Tranh cãi các khoản thu cho quỹ lớp đầu năm
Mặc dù năm học mới vừa khởi động nhưng phụ huynh đã "nổi sóng" vì những khoản thu vô lý, đặc biệt là khoản thu mang tên xã hội hóa. Xã hội hóa giáo dục được hiểu là việc huy động toàn xã hội, các cá nhân, tổ chức tham gia làm giáo dục, đóng góp sức người, sức của xây dựng nhà trường, góp phần nâng cao chất lượng, đáp ứng mục tiêu nhà trường đã đề ra. Tuy nhiên, đây cũng là chủ đề gây tranh cãi nhất mỗi mùa tựu trường khi nó biến tướng trở thành lạm thu.
Mới đầu năm học, chị Hà Thu Huyền, ở Hà Nội đã nhận thông báo đóng ủng hộ 500.000 đồng cho nhà trường để mua điều hòa. Điều đáng nói là con chị năm nay học lớp 2 và phải góp cùng lớp 1. "Ngay ngày tựu trường, tôi đã nhận thông báo là sẽ đóng 150.000 đồng/năm cho mỗi học sinh để sử dụng điều hòa của nhà trường. Thế nhưng mới đây tôi lại thấy trong nhóm lớp trao đổi là nhà trường đang thiếu 9 chiếc điều hòa cho 9 lớp 1 mới. Vì vậy, học sinh lớp 2 như con tôi sẽ chung tay cùng 9 lớp 1 thực hiện xã hội hóa 9 chiếc điều hòa này. Mỗi em học sinh sẽ phải đóng 500.000 đồng".
Anh Nguyễn Minh Đạt, một phụ huynh có 2 con học cấp 1 và cấp 2 ở Hà Nội cũng đặt ra câu hỏi khi mỗi năm phụ huynh phải đóng quỹ lớp 3 triệu đồng/học sinh. "Tôi không hiểu mỗi năm đóng quỹ lớp tới 3 triệu cho con là chi vào những khoản gì. Cả lớp có 50 học sinh vậy là một năm lớp chi tới 150 triệu đồng. Con số này không hề nhỏ".
Một phụ huynh khác thì phàn nàn về việc đầu năm học nào nhà trường cũng đóng các khoản tiền để sửa chữa trường: "Cứ đầu năm là đóng tiền xây dựng trường, lát gạch sân, xây bồn hoa, sơn tường, bàn ghế hỏng… nhiều lúc mình cứ nghĩ đang cho con học nhầm trường tranh vách đất ngày xưa", chị Lê Lâm Anh, một phụ huynh bày tỏ.
Một số tỉnh thành khác, tình trạng lạm thu cũng khiến phụ huynh không hài lòng. Tại Trường Tiểu học Kỳ Trinh, phường Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, phụ huynh cũng gây xôn xao khi học sinh phải đóng tiền mua bàn ghế. Cụ thể và trung tuần tháng 8/2022, nhà trường tổ chức họp lớp đối với lớp 1 để phổ biến những quy định. Thời điểm này, giáo viên chủ nhiệm ở 3 lớp 1 thông báo tới phụ huynh việc phải đóng các khoản như: Bàn, ghế, bảng... để có đủ cơ sở vật chất đáp ứng việc dạy và học. Tổng cộng mỗi em phải đóng khoảng 1 triệu đồng.
Hay mới đây, một phụ huynh cũng bức xúc chia sẻ việc Trường THPT Lê Chân, Hải Phòng vận động phụ huynh đóng góp xây… trạm biến áp. "Nhà trường vận động cha mẹ học sinh đóng góp xây trạm biến áp bằng vốn xã hội hóa. Cô giáo thì nói là tùy tâm cha mẹ học sinh và không cào bằng số tiền cần đóng, nhưng cô lại đưa ra con số 26 triệu đồng cần phải có đủ cho tổng số 37 em học sinh trong lớp. Phụ huynh cho con đi học là cả một vấn đề về kinh tế, mỗi năm học đóng cả trăm thứ tiền. Khoản nào liên quan đến học tập thì vẫn có thể cố gắng được, nhưng cái khoản xây trạm biến áp này thật sự vô lý và nó nằm ngoài khả năng", một phụ huynh này cho hay.
