Hòn Mây Rút (gồm hòn Mây Rút Trong và hòn Mây Rút Ngoài) thuộc xã Hòn Thơm, nằm xa bờ nhất của phía nam quần đảo An Thới, TP.Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Theo Quyết định số 06/2021/QĐ-UBND của UBND tỉnh Kiên Giang về ban hành Quy chế quản lý Khu Bảo tồn biển Phú Quốc, hòn Mây Rút Ngoài được xác định nằm trong vùng bảo vệ của Khu bảo tồn có diện tích khoảng 40.000ha.
Theo người dân Phú Quốc, thời điểm trước năm 2016, hòn đảo vẫn còn nguyên vẻ hoang sơ với đồi cây rậm rạp, bãi biển hoang sơ, rạn san hô gần bờ phong phú, các hoạt động du lịch tại đây chủ yếu là tắm biển, lặn ngắm san hồ gần bờ, ít tác động vào môi trường hay đáy biển.
Thế nhưng vài năm trở lại đây, dự án du lịch đổ bộ lên hòn đảo, biến một góc hòn đảo thành một khu du lịch đồ sộ thuộc dự án Phú Quốc Ocean Pearl Island của Công ty Minh Huy với rất nhiều công trình xâm hại bờ biển lẫn đáy biển. Trong đó, công trình nhà hàng rộng hàng ngàn m2 bao trọn cả một dải bờ biển.
Từ đầu năm 2022, công nhân và máy móc được huy động xây dựng một cầu cảng đón tàu du lịch, một cây cầu đi bộ dài hàng trăm mét bao quanh mũi hòn đảo cùng 2 bãi đất lấn ra bờ biển, khác xa so với hình ảnh chụp năm 2016.
Chỉ tay xuống một dải nước biển cạnh cầu cảng hòn Mây Rút Ngoài lúc nào cũng đục ngầu, chảy lan ra xung quanh, anh Toàn - người chạy tàu đưa phóng viên lên đảo kể, từ khi cầu cảng này xây dựng, tình trạng nước biển đục như thế xảy ra nhiều lần nhưng không ai rõ nguyên nhân.
Bước lên cầu cảng, phóng viên nhận thấy, không giống với cầu cảng ở một số hòn đảo khác được xây sơ sài, tạm bợ, cầu cảng tại Hòn Mây Rút được xây dựng cực kỳ kiên cố, rộng khoảng 3m, vươn dài ra biển hàng trăm mét.
Hai bên cầu được dằn bằng đá tảng to và bê tông. Đoạn cuối cầu cảng chưa hoàn thành khi còn để trơ lõi sắt thép, dễ dàng nhận thấy dưới lớp bê tông mặt cầu, rất nhiều tảng đá vôi lớn là san hô chết dưới đáy biển cũng bị máy móc cào vào để làm chân và thân cầu.
Mỗi ngày, hàng chục tàu du lịch có sức chứa hàng chục người/tàu cập cầu cảng, đưa du khách đến vui chơi, tắm biển, sử dụng dịch vụ du lịch tại dự án Phú Quốc Ocean Pearl Island của Công ty Minh Huy.
“Mỗi ngày, mấy chục chuyến tàu du lịch cao tốc chở hàng trăm khách lên Phú Quốc Ocean Pearl Island, nơi này không còn tĩnh lặng như trước nữa", anh Toàn chia sẻ.
Đúng như lời anh Toàn, việc xây dựng cầu cảng này xâm phạm đáy biển khiến một vùng nước rộng hàng ngàn m2 tại đây lúc nào cũng đục ngầu và lan ra phía ngoài biển, ảnh hưởng đến hệ san hô của khu vực.
Thời điểm tàu chở phóng viên gần cập cảng, người tài công chở chúng tôi đi một vòng mũi phía Nam hòn đảo để chứng kiến hạng mục xây dựng cầu đi bộ ngoài biển đang gần hoàn thiện phần thô với mục đích cho khách du lịch đi dạo ngắm biển, check-in địa điểm.
Hàng trăm cọc bê tông cốt thép được đơn vị thi công đóng thẳng xuống đáy biển thuộc Khu bảo tồn biển Phú Quốc, tạo nên một công trình kiên cố dài mấy trăm mét. Nhìn từ trên cao, hạng mục này chỉ còn vài chục mét nữa là hoàn thiện phần thô, khi hoàn thành sẽ là nơi "check in" biển khi du khách đến Hòn Mây Rút.
