Biểu tượng đồng tiền chung euro ở phía trước trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tại Frankfurt am Main, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo ông Willem H. Buiter, cố vấn kinh tế độc lập và cựu kinh tế trưởng tại Citigroup, Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đang hướng tới một cuộc khủng hoảng nợ công. Cuộc khủng hoảng này có thể trở nên hiện hữu nếu các khoản nợ công không bền vững kích hoạt xu hướng rời khỏi Eurozone.
Danh sách các quốc gia yếu kém về tài chính bao gồm Italy (kết thúc quý đầu tiên của năm nay với tổng nợ công ở mức 152,6% GDP), Hy Lạp (189,3% GDP nhưng thời hạn trung bình dài hơn), Bồ Đào Nha (127%), Tây Ban Nha (117,7 %), Pháp (114,4%), Bỉ (107,9%) và Cộng hòa Cyprus (104,9%).
Nợ công có thể trở nên không bền vững do triển vọng tăng trưởng kém, lãi suất phi rủi ro cao hơn, phần bù rủi ro quốc gia lớn hơn và thiếu năng lực tài chính.
Một biện pháp để tránh khủng hoảng nợ công ở khu vực đồng euro là "xã hội hóa" thâm hụt tài chính của các quốc gia thành viên yếu kém bằng cách thực hiện NextGenerationEU - chương trình tài trợ khẩn cấp được tạo ra để giúp đối phó với những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 một cách lâu dài. Việc thúc đẩy các nguồn tài chính trung tâm của Liên minh châu Âu (EU) hàng năm lên khoảng 3% GDP - tương đương 445 tỷ USD vào năm 2022 - có thể làm được việc này, nhưng lại khó xảy ra về mặt chính trị.
Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể tiếp tục mua nợ của các quốc gia thành viên yếu kém về tài chính và không tăng lãi suất chính sách lên mức cần thiết để đạt được mục tiêu lạm phát. Nhưng việc sử dụng các phương tiện như Giao dịch tiền tệ toàn diện và Sáng kiến bảo vệ giao dịch cho các mục đích giải cứu tài khóa, thay vì để ngăn chặn sự phân mảnh thị trường và bảo vệ "tính duy nhất của cơ chế truyền dẫn tiền tệ", sẽ không được chấp nhận về mặt chính trị ở Đức hoặc các quốc gia khác.
Theo bà Megan Greene, thành viên nghiên cứu cấp cao của Trường Chính phủ John F. Kennedy thuộc Đại học Harvard, khu vực đồng euro rõ ràng đang hướng tới một cuộc khủng hoảng khác, mặc dù rủi ro này dường như sẽ không xảy ra ngay lập tức. Sự tồn tại hay không tồn tại của đồng euro sẽ phụ thuộc rất nhiều vào cuộc bầu cử sắp tới ở Italy, nơi có khả năng sẽ hình thành một chính phủ liên minh trung hữu do đảng "Brothers of Italy - FdI" lãnh đạo.
Tuy vậy, chính phủ mới của Italy sẽ có rất ít dư địa để hành động. ECB là bên mua nợ thực sự duy nhất của Italy kể từ khi đại dịch xảy ra, và việc sử dụng các công cụ và cơ chế của ECB để giảm chênh lệch giá cả ở Italy sẽ yêu cầu chính phủ nước này phải tuân thủ các quy tắc tài chính của EU. Nếu không, giải pháp thay thế là Italy sẽ tìm cách rời khỏi khu vực Eurozone - điều mà một chính phủ trung hữu sẽ không muốn làm.
Bên cạnh đó, EU đã thay đổi đáng kể kể từ năm 2010, với sự ra đời của Cơ chế ổn định châu Âu và NextGenerationEU, nhưng châu Âu vẫn thiếu liên minh tài chính, ngân hàng và chính trị. Các nước Bắc Âu vẫn đang phản đối việc sử dụng NextGenerationEU làm tiền đề cho kế hoạch tài trợ cho quá trình chuyển đổi xanh và chi tiêu quốc phòng cao hơn. Dù vậy, theo chuyên gia Daniel Gros thuộc Trung tâm nghiên cứu chính sách châu Âu, việc lặp lại cuộc khủng hoảng đồng euro giai đoạn 2011-2012 rất khó xảy ra, bởi vì các nguyên tắc cơ bản là hoàn toàn khác nhau.
