Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) chính thức có hiệu lực vào ngày 1/1/2022. Hiệp định bao gồm sự tham gia của các nước Australia, Trung Quốc đại lục, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc và 10 nước thành viên khối ASEAN.
Phạm vi của RCEP không rộng lớn như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), một hiệp định thương mại tự do đã có trong khu vực trước đó, đặc biệt trong các lĩnh vực lao động và môi trường.
Tuy nhiên, RCEP có độ bao phủ phù hợp với các quy tắc và thủ tục giao thương, loại bỏ thuế quan đối với hơn 90% hàng hóa. Đặc biệt, với số lượng lớn các quốc gia tham gia, các quy tắc xuất xứ hàng hóa mở rộng của RCEP cho phép các doanh nghiệp địa phương có thể hưởng lợi từ việc xuất khẩu miễn thuế trong khối, miễn là một số nguyên vật liệu đầu vào của họ (thường khoảng 40%) có nguồn gốc từ các thành viên RCEP khác.
Trong báo cáo mới công bố, HSBC nhận thấy, một số quốc gia đã tận dụng hiệp định này để tăng cường quan hệ thương mại trong khu vực. Điển hình như Malaysia đang làm việc với tỉnh Trùng Khánh của Trung Quốc để xem xét khởi động các dự án đầu tư liên quan đến xe điện (EV). Tương tự, nhờ RCEP, Nhật Bản vốn là một trong những nhà sản xuất ô tô lớn nhất châu Á đã tham gia thoả thuận thương mại với Trung Quốc và Hàn Quốc.
Nhóm nghiên cứu tại HSBC cho rằng điều quan trọng cần lưu ý là RCEP không chỉ giúp thúc đẩy xuất khẩu, mà còn có những ảnh hưởng tích cực gián tiếp khác đến thu nhập của một quốc gia, nhờ vào chiều sâu của hiệp định.
“RCEP vượt xa các hiệp định thương mại tự do ASEAN hiện nay về mặt cơ hội đầu tư. Trước khi có hiệp định này, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật đã là những nhà đầu tư hàng đầu tại một số nền kinh tế ASEAN. Tuy nhiên, mở rộng các thị trường ASEAN hơn nữa sẽ thu hút thêm đầu tư vào công nghệ sản xuất mới, giúp thúc đẩy năng suất lao động hơn”, nhóm nghiên cứu HSBC nhấn mạnh.
Hơn nữa, các thành viên đã cam kết xem xét việc áp dụng điều khoản giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư – nhà nước trong thời gian năm năm. HSBC dẫn báo cáo từ Petri và Plummer năm 2018 cho biết xét về mọi mặt, tự do hóa FDI có thể giúp thu nhập thực tế của tất cả các nước thành viên RCEP tăng đến 0,53%.
HSBC nhận thấy, gia tăng thương mại và dòng vốn FDI do vậy cũng sẽ nâng cao năng suất hơn. Chi phí nhập khẩu các nguyên liệu đầu vào sẽ giảm, nhờ thế sẽ đẩy mạnh sản xuất địa phương. Do đó, HSBC mong đợi sẽ có sự thay đổi trong tính cạnh tranh giữa các lĩnh vực khác nhau. Một cách tự nhiên, nguồn lực và vốn sẽ được dùng cho ngành có tính cạnh tranh cao nhất.
Thêm nữa, việc dỡ bỏ các rào cản với đầu tư nước ngoài có thể thúc đẩy sự phân bổ nguồn lực và công nghệ tốt hơn. Kết quả là điều này sẽ tạo nên một “cú hích” năng suất ở nhiều lĩnh vực, trong khi đẩy mạnh sự chuyển dịch nguồn lực khỏi những ngành không còn tính cạnh tranh nữa.
Trước đó, ADB đánh giá một số thị trường như Nhật Bản hay Hàn Quốc sẽ đạt được bước nhảy vọt lớn nhất về mặt xuất khẩu vào năm 2030. Đáng chú ý, tác động đối với xuất khẩu của các thành viên ASEAN trước và sau khi ký kết hiệp định có thể không nổi bật như các thị trường phát triển. Các hiệp định thương mại tự do của ASEAN đã có từ trước với những thành viên RCEP cũng đã xóa bỏ thuế quan áp đặt trên 86% đến 90% hàng hóa. Các nước RCEP sẽ đóng góp đến 30% sản lượng xuất khẩu toàn cầu vào năm 2030.
Ước tính của ADB, chỉ riêng "những cú hích" năng suất đã có thể tăng thu nhập thực tế thêm 5% dự kiến vào năm 2035 ở các nền kinh tế như Thái Lan, Việt Nam và Malaysia.
Theo tổ chức này, đến năm 2035, ba ngành của Việt Nam được kỳ vọng sẽ mở rộng nhiều nhất là đồ da và quần áo (kỳ vọng mở rộng 14,7%), thiết bị điện và máy móc (mở rộng 12,1%), dệt may (mở rộng 9%). Trái lại, ba lĩnh vực là nhiên liệu hóa thạch; sản phẩm từ gỗ và giấy; dược phẩm cơ bản được cho là thu hẹp nhiều nhất.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/rcep-co-the-mang-lai-cu-hich-nang-suat-nhat-cho-viet-nam-a171669.html