Nợ xấu “phình to” và nỗi lo mất vốn
Tính đến ngày 30/6/2022, tổng nợ xấu của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, HOSE: CTG) tăng 2.366 tỷ đồng so với hồi đầu năm lên mức 16.666,6 tỷ đồng (tương đương tăng 16,5%).
Đáng lo ngại, chất lượng tín dụng của VietinBank có dấu hiệu suy giảm khi có sự dịch chuyển từ Nợ nhóm 3 (Nợ dưới tiêu chuẩn) và Nợ nhóm 4 (Nợ nghi ngờ) sang Nợ nhóm 5 (Nợ có khả năng mất vốn).
Cụ thể, so với hồi đầu năm, Nợ nhóm 3 giảm 53% xuống còn 3.330,7 tỷ đồng; Nợ nhóm 4 giảm 26,2% xuống mức 1.477,7 tỷ đồng; Trong khi đó, Nợ nhóm 5 tăng vọt 128% lên mức 11.858,1 tỷ đồng (tương đương tăng hơn 6.656 tỷ đồng), chiếm hơn 71,1% tổng nợ xấu. Ngoài ra, Nợ nhóm 2 (Nợ cần chú ý) của VietinBank cũng tăng 265,4% lên mức 15.448,8 tỷ đồng.
Lợi nhuận tăng mạnh
Trong quý 2/2022, lợi nhuận trước thuế của VietinBank đạt hơn 5.785 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là do hầu hết nguồn thu của VietinBank đều ghi nhận mức tăng trưởng khả quan so với cùng kỳ.
Cụ thể, so với cùng kỳ, nguồn thu chính của VietinBank là thu nhập lãi thuần tăng 10% đạt 11.972,3 tỷ đồng; Lãi thuần từ dịch vụ tăng 15% đạt 1.560,2 tỷ đồng; Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 57,5% đạt 813 tỷ đồng. Lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư đạt 238 tỷ đồng, tăng gần 11 lần so với mức 22 tỷ đồng của quý 2/2021.
Ở chiều ngược lại, mảng hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh của VietinBank lại bất ngờ báo lỗ 7,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 72 tỷ đồng. Trong khi đó, lãi thuần từ hoạt động khác gần như đi ngang với mức 1.111,3 tỷ đồng.
Trong quý 2, VietinBank giảm 17% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng xuống còn 5.883,2 tỷ đồng, dẫn đến lợi nhuận trước thuế đạt hơn 5.785 tỷ đồng, gấp 2,1 lần cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VietinBank chỉ tăng 7% so cùng kỳ, đạt gần 11.607,5 tỷ đồng. Năm 2022, VietinBank đặt kế hoạch tăng 15% lợi nhuận trước thuế riêng lẻ, lên hơn 19.389 tỷ đồng, và được điều chỉnh theo phê duyệt của cơ quan Nhà nước. So với kế hoạch này, Ngân hàng đã thực hiện được 57% mục tiêu lợi nhuận sau 6 tháng.
Tính đến ngày 30/6/2022, tổng tài sản của VietinBank đạt gần 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 10,4% so với hồi đầu năm chủ yếu nhờ cho vay khách hàng tăng 9,5% đạt hơn 1,2 triệu tỷ đồng. Trong đó dự phòng cho vay khách hàng tăng 22,6% so với đầu năm lên mức 31,6 tỷ đồng. Các khoản lãi và phí phải thu gần 10.500 tỷ đồng, tăng 6,5%.
Về các nguồn vốn huy động, VietinBank ghi nhận tiền gửi của khách hàng đạt hơn 1,2 triệu tỷ đồng, tăng 3,7%; Phát hành giấy tờ có giá tăng 1,5% so với hồi đầu năm, đạt hơn 65.446,7 tỷ đồng; Tiền gửi và vay các tổ chức tín dụng tăng 11,4% đạt gần 217.177 tỷ đồng,...
VietinBank rao bán khoản nợ xấu hàng trăm tỷ đồng thế chấp bằng BĐS
VietinBank thông báo bán/chuyển nhượng toàn bộ khoản nợ (gốc, lãi, phí...) của CTCP Đầu tư và khai thác khoáng sản Việt Nam tại VietinBank - chi nhánh Đông Anh, Hà Nội. Tổng dư nợ của CTCP Đầu tư và Khai thác khoáng sản Việt Nam tính đến ngày 22/7/2022 là 186,1 tỷ đồng, trong đó nợ gốc 60,3 tỷ đồng, phần còn lại là lãi, lãi phạt.
Tài sản bảo đảm cho khoản nợ là 23 quyền sử dụng đất, trong đó 16 quyền sử dụng đất tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội; 2 quyền sử dụng đất tại huyện Gia Lâm, Hà Nội và các quyền sử dụng đất còn lại tại quận Hai Bà Trưng, quận Tây Hồ, quận Cầu Giấy và quận Ba Đình, Hà Nội.
Ngoài ra, VietinBank cũng thông báo bán khoản nợ của CTCP Thương mại và Đầu tư Khoáng sản Trung Ngọc. Tính đến ngày 22/7/2022, tổng giá trị khoản nợ là 144,9 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là 40,4 tỷ đồng, dư nợ lãi là 104,4 tỷ đồng gồm lãi trong hạn là 70,4 tỷ đồng và lãi đối với dư nợ gốc quá hạn (lãi phạt) là 33,9 tỷ đồng.
Tài sản bảo đảm cho khoản nợ trên là 14 quyền sử dụng đất, trong đó 9 quyền sử dụng đất tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội và các quyền sử dụng đất còn lại tại quận Cầu Giấy, huyện Đông Anh, huyện Mê Linh và huyện Từ Liêm, Hà Nội.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/vietinbank-no-xau-phinh-to-va-noi-lo-mat-von-gan-12000-ty-dong-a171082.html