Chứng khoán Mỹ có tuần tăng đầu tiên trong bốn tuần

Các chỉ số chứng khoán Mỹ phục hồi trong phiên 9/9 và tăng tuần đầu tiên trong bốn tuần, khi các nhà đầu tư mua vào, dù có những lo ngại về triển vọng của nền kinh tế.

Giao dịch viên tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: THX/ TTXVN

Giao dịch viên tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: THX/ TTXVN

Chốt phiên cuối tuần, chỉ số Dow Jones tăng 377,19 điểm, hay 1,19%, lên 32.151,71 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 61,18 điểm, hay 1,53%, lên 4.067,36 điểm và chỉ số Nasdaq Composite tăng 250,18 điểm, hay 2,11%, lên 12.112,31 điểm.

Thị trường đi lên trong phiên 8/9 sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu tăng mạnh lãi suất và các nhà đầu tư dự đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tăng lãi suất mạnh vào cuối tháng này. Khép phiên này, chỉ số Dow Jones tăng 193,24 điểm (0,61%) lên 31.774,52 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 26,31 điểm (0,66%) lên 4.006,18 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 70,23 điểm (0,6%) lên 11.862,13 điểm.

Trong phiên 7/9, các chỉ số chứng khoán chủ chốt của Mỹ đồng loạt tăng cao với chỉ số Dow Jones tăng 1,4% lên 31.581,28 điểm. Chỉ số S&P 500 tiến 1,8% lên 3.979,87 điểm, trong khi chỉ số Nasdaq Composite khép phiên với mức tăng 2,1% lên 11.791,90 điểm.

Trước đó, các chỉ số chứng khoán Mỹ chốt phiên 6/9 giảm điểm, khi các nhà giao dịch đánh giá các số liệu kinh tế mới. Chỉ số Dow Jones giảm 173,14 điểm, hay 0,55%, xuống 31.145,3 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 16,07 điểm, hay 0,41%, xuống 3.908,19 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 85,96 điểm, hay 0,74%, xuống 11.544,91 điểm.

Trong cả tuần, chỉ số Dow Jones tăng 2,7%, chỉ số S&P 500 tăng 3,6% và chỉ số Nasdaq Composite tăng 4,1%.

Thị trường đi lên sau đợt báo tháo bắt đầu từ giữa tháng Tám, do những lo ngại về tác động của việc thắt chặt chính sách tiền tệ và những dấu hiệu cho thấy sự giảm tốc của nền kinh tế tại châu Âu và Trung Quốc.

Các nhà phân tích cho rằng sự phục hồi của thị trường trong tuần qua liên quan nhiều hơn đến hoạt động bán ra quá mức trước đó, khi sự không chắc chắn vẫn lớn về lạm phát và mức độ tăng lãi suất của Fed.

Các nhà đầu tư đang chờ báo cáo về giá tiêu dùng tháng Tám được công bố trong tuần tới. Theo dự báo, lạm phát sẽ ở mức 8,1% trong tháng Tám, so với mức 8,5% trong tháng Bảy.

Các nhà kinh tế của Wells Fargo nhận định lạm phát sẽ giảm theo tháng mạnh nhất kể từ giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch vào tháng 4/2020, nhờ giá khí đốt giảm.

Các nhà đầu tư cũng lo ngại Fed sẽ tiếp tục tăng mạnh lãi suất.

Ngày 9/9, Thống đốc Fe, Christopher Waller, cho rằng Fed cần quyết liệt trong việc tăng lãi suất, dù nền kinh tế có thể chịu những tác động không mong muốn, trong khi Chủ tịch Fed tại Kansas City, Esther George, thừa nhận kiểm soát lạm phát là một nhiệm vụ khó khăn./.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/chung-khoan-my-co-tuan-tang-dau-tien-trong-bon-tuan-a172582.html