Nhiều điểm bất hợp lý tại hợp đồng công chứng
Mới đây, bà Hồ Thị Kim Nga (SN 1968, trú tại quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) phản ánh về việc bà Mai Thị Nhân (SN 1954), Trưởng văn phòng công chứng Phước Nhân (địa chỉ tại số 696 đường Nguyễn Hữu Thọ, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng), đã có hành vi vi phạm các quy định của Luật Công chứng, vi phạm quy tắc đạo đức hành nghề công chứng viên trong quá trình hành nghề gây hậu quả nghiêm trọng.
Cụ thể, theo phản ánh, bà Hồ Thị Kim Nga và ông Bùi Hồng Trường (SN 1961, trú ở quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) kết hôn vào năm 1990, đến năm 2012 thì ly hôn. Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng bà Nga có hai con chung và đã tạo lập được khối tài sản chung bao gồm ba thửa đất gắn liền với nhà ở quận Hải Châu và quận Thanh Khê, Đà Nẵng.
Năm 2014, bà Nga và ông Trường cùng đứng tên trên hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất đối với 3 bất động sản trên cho con gái chung của ông bà là chị Bùi Thị Yến Nhi (SN 1994). Các Hợp đồng tặng cho tài sản được điền ngày 8/5, 14/5 và 21/5/2014 tại Văn phòng Công chứng Phước Nhân với đầy đủ chữ ký, lăn tay điểm chỉ của cả bà Nga, ông Trường và được thực hiện bởi công chứng viên là bà Mai Thị Nhân.
Đến ngày 06/7/2020, ông Trường gửi đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân TP Đà Nẵng, yêu cầu tuyên hủy văn bản công chứng vô hiệu, hủy Hợp đồng tặng cho nhà đất, hủy chỉnh lý biến động Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các thửa đất nêu trên.
Lý do ông Trường đưa ra là từ ngày 05/9/2013 đến 25/7/2014 ông cùng hai con không có mặt ở Việt Nam mà đang sinh sống ở Hoa Kỳ nên không thể có mặt để ký các hợp đồng tặng cho tài sản vào tháng 5/2014 do Văn phòng công chứng Phước Nhân lập. Ông Trường cho rằng việc làm này của bà Nhân đã vi phạm Điều 48 Luật Công chứng 2014 và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của ông.
Tại phiên toà sơ thẩm và phúc thẩm xét xử vụ việc diễn ra ngày 23/9/2021 và 06/4/2022, bà Mai Thị Nhân trình bày rằng bà "không nhớ thời điểm giao dịch đối với cả ba hợp đồng có mặt ông Trường hay không". Nhưng bà Nhân khẳng định "chữ ký và dấu vân tay trên ba hợp đồng tặng cho là của ông Trường". Bà Nhân đề nghị Toà án xác minh chữ ký, chữ viết và dấu vân tay điểm chỉ của người ký văn bản để xác định đó là ông Trường hay người khác được bà Nga đưa ký với tư cách ông Trường.
Trình bày tại Toà, bà Nga cho rằng ông Trường đã ký ba hợp đồng nói trên trong tình trạng hoàn toàn chủ động, đầy năng lực hành vi dân sự, công khai, minh bạch. Nhưng sau đó, có sự tư vấn giúp đỡ của bà Nhân nên ông Trường đã dùng sai phạm của bà Nhân để gây áp lực cho bà Nga nhằm lấy lại tài sản.
Kết quả, Tòa án nhân dân TP Đà Nẵng đã chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Trường; với lý do toàn bộ 03 hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất nói trên thuộc trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật được quy định tại Điều 123 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Không thoả mãn với phán quyết nói trên của Toà án, bà Hồ Thị Kim Nga tiếp tục gửi đơn tố cáo sai phạm của bà Nhân đến Thành uỷ Đà Nẵng, Giám đốc Sở Tư pháp Đà Nẵng và gửi đơn phản ánh đến một số cơ quan báo chí.
Theo chia sẻ của bà Nga với PV, bà Nga và bà Nhân nguyên là bạn bè lâu năm. Khi còn đảm nhiệm vị trí giám đốc chi nhánh ngân hàng, bà Nga thường xuyên sử dụng dịch vụ công chứng của bà Nhân để phục vụ công việc.