Được biết, ngay sau đó, Sở GDĐT Hải Phòng đã yêu cầu Trường THPT Lê Chân dừng ngay triển khai thực hiện việc vận động tài trợ xây dựng trạm biến áp 250KVA-22/0,4KV tại nhà trường và hoàn trả lại số tiền đã huy động được.
Không chỉ tiền xã hội hóa, nhiều khoản thu khác cũng gây bất bình trong dư luận như tiền đồng phục với rất nhiều loại như trang phục đi học mùa hè, mùa đông; đồ thể dục mùa hè mùa đông, áo khoác, tất, áo ghile… phụ huynh sẽ phải chi số tiền không nhỏ 1-2 triệu đồng. Ngoài ra còn tiền quỹ lớp, quỹ trường… mà cộng dồn vào thì với phụ huynh có 2 con đi học, đó quả là con số không nhỏ.
Chỉ đạo ráo riết của các địa phương
Trước vấn nạn lạm thu tại các cơ sở giáo dục trên cả nước hiện nay, nhiều địa phương đã có những chỉ đạo ráo riết. Lãnh đạo Sở GDĐT TP.HCM đã yêu cầu các trường thực hiện đúng quy định về quản lý thu, chi, tài chính, công khai các khoản thu, chi đầu năm học; công tác quản lý tài chính, tài sản, đầu tư, sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tại các địa phương, các cơ sở giáo dục.
Trong hội nghị triển khai công việc cụ thể cần thực hiện trong năm học mới, Giám đốc Sở GDĐT Nam Định Cao Xuân Hùng cho hay, cần quản lý chặt chẽ công tác thu, chi trường học: yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm theo các văn bản quy định của tỉnh, hướng dẫn của Sở GDĐT; tăng cường công tác tuyên truyền, nhắc nhở đội ngũ thực hiện nghiêm túc các quy định về dạy thêm, học thêm nhất là việc dạy thêm trực tuyến.
Lãnh đạo ngành giáo dục Nam Định cũng yêu cầu các đơn vị chủ động rà soát, kiểm kê tài sản, thiết bị đã mua sắm, được cấp trong giai đoạn 2011 đến nay, đảm bảo các hồ sơ quản lý theo quy định. Thực hiện khai thác, sử dụng cơ sở vật chất, thiết bị hiệu quả. Rà soát cơ sở vật chất, các điều kiện để đảm bảo an toàn cho năm học mới. Sở yêu cầu các cơ sở giáo dục quán triệt đến Ban đại diện cha mẹ học sinh thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định và chỉ được phép thu các khoản phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban.
Sở GD-KH&CN Bạc Liêu cũng đề nghị các cơ quan quản lý tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các khoản thu - chi trong các cơ sở giáo dục, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lạm thu đầu năm học. Nếu có sẽ xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra tình trạng lạm thu và các khoản thu trái với quy định của Nhà nước.
Bộ GDĐT cũng đã yêu cầu các sở, địa phương cần hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện đúng các quy định về quản lý thu, chi tài chính, công khai các khoản thu, chi đầu năm học. Đây là vấn đề nhạy cảm, thường phát sinh bức xúc của phụ huynh vào đầu mỗi năm học bởi thực tế nơi này, nơi kia vẫn còn xảy ra tình trạng lạm thu, nhất là với những khoản thu chưa đảm bảo được sự rõ ràng, minh bạch. Vì vậy, thu - chi như thế nào trong các cơ sở giáo dục vẫn là chuyện cần được kiểm tra, giám sát thường xuyên, kịp thời để tránh những bức xúc không đáng có trong dư luận xã hội làm ảnh hưởng đến công tác dạy và học.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/phu-huynh-choang-vi-1-nam-lop-tieu-het-150-trieu-dong-quy-lop-a171064.html