Tại họp báo Chính phủ ngày 6/9, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định: mức lạm phát tại Việt Nam đang không phải là nguy cơ mà Chính phủ đang tích cực ngăn chặn, chống lạm phát.
Theo nguyên lý như các nước đã và đang triển khai, việc chống lạm phát là tăng lãi suất để hạn chế đầu tư.
Như đối với Mỹ, Fed thay đổi nâng lãi suất liên tục 4 lần, đến nay mức lãi suất tăng lên đến 2,25 - 2,5%, và sẽ có nhiều đợt tăng lãi suất mới trong thời gian tới.
Ngân hàng châu Âu (ECB) cũng tăng lãi suất rất cao lên 0,5%, đây là lần tăng lãi suất đầu tiên của ngân hàng này trong 11 năm qua. Trước đó, mức lãi suất huy động âm (-0,5%) của ECB đã được duy trì kể từ năm 2014. Với mức tăng lãi suất mới, lãi suất tiền gửi hiện là 0%. Nhiều quốc gia khác cũng đang 'rục rịch' tăng lãi suất.
Tại Việt Nam, lạm phát cũng là câu chuyện rất được quan tâm và Chính phủ đang chỉ đạo rất nhiều biện pháp để ngăn chặn lạm phát.
Kể từ tháng 7 tới nay, giá xăng trong nước được điều chỉnh giảm mạnh nên chỉ số lạm phát có dương nhưng không nhiều. Vì vậy, chỉ số CPI bình quân 8 tháng đầu năm tăng 2,58% so với cùng kỳ năm trước.
Trong bối cảnh lạm phát được kiểm soát tốt, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn duy trì lãi suất điều hành, không thay đổi kể từ năm 2021 đến nay, bất chấp các nước trên thế giới đang tăng lãi suất rất cao.
Theo ông Tú, điều này cũng tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại tiếp cận với nguồn vốn hợp lí với giá rẻ hơn so với nguồn vốn đi vay ở nước ngoài, thì đây cũng là một trong những chính sách của Nhà nước.
Thời gian qua, nhiều nội dung cần được đáp ứng, nhiều bài toán đặt ra. Đó là vấn đề kiểm soát lạm phát nhưng vừa hỗ trợ việc tăng trưởng kinh tế cũng như đảm bảo khôi phục nhanh nền kinh tế. Hai vấn đề này đặt ra bài toán lãi suất của ngân hàng, tiếp tục điều hành hết sức linh hoạt và đảm bảo được mục tiêu đó.
Tại các ngân hàng thương mại, lãi suất đã có sự biến động tăng rất nhẹ trong thời gian qua, huy động 0,25%, cho vay là 0,24%. Đây có thể là mức thấp nhất trong tất cả các nước khu vực châu Á, Phó thống đốc cho biết.
Hiện nay lãi suất cho vay bình quân 9-9,3%, lãi suất huy động bình quân từ 6,3-6,8% đối với kì hạn trung bình. Mức lãi suất cho vay này so với mấy năm gần đây có thể nói duy trì ở mức khá ổn định.
Tuy nhiên, để kiểm soát lạm phát nhưng lại khôi phục nhanh nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thì thời gian vừa qua, thay vì tăng lãi suất điều hành, Ngân hàng Nhà nước đã tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại tìm các biện pháp bằng nội lực của mình, nguồn lực của mình để hỗ trợ doanh nghiệp.
“Lần này chúng tôi tiếp tục kêu gọi các ngân hàng thương mại cắt giảm chi phí trong hoạt động của mình, thứ hai là cắt giảm một phần lợi nhuận để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn trong thời gian tới”, ông Tú cho biết.
Bên cạnh đó, trước thông tin nhiều ngân hàng đã tăng trưởng tín dụng chạm hạn mức được cấp từ đầu năm khiến nhiều người dân và doanh nghiệp gặp khó khi vay vốn.
Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết, hết tháng 8, mức tăng trưởng tín dụng đạt 9,91%, trong khi đó kế hoạch mục tiêu cả năm 2022 được Ngân hàng Nhà nước đưa ra từ đầu năm là 14%. "Đây là mức tăng rất cao so với cùng kỳ năm ngoái. Các ngân hàng cơ bản đã sử dụng hết hạn mức giao đầu năm".
Phần còn lại của tăng trưởng tín dụng, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục giao cho các ngân hàng trong 1-2 ngày tới và sẽ thông báo tới từng ngân hàng, theo Phó thống đốc, với quan điểm tạo điều kiện cho các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng có chỉ số hoạt động tốt, lành mạnh, hệ số an toàn cao.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/ngan-hang-nha-nuoc-ly-giai-chua-tang-lai-suat-dieu-hanh-a171310.html