Khi thực hiện công chứng hợp đồng tặng cho ba căn nhà nói trên, vì quá tin tưởng bà Nhân nên bà Nga đã giao hợp đồng không điền thời gian và có đủ chữ ký, điểm chỉ của mình và của ông Trường cho bà Nhân để bà Nhân thực hiện việc công chứng. "Toàn bộ hồ sơ vụ việc công chứng này tôi chuyển cho bà Nhân làm mà không điền thời gian trên hợp đồng; ngày tháng trên hợp đồng được công chứng là do bà Nhân tuỳ ý điền vào", bà Nga nói.
Đối với ông Trường, bà Nga cho hay, khoảng năm 2013, ông bà có thoả thuận cùng ký hợp đồng tặng cho ba căn nhà cho con gái, đổi lại bà Nga sẽ chuyển cho ông Trường số tiền tương ứng 50% giá trị ba căn nhà tại thời điểm đó là hơn 8 tỷ đồng (mỗi năm bà Nga trả ông Trường một lần, mỗi lần hơn 1 tỷ đồng). Cho đến giờ, bà Nga đã chuyển đủ cho ông Trường số tiền này, tuy nhiên do không lường trước có ngày bị chồng cũ "lật kèo" nên bà Nga cũng không yêu cầu ông Trường ký nhận.
Theo phản ánh của bà Nga, việc ký hợp đồng tặng nhà và công chứng được thực hiện từ năm 2014 nhưng sáu năm sau, năm 2020 do công việc kinh doanh bên Mỹ không thuận lợi dẫn đến thua lỗ tài sản nên ông Trường đã nhờ tới sự giúp sức của bà Nhân, lợi dụng sự sơ hở của việc công chứng hợp đồng để tố cáo chính bà Nga nhằm đòi lại tài sản.
"Bà Nhân vừa là công chứng viên, vừa là Trưởng văn phòng công chứng, do đó bà Nhân bắt buộc phải biết rõ và thực hiện đúng quy định của pháp luật về thủ tục công chứng. Nhưng bà Nhân lại đổ lỗi hoàn toàn cho chuyên viên thực hiện. Như vậy, bà Nhân đã làm trái quy định của pháp luật về công chứng", bà Nga nhấn mạnh.
Thông tin về những vấn đề nêu trên, bà Nhân phủ nhận việc giúp sức, câu kết với ông Trường trong vụ việc nói trên. "Tôi câu kết cái gì? Tôi còn phải đền bù trong vụ việc đó mà", bà Nhân nói với phóng viên. (Theo đó, bản án phúc thẩm xét xử vụ việc ngày 06/4/2022, Toà án nhân dân cấp cao TP Đà Nẵng đã tuyên bà Nhân phải bồi thường do hợp đồng vô hiệu số tiền hơn 500 triệu đồng cho ông Trường vì những thiệt hại đã gây ra cho ông này). Ngoài ra, bà Nhân khẳng định quan điểm của mình đã thể hiện tại hai bản án đã xét xử và từ chối cung cấp thêm thông tin.
Liên quan tới vụ việc này, trao đổi với PV, Luật sư Phạm Quang Xá, Giám đốc Công ty luật TNHH XTVN, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, công chứng viên Mai Thị Nhân, Trưởng Văn phòng công chứng Phước Nhân đã có rất nhiều sai phạm trong quá trình thực hiện công chứng hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của bà Hồ Thị Kim Nga và ông Bùi Hồng Trường.
Thứ nhất, bà Nhân công chứng hợp đồng khi không có mặt đầy đủ các bên tham gia hợp đồng tại văn phòng công chứng là vi phạm khoản 1 Điều 39 Luật Công chứng năm 2006 về địa điểm công chứng. Theo đó, "Việc công chứng phải được thực hiện tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này".
Ngoài ra, khoản 1 Điều 41 Luật Công chứng 2006 quy định về ký, điểm chỉ trong văn bản công chứng như sau: "Người yêu cầu công chứng, người làm chứng phải ký vào văn bản công chứng trước mặt công chứng viên."