Người lái tàu ngao ngán: “Người ta xây dựng từ đâu năm 2022 rất rầm rộ, lúc nào tôi chạy tàu ngang cũng thấy nhưng phải tới gần đây cơ quan chức năng mới phát hiện là xây dựng không phép”.
Phóng viên lên bờ, men theo con đường bê tông dọc bờ tại Phú Quốc Ocean Pearl Island thì thấy cả khu vực ngổn ngang vật liệu xây dựng, sắt thép, bao xi măng… khắp nơi. Đặc biệt, những tảng đá san hô lớn bị cào từ dưới biển lên làm phần kè, đá san hô nhỏ hơn được rải cùng đá xây dựng làm bề mặt con đường.
Phía trong vách núi, một số căn lều tạm sơ sài là nơi trú ngụ của vài công nhân xây dựng các công trình này. Khi thấy có người lạ đến, hai công nhân yêu cầu không được đi về phía cầu đi bộ vì đó là công trường, đang ngưng thì công.
Sau một lúc trò chuyện, các công nhân cho biết được nhà thầu đưa ra đây xây cầu chứ không biết công trình có phép hay không vì chuyện đó là của chủ đầu tư, nhà thầu chỉ việc thi công theo yêu cầu. Hiện nay việc xây cầu đang phải dừng lại sau khi đoàn kiểm tra của TP.Phú Quốc và tỉnh Kiên Giang đến kiểm tra dự án.
“Chúng tôi nghe đâu công trình này xây dựng không phép và xâm hại bờ biển gì đó nên phải dừng chờ phương án xử lý. Trong thời gian này công nhân chúng tôi chỉ biết vệ công trường và nằm chờ thôi”, một công nhân nói.
Vào bên trong khu Phú Quốc Ocean Pearl Island, đây là một công trình du lịch đồ sộ với dãi nhà hình cánh cung với chức năng chính là nhà hàng, có thể phục vụ một lúc hàng trăm thực khách. Phía ngoài là bờ biển thuộc dự án cho khách du lịch tắm biển cùng nhiều dịch vụ như bay dù lượn, lái mô-tô nước.
Đáng chú ý, cạnh bãi tắm là một khu đất rộng khoảng hàng trăm mét vuông được xây kè chắc chắn, phía trên đổ cát trắng mịn, xung quanh bờ lắp xích đu, võng cho du khách chụp ảnh. Phía đối diện khoảng đất này bên kia đảo, một bãi đất tương tự có hình tròn cũng được xây lên, trên mặt đã bố trí lưới sắt phục vụ việc đổ nền.
Theo hình ảnh flycam ghi lại hiện trạng hòn Mây Rút Ngoài vào thời điểm Công ty Minh Huy chưa triển khai dự án, dễ dàng nhận thấy không hề có 2 khu đất này mà là bờ biển nhiều đá nối liền với nhau chạy dọc đảo. Do đó, việc thi công này có thể đã lấn biển và xâm phạm Khu bảo tồn biển Phú Quốc.
Trong quá trình ghi nhận, tại một góc bãi biển gần khu vực du khách tắm, chúng tôi phát hiện 2 đoạn ống nhựa lớn nhô ra từ nền bê tông gần khu nhà tắm nước ngọt và bán hàng của Phú Quốc Ocean Pearl Island. Hai đoạn ống này được che chắn sơ sài bởi 2 hòn đá khỏi tầm mắt du khách và cách bờ biển chỉ vài mét.
Từ 2 ống nhựa, dòng nước đục vàng có mùi hôi khó chịu chảy ra, thấm xuống nền đá dăm sát bờ biển. Trong hơn một giờ phóng viên ngồi ở vị trí này, nước từ ống nhựa vẫn không ngừng chảy và thẩm thấu xuống lớp đá, lan ra xung quanh.
Thông tin từ UBND TP.Phú Quốc, giữa tháng 8/2022, lãnh đạo thành phố cùng các đơn vị liên quan đã đến dự án này kiểm tra và phát hiện nhiều sai phạm nên đã yêu cầu chủ đầu tư tạm dừng thi công để có phương án xử lý.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/du-an-phu-quoc-ocean-pearl-island-cua-cong-ty-minh-huy-dang-xam-hai-bien-the-nao-a172328.html