Hệ sinh thái Bim Group của đại gia Đoàn Quốc Việt: Doanh thu khủng đi liền với hàng loạt lùm xùm dự án?

BIM Land được biết đến với những dự án vướng không ít lùm xùm, nhưng lại là mảng kinh doanh quan trọng nhất của BIM Group, đều đặn thu về từ vài trăm tới cả nghìn tỷ đồng lợi nhuận hàng năm.

Sẽ là thiếu sót khi nhắc tới những đại gia thành danh từ Đông Âu mà bỏ qua cái tên Đoàn Quốc Việt. Vị doanh nhân sinh năm 1955 này là người gầy dựng và chèo lái "con thuyền" BIM Group, từ một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khách sạn cho tới một đế chế đa ngành vươn dài tới nhiều lĩnh vực như hiện nay.

Ông Việt sinh ra tại Hà Nội, và cũng như nhiều đại gia thời nay của Việt Nam, khởi sự kinh doanh từ Đông Âu.

Sau khi bảo vệ thành công luận án nghiên cứu sinh tại Học tại viện Hàng không và Cơ học ứng dụng Đại học Bách khoa Warsaw, ông Việt không khởi nghiệp bằng nghề mình đã học mà chuyển hướng kinh doanh bằng việc buôn bán máy tính, sau đó chuyển sang lĩnh vực khách sạn tại Ba Lan và Nga.

Năm 1994, ông quay trở về Việt Nam để gây dựng sự nghiệp, thành lập Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Sản xuất Hạ Long (BIM Hạ Long), tiền thân của BIM Group và bắt đầu với dự án khách sạn hạng sang là Hạ Long Plaza. Doanh nghiệp này giữ nguyên bản chất là một công ty gia đình trong gần ba thập kỷ phát triển, khi được dẫn dắt bởi chính ông Đoàn Quốc Việt và vợ, sau đó là tới thế hệ F1 là ông Đoàn Quốc Huy. Trong đó, mảng quan trọng nhất của BIM Group từ ngày thành lập là bất động sản.

"Với quỹ đất hơn 5,6 triệu m2 tại Quảng Ninh, Phú Quốc, Hà Nội, Ninh Thuận và vẫn đang tiếp tục mở rộng đến các thành phố và điểm đến du lịch tiềm năng, BIM Land là một trong những công ty phát triển hạ tầng du lịch và đầu tư bất động sản hàng đầu Việt Nam", đây là thông tin BIM Group giới thiệu trên website.

Lãi khủng như BIM Land

BIM Land, pháp nhân phụ trách mảng bất động sản của BIM Group, được thành lập cuối năm 2011, hiện do ông Đoàn Quốc Huy giữ vai trò là người đại diện theo pháp luật.

Ông Huy từng học về tài chính bất động sản ở Mỹ, được giao phụ trách mảng kinh doanh cốt lõi của tập đoàn từ năm 2005 và cũng là người đưa Công ty cổ phần đầu tư phát triển Syrena (công ty con của BIM) phát triển với rất nhiều dự án bất động sản tại Việt Nam và Lào.

Tại Quảng Ninh, ngoài dự án Hạ Long Plaza, BIM Group còn là chủ đầu tư dự án Khu đô thị Halong Marina (248ha) với nhiều dự án thành phần, bao gồm: Grand Bay Halong (6,6 ha), Green Bay Village (10 ha), Royal Lotus Resort & Villas (4 ha), Little Vietnam (3,3 ha),…

Bên cạnh đó, BIM Group cũng là chủ đầu tư dự án Khu đô thị dịch vụ Hùng Thắng, được phát triển trên quỹ đất được UBND tỉnh Quảng Ninh thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án đường bao biển Hùng Thắng.

Ở khu vực phía Nam, BIM Group cũng phát triển nhiều dự án bất động sản hạng sang tại Phú Quốc như: Phu Quoc Marina (155ha), Park Hyatt Phu Quoc, Palm Garden Shop Villas Phu Quoc (7ha), InterContinental Phu Quoc Long Beach Resort (9,2ha).