Tuy nhiên, theo Bản án sơ thẩm số 47/2021/DS-ST ngày 23/9/2021 của TAND TP Đà Nẵng và Bản án phúc thẩm số 91/2022/DS-PT ngày 06/4/2022 của TAND cấp cao tại Đà Nẵng, thì thời điểm từ ngày 05/9/2013 đến ngày 25/7/2014 ông Bùi Hồng Trường không có mặt tại Việt Nam và từ ngày 27/7/2012 đến ngày 30/12/2014 chị Bùi Thị Yến Nhi không có mặt tại Việt Nam.
"Do đó, trường hợp công chứng viên Mai Thị Nhân công chứng hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất trong khoảng thời gian ông Trường và chị Yến Nhi không có mặt tại Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng quy định của khoản 1 Điều 39 và khoản 1 Điều 41 Luật Công chứng năm 2006", luật sư Xá nhận định.
Thứ hai: Công chứng viên Mai Thị Nhân thiếu trách nhiệm trong quá trình hành nghề công chứng, không thực hiện đúng và đầy đủ quy trình công chứng theo quy định của Luật Công chứng. Theo Điều 35 và Điều 36 Luật Công chứng năm 2006, quy định về công chứng hợp đồng, giao dịch do công chứng viên soạn thảo theo đề nghị của người yêu cầu công chứng quy định: "Người yêu cầu công chứng có trách nhiệm cung cấp bản sao giấy tờ tùy thân, … Khi thực hiện công chứng, công chứng viên có nghĩa vụ hướng dẫn người yêu cầu công chứng tuân thủ đúng các quy định về thủ tục công chứng và các quy định pháp luật có liên quan đến việc thực hiện Hợp đồng. … hướng dẫn những người tham gia xác lập hợp đồng cùng ký vào hợp đồng trước mặt công chứng viên".
Tuy nhiên trong hồ sơ vụ án (tại bút lục số 326), Đơn trình bày của bà Mai Thị Nhân ngày 18/10/2021 gửi TAND TP Đà Nẵng cho biết: "Khi xuất trình đầy đủ các giấy tờ như yêu cầu cùng với các nội dung được thỏa thuận, chuyên viên mới soạn thảo văn bản thể hiện tất cả các điều khoản các bên thống nhất và tiến hành lấy chữ ký, lăn dấu vân tay. Sau đó chuyển đến công chứng viên đối chiếu dấu vân tay và chữ ký. Tuy nhiên, khi tiếp nhận các hợp đồng tặng cho, công chứng viên chủ quan, các hợp đồng này chỉ mang tính chất tặng cho tài sản nội bộ gia đình (cha mẹ tặng cho con ruột) nên đã không kiểm tra kỹ."
"Từ những căn cứ trên, tôi cho rằng bà Nhân bắt buộc phải biết và thực hiện đúng những công việc mà công chứng viên phải thực hiện theo quy định của Luật Công chứng, nhưng bà Nhân vẫn cố tình thực hiện hành vi vi phạm Luật Công chứng năm 2006", Luật sư Xá nêu quan điểm.
Liên quan đến diễn biến vụ việc bà Hồ Thị Kim Nga gửi đơn tố cáo bà Mai Thị Nhân đến Thành uỷ TP Đà Nẵng và Sở Tư pháp TP Đà Nẵng, đến nay đơn tố cáo của bà Nga đã được hai cơ quan này tiếp nhận, thụ lý.
Tại văn bản 3358-CV/TU-ĐT về việc "Giải quyết đơn thư của công dân" do Phó chánh văn phòng Thành uỷ Đà Nẵng Huỳnh Thị Tam Thanh ký ngày 05/8/2022 gửi bà Hồ Thị Kim Nga, Thành uỷ Đà Nẵng cho biết Thường trực Thành uỷ đã nhận được đơn của bà Nga tố cáo bà Nhân và đã chuyển đơn này đến Ban Nội chính Thành uỷ để phân loại, xử lý theo quy định, trả lời cho công dân.
Tại văn bản số 2723/TB-STP "Thông báo việc thụ lý đơn tố cáo" do Giám đốc Sở Tư pháp TP Đà Nẵng Võ Thị Như Hoa ký ngày 11/8/2022, Sở Tư pháp TP Đà Nẵng cho biết đơn vị này đã nhận được đơn tố cáo của bà Nga tố cáo bà Nhân và thụ lý tố cáo.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/nguyen-giam-doc-chi-nhanh-ngan-hang-to-van-phong-cong-chung-vi-pham-quy-tac-hanh-nghe-a171235.html