Soi 'sức khỏe' những ngân hàng được nới room tín dụng

Những ngân hàng được tăng chỉ tiêu tín dụng đã hoạt động như nào trong 6 tháng qua?

Ngày 7/9, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã chính thức gửi văn bản điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 đối với các tổ chức tín dụng có đề nghị và gửi các tổ chức tín dụng này.

Theo Vietnamplus, với mục tiêu trần tăng trưởng tín dụng cả năm 2022 của hệ thống ngân hàng quanh mức 14%, lần này NHNN thận trọng cấp thêm từ 1% đến 4% room tín dụng so với mức cũ, tùy từng ngân hàng.

Cụ thể, có 15 ngân hàng được nới room tín dụng lần này gồm Sacombank (STB) 4%; HDBank 3,4%; MBB (3,2%); OCB (3,1%); VIB (3%). Vietcombank và Techcombank cùng được cấp thêm 2,7%. Một số ngân hàng khác cũng được nới room nhưng ở mức khiêm tốn hơn.

Nhìn lại tình hình kinh doanh của các ngân hàng được tăng chỉ tiêu tín dụng trong 6 tháng qua như thế nào?

Đối với Sacombank, 6 tháng đầu năm 2022 thu nhập lãi thuần lại giảm 13% về mức 5.342 tỷ đồng. Nhưng nhờ các nguồn thu ngoài lãi tăng mạnh nên lợi nhuận sau thuế vẫn nhích nhẹ 8,5% lên mức 2.078 tỷ đồng.

Năm 2022, Sacombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 5.280 tỷ đồng, như vậy sau 6 tháng, nhà băng này thực hiện được 55% chỉ tiêu đề ra.

Tại thời điểm 30/6/2022, tổng tài sản của Sacombank tăng 5,8% lên 551.422 tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng chiếm 414.561 tỷ đồng, tăng nhẹ 6,8%. Tiền gửi của khách hàng tại Sacombank tăng 6,7% lên mức 456.417 tỷ đồng.

Về chất lượng nợ cho vay, tổng nợ xấu của Sacombank giảm 7,6% về mức 5.282 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn vẫn ở mức cao khi chiếm tới 4.242 tỷ đồng. Tương ứng tỷ lệ nợ xấu của nhà băng này giảm từ mức 1,47% của đầu kỳ xuống mức 1,27%.

Với HDBank, nguồn thu chính 6 tháng đầu năm là thu nhập lãi thuần đạt 8.595 tỷ đồng, tăng gần 26% so cùng kỳ. Kỳ này, HDBank tăng mạnh 57% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lên 1.441 tỷ đồng. Do đó, lãi ròng 6 tháng chỉ tăng 28% khi đạt 3.997 tỷ đồng.

Tính đến ngày 30/6/2022, tổng huy động vốn đạt trên 340.000 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng hợp nhất đạt trên 245.000 tỷ đồng, tăng 14,8% so với 31/12/2021. Tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ chỉ 0,93%, tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu riêng lẻ đạt 109%.

Ngân hàng MBB báo tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm khi trích lập 3,500 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, giảm 17% so với cùng kỳ, do đó thu được khoản lãi trước thuế hơn 11,896 tỷ đồng, tăng 49%.

So với kế hoạch 20,300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế đặt ra cho cả năm, MBB đã thực hiện được 59% sau nửa đầu năm.

Tính đến cuối quý 2/2022, tổng tài sản của MBB tăng 8% so với đầu năm, lên mức 658,274 tỷ đồng. Cho vay khách hàng tăng 14%, ghi nhận 415,456 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 3%, ghi nhận được 396,910 tỷ đồng.

Tổng nợ xấu tính đến 30/06/2022 của MBB tăng 52% so với đầu năm, chiếm 4,975 tỷ đồng trong tổng dư nợ. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh nhất. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 0.9% đầu năm lên 1.2%.

Với OCB, tính đến cuối tháng 6, tổng dư nợ tín dụng đạt 113,753 tỷ đồng, tăng gần 10% so với đầu năm. Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 1,739 tỷ đồng.

Kết thúc quý 2/2022, tổng tài sản của OCB đạt 188,857 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng số huy động thị trường 1 của ngân hàng đạt 123,698 tỷ đồng, tăng 4.5% so với cùng kỳ. Tính đến cuối tháng 6/2022, tỷ lệ nợ xấu của OCB được kiểm soát ở mức 1%.

6 tháng đầu năm, VIB tăng 17% chi phí dự phòng rủi ro, trích gần 761 tỷ đồng, do đó thu về gần 5,023 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 27%. So với kế hoạch lãi trước thuế 10,500 tỷ đồng được đặt ra cho cả năm, VIB đã thực hiện được 48% chỉ tiêu sau nửa đầu năm.

Tính đến cuối quý 2, tổng tài sản của VIB tăng 12% so với đầu năm, lên mức 348,022 tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 10% khi đạt 221,720 tỷ đồng.

Về nguồn vốn kinh doanh, tiền gửi khách hàng tăng 14% so với đầu năm lên 197,169 tỷ đồng.

Tổng nợ xấu tính đến 30/06/2022 tăng 16% so với đầu năm, chiếm 5,429 tỷ đồng trong tổng dư nợ. tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 2.32% đầu năm lên 2.45%.

Đối với Vietcombank, 6 tháng đầu năm, nhà băng này trích 5,007 tỷ đồng để dự phòng rủi ro, nên chỉ báo lãi trước thuế tăng 28% so với cùng kỳ, thu được hơn 17,373 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cổ đông ngân hàng mẹ tăng 28%, đạt hơn 13,899 tỷ đồng.

Năm 2022, Vietcombank đặt mục tiêu lãi trước thuế tối thiểu tăng 12% so với kết quả năm 2021, tương đương 30,675 tỷ đồng. Như vậy, Ngân hàng đã thực hiện được gần 57% sau nửa đầu năm.

Tính đến cuối quý 2, tổng tài sản của Vietcombank tăng 13% so với đầu năm, lên mức hơn 1.6 triệu tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 15% lên hơn 1.1 triệu tỷ đồng.

Về nguồn vốn kinh doanh, tiền gửi khách hàng tăng 5% so với đầu năm, lên gần 1.2 triệu tỷ đồng.

Tổng nợ xấu tính đến ngày 30/06/2022 của Vietcombank tăng 9% so với đầu năm, ghi nhận gần 6,694 tỷ đồng. Tương ứng tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay giảm nhẹ từ mức 0.64% đầu năm xuống còn 0.61%.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Techcombank giảm đến 56% chi phí dự phòng, chỉ còn gần 636 tỷ đồng, do đó Ngân hàng thu được 14,106 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 22%.

So với kế hoạch 27,000 tỷ đồng lãi trước thuế đặt ra cho cả năm, Techcombank đã thực hiện được 52%.

Tính đến cuối quý 2, tổng tài sản tăng 10% so với đầu năm, lên mức 623,745 tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 13% lên 9391,823 tỷ đồng. Về nguồn vốn, tiền gửi khách hàng chỉ tăng nhẹ 2% so với đầu năm lên 321,633 tỷ đồng.

Về chất lượng nợ vay, tổng nợ xấu tại ngày 30/06/2022 chỉ tăng nhẹ 3% so với đầu năm, ghi nhận 2,359 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay giảm từ 0.66% xuống còn 0.6%.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/soi-suc-khoe-nhung-ngan-hang-duoc-noi-room-tin-dung-a172577.html