Đầu tư công nghiệp Việt Hưng kinh doanh ra sao sau lô trái phiếu 350 tỷ đồng?

Năm 2020 – 2021 chứng kiến sự bùng nổ phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Giữa sức nóng của thị trường, Bộ Tài chính từng nhiều lần cảnh báo nhà đầu tư khi lựa chọn đầu tư sản phẩm này. Vấn đề được thị trường quan tâm đó là hiệu quả vốn trái phiếu của các công ty ra sao?

ctcp-dau-tu-cong-nghiep-viet-hung-1662706478.jpg
CTCP Đầu tư Công nghiệp Việt Hưng - VCoating. (Ảnh:VCoating).

Mới đây nhất, Bộ Tài chính đưa ra một số cảnh báo và lưu ý với nhà đầu tư khi lựa chọn sản phẩm trái phiếu.

Nhà đầu tư cần hiểu trái phiếu doanh nghiệp không phải tiền gửi ngân hàng và chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được mua. Tổ chức phân phối chào mua không đồng nghĩa đảm bảo an toàn cho việc mua trái phiếu. Mặt khác, bảo lãnh phát hành trái phiếu không phải là bảo lãnh thanh toán và tài sản đảm bảo của trái phiếu doanh nghiệp.

Về phía doanh nghiệp, trước hết cần khẳng định đây vẫn là một kênh dẫn vốn lớn của nền kinh tế. Nhiều công ty, tập đoàn lớn đang sử dụng dòng tiền từ phát hành trái phiếu để phát triển dự án, sản phẩm đem lại lợi nhuận cho công ty.

Điều này đồng nghĩa với việc hiệu quả của sử dụng vốn của doanh nghiệp là một trong những điều tập trung sự quan tâm của nhà đầu tư.

Trên thực tế, việc phát hành trái phiếu trước kia chủ yếu tập trung ở những công ty, tập đoàn lớn. Song bước vào giai đoạn 2020 – 2021, thị trường trái phiếu nở rộ thêm nhiều nhóm doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, thậm chí có những đơn vị vừa thành lập ít thời gian.

Câu hỏi đặt ra Liệu các công ty có kinh doanh hiệu quả hơn sau khi đẩy mạnh phát hành trái phiếu?

Trong tháng 8 vừa qua, thị trường tiếp tục ghi nhận những trường hợp mua lại trái phiếu trước hạn và đáo hạn trái phiếu. Một số doanh nghiệp chi hàng trăm tỷ đồng để trả tiền lãi và gốc khi đáo hạn cho nhà đầu tư.

Đơn cử, đầu tháng 8, hai lô trái phiếu trị giá 500 tỷ đồng của CTCP Đầu tư Công nghiệp Việt Hưng và CTCP Việt Vương đáo hạn.

Với lô trái phiếu của Việt Hưng, đơn vị này phát hành riêng rẻ 350 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 18 tháng, lãi suất 12%/năm. Công ty Chứng khoán Ngân hàng Công thương (VietinBank Securities) là đơn vị tư vấn phát hành đầu tháng 2/2021. Mục đích để Việt Hưng bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh.

Tài sản đảm bảo của lô trái phiếu là 100% cổ phần của Việt Hưng (tương ứng 250 tỷ đồng) và Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất tại Khu công nghiệp Long Thành và toàn bộ nhà xưởng, công trình trên đất và máy móc thiết bị của nhà máy cơ khí mạ Hoàng Hưng tại KCN Long Thành, Đồng Nai. Giá trị định giá dự kiến là 325 tỷ đồng. Tổng giá trị tài sản đảm bảo dự kiến là 575 tỷ đồng.

doanh-thu-va-loi-nhuan-cua-viet-hung-1662706604.png
  Nguồn: Ánh Hường tổng hợp.  

Sau chu kỳ trái phiếu trên, Việt Hưng kinh doanh ra sao?

Theo tìm hiểu, công ty Việt Hưng được thành lập năm 2015, với các lĩnh vực kinh doanh chính là gia công cơ khí, xử lý và tráng phủ kim loại (mạ kẽm nhúng nóng).

Sau khi huy động vốn trái phiếu, Việt Hưng sử dụng toàn bộ 350 tỷ đồng để mua lại khoản nợ xấu từ CTCP Cơ điện Hoàng Hưng. Tài sản của Hoàng Hưng đang thế chấp tại Ngân hàng VietinBank – CN TP HCM gồm quyền và tài sản trên đất, quyền sử dụng máy móc…

Tổng tài sản của Việt Hưng tăng mạnh từ khoảng 750 tỷ đồng cuối tháng 9/2020 lên gần 1.200 tỷ đồng cuối năm 2021. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của công ty không mấy khởi sắc.

Doanh thu năm 2021 của Việt Hưng ước tính sụt giảm 32,8% trong khi lợi nhuận sau thuế cũng giảm tương ứng (37,1%). Quan sát hoạt động cho thấy lợi nhuận công ty liên tục đi xuống trong giai đoạn 2018 – 2021. Nếu so với năm 2018, mức lợi nhuận giảm hơn 74%.

Trước tình hình kinh doanh trên, một trái chủ sở hữu trái phiếu của Việt Hưng cho biết công ty đưa ra phương án trả nợ gốc trái phiếu làm ba đợt vào tháng 9, tháng 10 và tháng 11. Số tiền để trả nợ gốc trái phiếu cho các nhà đầu tư đến từ việc thu hồi công nợ, bán nhà máy và huy động vốn cá nhân.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/dau-tu-cong-nghiep-viet-hung-kinh-doanh-ra-sao-sau-lo-trai-phieu-350-ty-dong-a172180.html