Một thập kỷ trước, các nước phía Nam của khu vực đồng euro có thâm hụt tài khoản vãng lai lớn, có nghĩa là họ cần dòng vốn lớn. Khi các dòng vốn này dừng lại, nền kinh tế của họ suy thoái và các lỗ hổng trong hệ thống ngân hàng của họ bị lộ ra. Ngày nay, Italy đang có thặng dư tài khoản vãng lai khá lớn, vị thế tài sản ròng nước ngoài của nước này vừa chuyển sang tích cực và các ngân hàng của Italy mạnh hơn nhiều.
Theo bà Paola Subacchi, Giáo sư kinh tế quốc tế tại Viện chính sách toàn cầu Queen Mary của Đại học London, khu vực đồng euro đang phải đối mặt với một mùa Đông khó khăn. Bất chấp những tiến bộ nhằm giảm bớt hạn chế từ phía nguồn cung, châu Âu vẫn phụ thuộc nhiều vào năng lượng từ Nga, vốn chiếm 40% lượng khí đốt nhập khẩu và 27% lượng dầu nhập khẩu vào năm 2021. Giờ đây, Nga đã quyết định đóng cửa vô thời hạn đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream 1) và việc châu Âu nhập khẩu dầu của Nga cũng đang bị cấm vận.
Các ngành công nghiệp phụ thuộc vào năng lượng ở khu vực đồng euro đang phải vật lộn với giá cao và tắc nghẽn nguồn cung. Tháng trước, giá năng lượng đã tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái và lạm phát hàng năm lên tới 9,1%, tăng so với mức 8,9% trong tháng Bảy. Người tiêu dùng và chính phủ đang phải chịu nhiều áp lực hơn nữa đối với mức sống trong những tháng mùa Đông, khi mức tiêu thụ năng lượng sẽ cần tăng lên. Tất cả điều này được phản ánh trong sự sụt giảm trong kinh doanh và niềm tin của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, nhìn chung, nền kinh tế khu vực đồng euro đang ở trong tình trạng khá tốt. Bất chấp sự suy thoái đáng kể trong hoạt động kinh tế kể từ đầu năm 2022, GDP thực tế được dự báo sẽ tăng 2,8-2,6% trong năm nay, sau khi đã tăng 5,3% vào năm. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự kiến GDP thực tế sẽ tăng 1,6% vào năm 2023 và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán mức tăng trưởng 1,2%.
Tác động của việc đóng cửa đường ống Nord Stream 1, đặc biệt là đối với các lĩnh vực sản xuất của Đức và Italy, có thể khiến triển vọng này xấu đi. Một đợt phong tỏa khác để phòng dịch COVID-19 ở Trung Quốc - đối tác thương mại chính của Đức - có thể khiến vấn đề thêm trầm trọng. Và sự suy yếu của đồng euro, vốn đã rớt xuống gần tương đương với USD, sẽ khiến hàng nhập khẩu thậm chí còn đắt hơn. Chi phí sinh hoạt tăng sẽ làm suy yếu nhu cầu của người tiêu dùng, mặc dù các hộ gia đình có thể giảm bớt tác động của giá cả cao hơn bằng cách tiết kiệm.
Sóng gió sắp tới chắc chắn là mạnh mẽ. Các chính sách nhằm giảm thiểu sự gia tăng chi phí sinh hoạt và cung cấp mạng lưới an toàn cho các công ty đang gặp khó khăn về thanh khoản sẽ giúp giảm thiểu rủi ro của một cuộc suy thoái tồi tệ hơn ở châu Âu./.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/chau-au-dang-huong-toi-mot-cuoc-khung-hoang-khac-a172863.html