Ngoài pháp nhân BIM Land, mảng bất động sản của BIM Group còn một loạt doanh nghiệp mang thương hiệu "Syrena" như CTCP Đầu tư Phát triển Syrena Việt Nam, CTCP Bất động sản Syrena Hạ Long, Công ty TNHH Liên doanh Hạ Long Plaza.

Do hoạt động của BIM Land là phụ trách chung mảng bất động sản của BIM Group, nắm giữ cổ phần chi phối tại nhiều công ty thành viên khác, công ty này đã thu về nghìn tỷ lợi nhuận mỗi năm cho vợ chồng doanh nhân Đoàn Quốc Việt.

Năm 2018, BIM Land thu về gần 1.100 tỷ đồng lãi ròng, dù doanh thu bằng 0. Năm 2019, lợi nhuận của công ty này giảm hơn 36% xuống còn 700 tỷ đồng, trong khi doanh thu chỉ vỏn vẹn gần 19 tỷ. Dù vậy, hai năm tiếp theo, đà tăng trưởng trở lại với doanh nghiệp này. BIM Land báo lãi lần lượt 837 tỷ và 1.200 tỷ đồng.

ket-qua-kinh-doanh-cua-bim-land-1662451824.jpg
 

Thực tế, nếu nhìn vào hoạt động của những công ty thành viên, không khó để lý giải con số  lợi nhuận "khủng".

BIM Hạ Long, công ty do BIM Land nắm 99% vốn, báo lãi tăng liên tục những năm gần đây. Doanh thu của BIM Hạ Long giữ ở con số nghìn tỷ đồng đều đặn từ năm 2017 đến 2021. Trong khi đó, lãi ròng ghi nhận cũng cao không kém, quanh ngưỡng 600-800 tỷ đồng mỗi năm, cá biệt năm 2020 doanh nghiệp này lãi hơn 1.500 tỷ đồng.

Dấu ấn kém nổi bật của con trai ông Đoàn Quốc Việt

Tuy nhiên, không phải mọi công ty của BIM Land đều "ăn nên làm ra". Đơn cử như thương hiệu "Syrena", dấu ấn của ông Đoàn Quốc Huy, con trai ông Đoàn Quốc Việt, thực tế kinh doanh không quá nổi bật.

Công ty cổ phần Bất động sản Syrena Phú Quốc lỗ liên tục từ khi thành lập tới nay. Doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu nghìn tỷ đồng năm 2018 nhưng lỗ hơn 170 tỷ đồng. Năm 2019, doanh thu của Syrena Phú Quốc tăng đột biến lên gần 1.700 tỷ đồng nhưng lợi nhuận vẫn âm.

Hai năm gần đây khi doanh thu của công ty này giảm mạnh, khoản lỗ còn lớn hơn. Năm 2020 và 2021, Syrena Phú Quốc kinh doanh dưới giá vốn, báo lỗ quanh ngưỡng 300 tỷ đồng mỗi năm.

ket-qua-kinh-doanh-cua-syrena-phu-quoc-1662451924.jpg
 

Tình hình tương tự với Syrena Hạ Long, một cái tên khác của thương hiệu "Syrena". Doanh nghiệp cũng do ông Đoàn Quốc Huy đứng đầu ghi nhận doanh thu giảm liên tục từ năm 2017 đến nay. Ba năm gần nhất 2019 - 2021, công ty này kinh doanh dưới giá vốn.

Không ít lùm xùm

Năm 2018, dự án Citadines Marina Hạ Long của doanh nghiệp này nổi sóng trong giới bất động sản và trên các mặt báo với việc huy động vốn trái phép, bán hàng chưa đủ điều kiện. Và sau đó là vụ tai nạn chết người đầy ồn ào trong quá trình thi công.

Từ tháng 5/2017, dự án Citadines Marina Hạ Long được BIM Group rầm rộ giới thiệu ra thị trường với những cam kết và chính sách bán hàng vô cùng hấp dẫn. Chính sách chia sẻ 85% lợi nhuận cho thuê phòng với cam kết của CĐT không thấp hơn 10% giá trị căn hộ mỗi năm trong 5 năm đầu tiên, khách hàng được cấp sổ đỏ vĩnh viễn.

