dân Việt đã ghi nhận nhiều hình ảnh những công nhân khai thác đá không đồ bảo hộ, không dây an toàn, cược mạng sống của mình vì miếng cơm manh áo. Đã có nhiều trường hợp bị tai nạn trong quá trình khai thác, nhiều người bỏ mạng khi thân xác trượt dài theo vách đá.

Mời độc giả đón đọc Bài 3: Nguy cơ thất thoát nguồn thu ngân sách

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/he-luy-tu-nhung-cong-truong-khai-thac-khoang-san-bai-2-vi-pham-treo-tren-vach-nui-tran-ra-moi-truong-a170919.html