BIM Group thông qua hàng loạt sàn giao dịch uy tín đã “lách luật” chào bán căn hộ Citadines Marina Hạ Long và huy động vốn bằng các hợp đồng góp vốn. Tới khoảng giữa năm 2018 chủ đầu tư đã bán gần hết căn hộ tại tòa B, trong khi tòa A chỉ còn số lượng sản phẩm có hạn.

Thời điểm tháng 5/2018, Citadines Marina Hạ Long vẫn đang trong giai đoạn triển khai phần móng công trình. Đáng chú ý hơn vào thời điểm này dự án vẫn chưa hề có giấy phép xây dựng. Thông tin với báo chí, lúc đó, ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Ninh khẳng định, dự án Citadines Marina Hạ Long thời điểm đó chưa được Sở Xây dựng chưa cấp phép xây dựng. Dù vậy, chủ đầu tư có thi công một số cọc khoan dẫn và móng. Sau khi phát hiện việc làm trên, Thanh tra Sở đã kiểm tra, yêu cầu dừng thi công và xử phạt chủ đầu tư 50 triệu đồng vì thi công không phép.

Ngoài ra, tại một dự án khác của “nhà” BIM là Grand Bay Ha Long cũng đang vướng sai phạm vì xây dựng dự án nhưng “quên” hạng mục nhà ở xã hội. Thậm chí, dự án này chưa cả được phê duyệt chủ trương đầu tư và thiếu đánh giá tác động môi trường nhưng BIM Group vẫn rầm rộ triển khai xây dựng.

Hay như tại đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, Bim Group nổi tiếng với một dự án tổ hợp nghỉ dưỡng và giải trí mang tên Phú Quốc Marina (Phu Quoc Marina), nằm tại bãi Trường, một trong những bãi biển dài nhất Phú Quốc, được cho là với quy mô lên tới 155ha. 

Thế nhưng, vào ngày 27/4/2020, Thanh tra Chính phủ ra bản Kết luận thanh tra số 602/KL-TTCP về việc chấp hành pháp luật trong công tác quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai, quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn từ 01/01/2011 - 31/12/2017.

Thanh tra chính phủ đã chỉ ra hàng loạt những sai phạm tại những dự án kéo theo hệ lụy sai quy hoạch, thất thoát ngân sách nhà nước. Đó chính là việc, UBND tỉnh Kiên Giang chậm triển khai thực hiện điều chỉnh quy hoạch xây dựng phân khu chức năng trong Khu kinh tế Phú Quốc theo Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 633/QĐ-TTg ngày 11/5/2010 và Quyết định số 868/QĐ-TTg ngày 17/5/2015, dẫn đến Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc giao đất, cho thuê đất đối với một số tổ chức để thực hiện dự án đầu tư chưa phù hợp hoặc vượt diện tích so với chỉ tiêu sử dụng đất đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, vi phạm quy định tại Khoản 1, Điều 11, Luật Đất đai 2003; Khoản 1, Điều 6 Luật Đất đai 2013.

Cụ thể, tại khu vực Bãi Trường có một số khu đất theo quy hoạch là đất công trình công cộng, cây xanh, mặt nước nhưng Ban Quản lý khu kinh tế Phú Quốc đã giao hoặc cho nhà đầu tư thuê đất với mục đích thương mại, dịch vụ.

Được biết, tại khu vực Bãi Trường có Dự án đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, tổ chức trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch và quảng trường biển Bãi Trường do Công ty TNHH BIM Kiên Giang làm chủ đầu tư, diện tích 115,4 ha. Dự án được Chủ đầu tư giới thiệu với tên thương mại là Phú Quốc Marina.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/he-sinh-thai-bim-group-cua-dai-gia-doan-quoc-viet-doanh-thu-khung-di-lien-voi-hang-loat-lum-xum-du-an-a171090.html